Dù những gốc đào cổ thụ với dáng lạ, giá khủng đã xuất hiện trên thị trường, nhưng mặt hàng này lại đang kén khách, đa số mọi người chỉ đến chiêm ngưỡng.
Dọc đường Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội) những gốc đào "khủng" đã xuống phố từ đầu tháng Chạp. Để phục vụ người dân chơi Tết, các nhà vườn đã đưa những gốc đào cổ thụ có tuổi đời từ vài chục năm đến cả trăm năm với tạo hình bắt mắt ra phố để bán và cho thuê.
Để đảm bảo việc phòng chống dịch, nhiều chủ vườn đào còn có mã quét QR treo ngay ở gốc để người dân thực hiện khai báo khi đến tham quan, mua hoặc hỏi thuê. Theo nhận định của chủ các gốc đào cổ thụ, năm nay giá cho thuê dù đã rất mềm, thậm chí giảm đến 40% so với các năm trước nhưng lượng người hỏi và đặt thuê rất khiêm tốn.
Những cây đào cổ thụ có giá gần 100 triệu được gắn mã QR để phòng chống dịch.
Chị Giang – chủ một điểm bán và cho thuê đào cổ thụ ở đầu đường Lạc Long Quân - cho biết dù đã ở nửa cuối tháng Chạp, Tết đã đến rất gần nhưng số người đến hỏi và đặt thuê đào chỉ đếm trên đầu ngón tay. Sở dĩ như vậy là do tình hình dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của doanh nghiệp cũng như các gia đình.
“Do dự tính được trước những khó khăn kinh tế do dịch bệnh, chúng tôi hạ giá thành cho thuê rất nhiều nhưng vẫn không có khách thuê. Có gốc đào năm trước có giá thuê 100 triệu đến 150 triệu, năm nay chỉ đưa ra mức giá 60 đến 80 triệu nhưng rất ít người hỏi”, chị Giang cho hay.
Một gốc đào có tuổi đời hàng chục năm, có dáng - thế đẹp có giá 80 triệu đồng.
Theo chị Giang, do gốc đào cổ thụ hiện giờ rất khó kiếm, chị chỉ cho thuê chứ không bán đứt. Đó cũng là xu thế chung của những chủ vườn đào cổ thụ đang trưng bày trên con phố này.
Tại khu vực giữa đường Lạc Long Quân năm nay xuất hiện những gốc đào không chỉ “khủng” về tuổi đời, quy mô và các tiểu cảnh phối hợp cũng “có một không hai” tại Hà Nội. Không chỉ có vậy, các gốc đào này cũng có giá bán và cho thuê chỉ dành cho những người nhiều tiền.
Hai gốc đào trăm năm tuổi thu hút sự chú ý của nhiều người với dáng lạ, bài trí và phối cảnh cực hấp dẫn. Nếu muốn sở hữu thì phải có đủ 200 triệu đồng trở lên.
Theo đó, hai gốc đào được trang trí bằng đá khối xanh, với nhiều tiểu cảnh và giàn phun hơi rất bắt mắt, thu hút sự chú ý của người đi đường, tham quan. Chủ nhân của gốc đào này cho biết, giá cho thuê mỗi gốc từ 150 đến 180 triệu đồng. Còn nếu ai muốn mua đứt thì phải chi ra không dưới 250 triệu đồng.
Không chỉ phân khúc đào cổ thụ ít khách, ngay cả những loại đào nhỏ năm nay bán ra cũng rất chậm, dù giá rất mềm. Còn đối với người dân, hiện đa số mọi người chỉ đi tham khảo giá, đợi cận Tết sẽ chọn mua với hi vọng giá đào giảm sâu hơn nữa.
Không chỉ phân khúc đào cổ thụ, ngay cả gốc đào nhỏ, đào cành năm nay cũng bán chậm hơn mọi năm.
Không chỉ đào Tết, thị trường quất năm nay cũng khá ảm đạm dù giá cũng giảm hơn so với mọi năm, trong khi mẫu mã vẫn được thiết kế rất bắt mắt, quả chín đều và đẹp.
Anh Dũng - chủ một quầy bán quất Tết ở ngay giáp Hồ Tây cho biết, tính đến thời điểm này số lượng quất bán ra mới chỉ bằng 1/3 so với cùng thời điểm năm trước trong khi giá đã giảm rất sâu. Một cây quất năm trước có giá từ 2 đến 2,5 triệu thì năm nay chỉ bán với giá 1,2 đến 1,5 triệu.
Một gốc quất như trong hình năm nay anh Dũng chỉ bán với giá 1,2 triệu đồng, nhưng khách mua không nhiều.
“Thời buổi dịch bệnh, chấp nhận bán lãi ít nhưng không bỏ nghề, vì phục vụ bà con là chính. Mong muốn tất cả cùng chia sẻ nhau lúc khó khăn, để năm mới mọi thứ tốt đẹp hơn”, anh Dũng nói.
Ở phân khúc quất Tết cao hơn cũng chung tình trạng ế ẩm, thậm chí nhiều chủ cửa hàng không dám nhập nhiều mẫu mã vì sợ ế. “Mọi năm đôi quất lục bình bán rất chạy, năm nay tôi chỉ dám nhập vài ba đôi để đa dạng mặt hàng. Giá một đôi 15 triệu, rẻ hơn trước rất nhiều nhưng không có người hỏi, chứ chưa nói đến việc mua”, chủ một cửa hàng buôn bán quất chia sẻ.
Đôi quất lục bình có giá 15 triệu đồng, thế đẹp quả rất đều và sai nhưng vẫn nằm im đợi khách đến mua.
Một số loại quất cảnh ở phân khúc thấp hơn, dù được tạo dáng khá đẹp nhưng số người mua không nhiều.