Đây là một đặc sản ngon nức tiếng ở vùng Kinh Môn, Tứ Kỳ, Hải Dương, có giá đắt đỏ nhưng nhiều người vẫn tìm mua về thưởng thức.
"Bao giờ cho đến tháng mười, bát cơm thì trắng bát rươi thì đầy", là câu nói của người dân Hải Dương để nói đến mùa rươi. Được biết, rươi có ở nhiều nơi nhưng ngon nhất là ở vùng Kinh Môn, Tứ Kỳ, Hải Dương.
Cứ đến tháng 10 hàng năm là thời điểm con rươi vào mùa. Người ta ví chúng như "lộc trời" vì đến mùa sẽ tự xuất hiện, không cần nuôi hay chăm sóc. Loài này có tập tính sống trong hang dưới bùn và chỉ xuất hiện vào những thời kỳ nhất định trong năm vì chúng chịu ảnh hưởng bởi thủy triều, thời tiết, tuần trăng, nhiệt độ, độ mặn và nhiều yếu tố sinh thái khác.
Buổi tối hoặc ban đêm là lúc rươi xuất hiện, nổi trên mặt nước - Ảnh: Báo Hải Dương
Người dân địa phương cho biết con rươi thường xuất hiện vào buổi tối hoặc lúc nửa đêm. Thời điểm này, người dân rọi đèn đi săn "lộc trời" để về chế biến đủ món ăn ngon, hoặc bán cho nhà hàng hoặc thương lái đi khắp các tỉnh thành.
Trên thị trường, rươi có giá vô cùng đắt đỏ. 1kg rươi tươi được đóng hộp, bán với giá từ 300.000-400.000 đồng/kg. Lúc khan hiếm hoặc đầu mùa số lượng ít giá có thể lên tới 500.000 đồng/kg.
Về đặc điểm bên ngoài, con rươi có màu xanh xanh đỏ đỏ, nhơn nhớt, nhìn rất ghê. Nhiều người cảm thấy e dè khi thấy con rươi sống, nhưng khi chế biến thành món ăn, chúng lại vô cùng hấp dẫn, đặc biệt là món chả rươi.
Chị Nguyệt (ở Kinh Môn) chia sẻ: "Rươi là loài khó tính nên ruộng phải sạch, cày bừa kỹ thì chúng mới tìm đến. Do vậy, vào mùa lúa, người dân hầu như không sử dụng thuốc trừ sâu để giữ cho đất sạch. Đây là kinh nghiệm mà cha ông truyền lại.
Rươi có giá đắt đỏ vẫn được dân thành phố "lùng mua" khi đến mùa
Năm nào sớm thì tầm tháng 8 âm rươi bắt đầu xuất hiện. Có những năm muộn thì cuối tháng 10 mới thấy chúng. Trước đây rươi có đầy trong tự nhiên nhưng những năm gần đây năng suất không được như trước kia. Đây là giống tự nhiên hoàn toàn, chưa ai nuôi được. Mỗi năm vợ chồng tôi kiếm thêm được khoảng 10 triệu đồng nhờ "săn" rươi".
Theo chị Nguyệt, dụng cụ bắt rươi gồm một chiếc vợt bằng vải màn căng ra để vớt khi rươi nổi và bơi trên mặt nước. Đặc biệt, rươi sẽ chỉ xuất hiện vào ngày thời tiết âm u, không có nắng, không có mưa. Nếu có mưa hoặc có nắng, việc trông ngóng rươi xuất hiện coi như thất bại.
Từ con rươi có thể làm thành các món chả rươi vỏ quýt, nem rươi, lẩu rươi, rươi cuốn lá lốt, rươi rang muối... Lúc sơ chế rươi phải hết sức cẩn thận, rửa nhẹ nhàng để chúng không bị vỡ bụng. Sau đó, dùng nước ấm chừng 30-40 độ C rồi thả rươi vào để sạch lông, thấy rươi nổi lên thì vớt ra để bắt đầu chế biến.
Từ món ăn đồng quê, giờ đây rươi được nâng tầm thành đặc sản có hương vị đặc biệt.
Từ món ăn đồng quê, giờ đây rươi được nâng tầm thành đặc sản có hương vị đặc biệt. Ngoài rươi tơi, trên chợ mạng có nhiều địa chỉ bán các món rươi chế biến sẵn, khách mua về có thể ăn được luôn bởi không phải ai cũng biết làm rươi.
Rao bán nem rươi trên chợ chung cư ở Hà Đông, Hà Nội, chị Hạnh cho biết: "Quê mình ở Hải Dương nên nguồn hàng lấy được dễ dàng. Ở chung cư bán rươi tươi ít người mua lắm, nhưng khi đã làm sẵn thì khách đặt tấp nập. Món chả rươi vừa ngon vừa lạ miệng, trẻ con cũng có thể ăn được. Đến mùa, mỗi ngày tôi bán vài chục hộp chả rươi cho khách".
Theo các chuyên gia, giá trị dinh dưỡng của rươi hoàn toàn không thua kém gì thịt bê non. Ngoài ra, rươi còn chứa nhiều loại muối khoáng quan trọng với sức khỏe như canxi, phốt pho, sắt, kẽm…