Trong khi Thủ tướng yêu cầu điều tra, ngành giao thông vận tải đánh giá vụ lật cầu treo Chu Va 6 là đặc biệt nghiêm trọng, Công an tỉnh Lai Châu lại cho rằng chưa thể khởi tố vì chưa đủ căn cứ.
Ông Nguyễn Văn Lưu, người phát ngôn kiêm Chánh Văn phòng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), cho biết ngày 7/3, cơ quan này đã có văn bản gửi Công an tỉnh Lai Châu đề nghị xem xét khởi tố vụ án lật cầu treo Chu Va 6 (xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) khiến 8 người chết và hàng chục người bị thương. Văn bản này xuất phát từ chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng tại cuộc họp ngày 6/3 với Tổ Điều tra độc lập nguyên nhân sập cầu treo Chu Va 6.
Khởi tố sớm có lợi cho công tác tố tụng
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động chiều 7/3 về lý do chưa khởi tố vụ án, Thiếu tướng Trần Duân, Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu, khẳng định: Đây là vụ cực kỳ nghiêm trọng nên phải làm cẩn thận. “Đến giờ, chúng tôi chưa thể quyết định khởi tố vụ án vì chưa đủ căn cứ. Bộ GTVT yêu cầu như vậy là thiếu căn cứ vì bộ phận ắc neo tăng-đơ và một số vật chứng khác của vụ tai nạn đang được Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an giám định. Khi nào có kết quả giám định, chúng tôi mới có cơ sở xem xét” - ông Duân nói.
Hậu quả của vụ lật cầu Chu Va 6 là vô cùng to lớn. Ảnh: Nguyễn Quyết
Trong khi đó, một lãnh đạo của Hội Luật gia TP Hà Nội khẳng định với những thiệt hại về người và của trong vụ sập cầu Chu Va 6 là đã có thể khởi tố vụ án hình sự để xác lập điều kiện điều tra nguyên nhân vụ việc cũng như trách nhiệm của các bên liên quan. Sau đó, nếu phát hiện có dấu hiệu phạm tội, thi công gian dối, không đúng theo thiết kế thì có thể khởi tố bị can về hành vi.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, cho rằng không hiểu vì sao Công an tỉnh Lai Châu lại chậm trễ khởi tố vụ án. “Đã có thiệt hại lớn như vậy thì chắc chắn có vi phạm. Còn sai phạm ở mức nào, ra sao và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan thì phải khởi tố vụ án mới tạo điều kiện cho các cơ quan tố tụng vào cuộc xem xét một cách khách quan. Việc khởi tố vụ án cũng giúp gia đình nạn nhân có thể thuê luật sư tham gia quy trình tố tụng, xem xét trách nhiệm của các bên liên quan để đề nghị xử lý, yêu cầu bồi thường…” - ông Hậu phân tích.
Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia đánh giá vụ lật cầu treo Chu Va 6 là đặc biệt nghiêm trọng về tính chất cũng như mức độ. Chính vì thế, Thủ tướng chỉ đạo phải điều tra, làm rõ nguyên nhân và xử lý nghiêm đối với những cá nhân, tổ chức vi phạm liên quan (nếu có). Trong khi theo quy định, thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can thuộc Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Lai Châu. “Việc Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, có văn bản đề nghị khởi tố vụ án cũng xuất phát từ những bức xúc của dư luận, những đòi hỏi về việc sớm làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong vụ tai nạn này để làm gương. Dư luận đang rất trông chờ việc xử lý của Công an tỉnh Lai Châu” - ông Thái nói.
Bộ GTVT: Phải truy trách nhiệm đến cùng
Theo thông tin nghiên cứu bước đầu của Tổ Điều tra độc lập của Bộ GTVT, cầu treo dân sinh Chu Va 6 được phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật tại Quyết định số 747/QĐ-UBND ngày 17/7/2012 của UBND tỉnh Lai Châu.
Theo đó, cầu Chu Va 6 dài 54 m, bề rộng mặt cầu 1,5 m, cột cổng cao 5,4 m, tải trọng thiết kế 1,5 tấn đơn chiếc, hoạt tải tính chung 100 kg/m2 mặt cầu. Hệ cáp chủ dùng loại đường kính D32 xuất xứ Hàn Quốc có khả năng chịu tải 72,4 tấn/một bên cáp chủ. Bước đầu, tổ điều tra do ông Hoàng Hà - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ GTVT), làm tổ trưởng - đã kết luận nguyên nhân trực tiếp gây sự cố là do đứt ắc neo tăng-đơ tại đầu neo cáp ở đầu cầu hướng bản Chu Va 8 (phía thượng lưu cầu) dẫn đến mất khả năng chịu lực của cáp chủ thượng lưu gây lật mặt cầu. Hiện nay, bộ phận ắc neo tăng-đơ bị đứt đã được cơ quan chức năng thu giữ để giám định phục vụ điều tra nguyên nhân sự cố.
Bộ GTVT đánh giá Chu Va 6 là cây cầu nhỏ nhưng hậu quả của vụ tai nạn lại vô cùng lớn nên phải truy đến cùng nguyên nhân và trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong việc thiết kế, xây dựng.