Đợt lũ lớn đổ về đập Tam Hiệp sáng ngày 20.8 với lưu lượng nước đạt 75.000 m3/giây, mức cao nhất trong lịch sử.
Theo Thời báo Hoàn Cầu, vào lúc 8 giờ sáng (giờ địa phương), lưu lượng nước đổ về đập Tam Hiệp đạt 75.000 m3/giây. Đây là đợt lũ lớn nhất kể từ khi đập Tam Hiệp đi vào hoạt động năm 2003.
Để đối phó lũ lịch sử, đơn vị vận hành đập Tam Hiệp đã mở 11 cửa xả lũ, tổng lưu lượng xả là 49.200 m3/giây. Đập Tam Hiệp có 22 cửa xả lũ và 23 cửa xả đáy, đảm bảo nhiệm vụ điều tiết nước, giúp thành đập trụ vững.
Đập Tam Hiệp nhìn từ trên cao.
Lưu lượng nước đổ về đập Tam Hiệp lần này và cả lưu lượng xả nước đều vượt qua dự đoán của chính quyền hôm 19.8, theo Hoàn Cầu. Bộ Thủy lợi Trung Quốc khi đó đã nâng cảnh báo lũ khẩn cấp từ mức III lên mức II.
Cũng trong ngày 19.8, đơn vị vận hành đập Tam Hiệp tuyên bố phối hợp cùng các con đập và hồ chứa ở thượng lưu để giảm sức ép cho đập thủy điện lớn nhất hành tinh.
Trên thực tế, lưu lượng nước đổ về đập Tam Hiệp vẫn không hề suy giảm, đạt mức 75.000 m3/giây.
Lũ lớn lịch sử khiến đập Tam Hiệp mở tới 11 cửa xả lũ.
Sáng ngày 20.8, nhiều kênh truyền thông chính thức của Trung Quốc đã phát trực tiếp cảnh xả lũ ở đập Tam Hiệp, cho thấy tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Hôm 20.8, thành phố Trùng Khánh đã phải đóng cửa động Hongya, điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng, ống với công trình trong một bộ phim hoạt hình Nhật Bản nổi tiếng.
Nhiều danh lam thắng cảnh khác cũng phải tạm đóng cửa vì lý do an toàn, sau khi chính quyền Trùng Khánh lần đầu kích hoạt mức ứng phó khẩn cấp cao nhất vì lũ lụt.
Mực nước ghi nhận tại một trạm thủy văn ở Trùng Khánh, vùng thượng nguồn sông Dương Tử là 191,55 mét, vượt mức báo động 8,05 mét và là mức cao nhất kể từ khi trạm này đi vào hoạt động năm 1939.
Mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua ở tỉnh Tứ Xuyên là nguyên nhân khiến nước dâng cao. Ở Lạc Sơn, nước lũ dâng đến chân tượng Phật khổng lồ. Đây là điều chưa từng thấy trong lịch sử, thu hút sự quan tâm không chỉ ở trong nước mà còn trên thế giới.