Loại quả này có kích thước "khủng", màu sắc là hương vị lạ, mấy năm gần đây được nhiều người thành phố tìm mua khắp nơi.
Hiện khắp các chợ dân sinh hay siêu thị đang bày bán tràn ngập na dai, na bở với giá từ 20.000-50.000 đồng/kg tuỳ xuất xứ và kích thước. Nhưng ít ai biết được rằng có một loại na kích thước "khủng", vỏ màu xanh hồng, ruột màu đỏ rất lạ mắt, đó là quả na rừng.
Quả na rừng còn có tên gọi khác là nê rừng, quả nắm cơm, tên khoa học là Kadsura Coccinea, thuộc họ Ngũ vị tử (Schisandraceae). Cây na rừng mọc hoang dại ở những cánh rừng sâu ở các tỉnh miền núi phía Bắc như: Lạng Sơn, Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên… Tháng 8, tháng 9 âm lịch hàng năm là thời điểm ra rừng vào mùa.
Quả na rừng là đặc sản ở núi rừng Tây Bắc, có màu lạ mắt
Người dân địa phương cho biết quả na rừng ruột mềm, có vị ngọt nhẹ, và mùi rất thơm. Khi quả chín sẽ toả ra mùi thơm đặc trưng, vô cùng hấp dẫn. Trước đây người đi rừng thường hái quả na rừng để ăn "chống đói", nhưng quả này được dùng để ngâm rượu nhiều hơn.
"Na rừng có loại trắng và loại đỏ, Na trắng khi chín có màu vàng nhạt hoặc khe múi hơi đỏ, trong khi na đỏ toàn thân màu đỏ tươi. Na trắng có giá rẻ hơn do ít có giá trị về dược liệu.
Trước đây cây na rừng có nhiều nhưng bây giờ phải đi vào rừng sâu mới thu hái được. Na rừng đạt yêu cầu là quả không bị thối hỏng, các mắt, khe nứt to. Mấy năm nay thứ quả rừng này được người thành phố đặt mua nên lúc nào cũng đắt hàng", anh Mạnh (ở Yên Bái) chia sẻ.
Anh Mạnh nói thêm, để hái được na rừng phải trèo đèo lội suối, khó khăn mới vào được đến nơi cây na rừng mọc, sau đó phải trèo lên những cây cao tít để hái quả. Phải là những người am hiểu địa hình, đôi khi phải vào rừng 1-2 ngày mới hái được na.
Na rừng mọc ở trong rừng sâu, việc thu hái khá vất vả
Theo khảo sát, trên chợ mạng, na rừng được bán với giá từ 70.000-100.000 đồng/kg, đắt hơn 3 lần so với quả na thường. Còn loại đã tách múi sẵn, đóng trong túi zip có giá khoảng 160.000 đồng/kg. Đặc biệt, na rừng có kích thước "khủng", có quả nặng tới 2-3kg, nên một quả na rừng giá có thể lên tới 300.000 đồng.
Chị Liên (đầu mối thu mua na rừng để bán sỉ đi các tỉnh thành và bán trên chợ mạng) cho biết: "Mấy năm nay nhiều người tìm mua na rừng để ngâm rượu vì có nhiều công dụng tốt cho sức khoẻ. Tùy vào từng đợt dân đi hái được nhiều hay ít mà giá bán khác nhau.
Mỗi mùa vụ tôi gom của các tiểu thương, bà con dân tộc cũng chỉ được trên dưới 1 tạ na rừng. Vào cuối vụ na rừng hiếm hơn thì phải đắt hàng trước mới mua được".
Cũng là người bán ra rừng trên chợ mạng, anh Huy (ở Lạng Sơn) chia sẻ: "Chúng tôi cũng phải đặt bà con vào rừng tìm hái, sau đó gom mua ở nhiều nơi đổ buôn cho các đầu mối ở các tỉnh. Dù giá cao nhưng số lượng na rừng không nhiều, muốn đặt mua cũng phải chờ nhiều ngày thậm nhiều tuần để gom hàng".
Theo kinh nghiệm của dân gian, thân dây cây na rừng có tác dụng khu phong, trừ thấp, hành khí, hoạt huyết. Trong khi đó quả na rừng có tác dụng ninh tâm, bổ thận, chỉ khái và khu đàm.