Hoàng thái hậu cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam đã trải qua cuộc đời với nhiều điều ly kỳ song lắm nỗi buồn, đẫm nước mắt.
Mẹ của vua Bảo Đại là Đức Từ Cung Đoan Huy Hoàng Thái Hậu, đây là vị Hoàng thái hậu cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam. Bà sinh năm 1890, tên thật là Hoàng Thị Cúc. Cha của bà làm quan nhưng gia đình không giàu sang, phú quý.
Bà quê ở làng Mỹ Lợi, Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế. Theo truyền thuyết kể, có một ông thầy địa lý đi ngang qua nhìn mộ của ông Hoàng Trọng Tích - cha của bà Hoàng Thị Cúc rồi phán "họ này sẽ phát hoàng hậu". Nghe câu chuyện này chẳng ai có thể tin, họ nghĩ đó là điều không bao giờ xảy ra. Thế nhưng, không ai có thể ngờ rằng từ một cung nữ hầu hạ bên cạnh Tiên Cung mà sau này bà Hoàng Thị Cúc đã trở thành Hoàng thái hậu cuối cùng của triều Nguyễn.
Cuộc đời bà từ khi sinh ra đã chịu nhiều thiệt thòi. Khi mới sinh ra, mẹ của bà đã bỏ nhà đi lấy chồng khác. Bà sống với cha và 2 anh chị cùng cha khác mẹ. Bà ở tại nhà của anh cả, nhưng người này đam mê cờ bạc, sau đó bà bị chính người anh này đưa vào cung làm nô tì để lấy tiền chi cho đánh cờ bạc.
Khi mới vào cung, bà được nhận thấy là người hiền lành nên được vào phục vụ bên cạnh Tiên Cung - vợ của vua Đồng Khánh. Hoàng tử Bửu Đảo - sau này là vua Khải Định (con trai của bà Tiên Cung) thường đến thỉnh an mẹ đã nhận thấy sự lương thiện, nhu mì, hiền lành của nữ tì Hoàng Thị Cúc.
Lúc đó, Hoàng tử Bửu Đảo đã có vợ là bà Trương Như Thị Tịnh, con gái đại thần phụ chính Trương Như Cương, nhưng cả hai chung sống không hòa thuận và cũng không có một mụn con nào. Đây cũng là điều mà bà Tiên Cung rất lo lắng. Một thời gian sau, nữ tì Hoàng Thị Cúc bất ngờ mang thai. Sau này, khi đã tin Hoàng tử Bửu Đảo là cha đứa bé, bà Tiên Cung mới để Hoàng Thị Cúc được dưỡng thai. Trước đó, bà Tiên Cung cũng nghi ngờ nhưng nữ hầu Hoàng Thị Cúc luôn khẳng định cái thai trong bụng mình là của Hoàng tử Bửu Đảo.
Sau thời gian mang thai, bà sinh hạ Hoàng tử đặt tên là Vĩnh Thụy vào năm 1913. Sau này, hoàng tử Vĩnh Thụy lên ngôi chính là vua Bảo Đại. Khi Hoàng tử Vĩnh Thụy được sinh ra, ai cũng nhận thấy rất giống vua Khải Định. Ông cũng là người con duy nhất của vua Khải Định.
Tuy nhiên, cuộc đời bà không phải vì vậy mà đã sang trang mới. Mặc dù hoàng tộc có cháu nhưng bà Tiên Cung cũng không hài lòng. Vì con trai Bửu Đảo là dòng dõi Hoàng tộc, còn Hoàng Thị Cúc chỉ là nữ hầu, việc chênh lệch đó đã cho thấy khó xứng đôi vừa lứa.
Vì xuất thân thấp hèn nên bà Hoàng Thị Cúc bị bà Tiên Cung coi thường. Sinh con ra nhưng bà Hoàng Thị Cúc không được gần và chăm sóc con. Hoàng tử Vĩnh Thụy chào đời cũng là lúc bà Tiên Cung đón cháu về nuôi, chăm bẵm.
Năm 1916, vua Đồng Khánh băng hà, Bửu Đảo lên ngôi lấy hiệu là Khải Định. Lúc đó, bà Hoàng Thị Cúc được phong là Tam giai Huệ Tần, 2 năm sau đó bà được thăng lên Nhị giai Huệ phi, chỉ sau một người là Ân Phi Hồ Thị Chỉ. Tới năm 1923, Hoàng tử Vĩnh Thụy được tấn phong làm Thái Tử. Lúc đó, bà Hoàng Thị Cúc được thăng lên Nhất giai Hậu phi.
Khi thái tử Vĩnh Thụy còn nhỏ, bà Tiên Cung đảm nhận việc nuôi nấng, Huệ phi Hoàng Thị Cúc không được chăm con. Lớn hơn một chút, thái tử được đi du học Pháp. Cảnh xa con của Huệ Phi suốt nhiều năm tháng lại trở nên dài đằng đẵng. Những lúc nhớ con, bà quanh quẩn trong cung rồi rơi nước mắt mà không dám đến gặp con và cũng không kêu than với vua Khải Định. Có lúc Hoàng tử Vĩnh Thụy khát sữa mẹ, bà Tiên Cung cho người gọi Huệ phi đến cho bú rồi lại phải về vì không được ở gần con.
Năm 1925, vua Khải Định qua đời và Hoàng tử Vĩnh Thụy nối ngôi lấy hiệu là Bảo Đại. Tuy nhiên đến năm 1932, ông mới kết thúc việc học và rời Pháp về nước. Khi về nước, vua Bảo Đại phong mẹ làm Đoan Huy Hoàng Thái Hậu còn được gọi là Từ Cung Hoàng Thái Hậu hay Đức Từ Cung. Lời tiên tri ngày nào của ông thầy địa lý đã thành hiện thực.