Lương phi công tại Việt Nam: Vietnam Airlines trả 2 tỷ đồng/năm, thu nhập “khủng” nhưng áp lực công việc khổng lồ không kém

THÀNH GIANG - Ngày 22/03/2023 06:00 AM (GMT+7)

Mức lương dành cho vị trí phi công của các hãng hàng không tại Việt Nam trung bình khoảng từ 1-2 tỷ đồng/năm. Đi kèm với mức thu nhập này là khối lượng công việc lớn và áp lực cao độ khi điều khiển máy bay trên bầu trời.

Phi công nhận mức lương vài tỷ đồng mỗi năm là chuyện bình thường

Trên các diễn đàn về việc làm, không khó để thấy những nội dung về “Top những ngành nghề có thu nhập cao nhất”, trong đó nghề phi công luôn dẫn đầu với những con số thu nhập "khủng", trung bình 3.000 USD (khoảng 70,7 triệu đồng) với vị trí cơ phó và 7.000 USD (khoảng 165 triệu đồng) mỗi tháng với vị trí cơ trưởng.

Trên thực tế những con số này có căn cứ khi nhiều phi công đều chia sẻ mức thu nhập cho công việc này luôn ở mức vài nghìn USD/tháng. Khởi điểm trung bình từ 2.000 USD (khoảng 47 triệu đồng).

Phi công là một trong những nghề có thu nhập ở mức cao

Phi công là một trong những nghề có thu nhập ở mức cao

Phi công Vũ Quang Anh từng chia sẻ khi ký hợp đồng với các hãng hàng không luôn có điều khoản không được tiết lộ về lương. Tuy nhiên mức lương trung bình với cơ phó khoảng 100 triệu/tháng, nếu lên cơ trưởng từ 200 - 300 triệu/tháng.

Vào năm 2020, cơ trưởng Nguyễn Quang Đạt gây chú ý khi khoe bảng lương với tổng thu nhập hơn 2000 tỷ đồng/tháng. Con số không tưởng này khiến dân tình ngỡ ngàng, tuy nhiên sau đó nam phi công lên tiếng đính chính là do công ty chuyển nhầm, trên thực tế mức lương không đến con số “khủng” như vậy. Mặc dù vậy theo Nguyễn Quang Đạt, phi công có thể kiếm từ 50 triệu trở lên cho thu nhập mỗi tháng.

Mức lương với phi công luôn được tính theo giá trị hàng nghìn USD

Mức lương với phi công luôn được tính theo giá trị hàng nghìn USD

Năm 2019, Vietnam Airlines công bố mức lương trung bình cho phi công ở vị trí cơ trưởng từ 162 - 250 triệu đồng/tháng và cơ phó từ 76 - 150 triệu đồng (tùy từng loại máy bay, số lượng giờ bay). Trong khi đó, mức thu nhập bình quân cho phi công của Vietnam Airlines vào năm 2018 là 132,5 triệu đồng/tháng (khoảng 1,5 tỉ đồng/năm). Đến năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Vietnam Airlines công bố giảm lương phi công hơn 52% so với năm 2019, xuống còn bình quân 77 triệu đồng/tháng, khoảng 924 triệu đồng/năm.

Trong khi đó dù quy mô hoạt động kinh doanh lẫn doanh thu thấp hơn so với Vietnam Airlines, nhưng hãng hàng không Vietjet Air lại có mức chi trả lương phi công “hậu hĩnh” hơn. Theo báo cáo thường niên vào năm 2017 của Vietjet Air, lương bình quân phi công của hãng là 180 triệu đồng/tháng, tương đương 2,16 tỷ đồng/năm. Trong đó cơ phó dao động từ 120 - 140 triệu đồng/tháng và cơ trưởng 180 - 240 triệu đồng/tháng (tùy vào hiệu quả làm việc, thâm niên giờ bay).

Lương của phi công Vietjet Air được nhận định có thể xếp vào mức cao tại khu vực Đông Nam Á, tương đương với những quốc gia trả cao nhất cho phi công như Singapore, với mức lương trung bình từ 6.800 USD – 9.000 USD/tháng (khoảng 160 - 212 triệu đồng).

Các hãng hàng không có mức đãi ngộ khác nhau cho vị trí phi công

Các hãng hàng không có mức đãi ngộ khác nhau cho vị trí phi công

Trong khi đó, hãng hàng không Bamboo Airway từng thông báo mức thu nhập cho phi công trung bình 200 triệu đồng/tháng, tương đương khoảng 2,4 tỷ đồng/năm. Cụ thể hãng bay này chi trả 13.300 USD/tháng (khoảng 313 triệu đồng) với cơ trưởng dòng máy bay thân rộng Boeing 787 và 8.000 USD/tháng (khoảng 188,6 triệu đồng) với vị trí cơ phó.

Với dòng máy bay thân hẹp Airbus và Embraer 195, thu nhập tối đa mà Bamboo Airways đưa ra với vị trí cơ trưởng là khoảng 10.450 USD/tháng (khoảng 246 triệu đồng), còn vị trí cơ phó là hơn 6.300 USD/tháng (khoảng 148,5 triệu đồng). 

Theo thông tin từ trường Bay Việt, mức lương của 1 phi công có thể “cân” thu nhập bình quân đầu người của các ngành nghề khác như: 8 nhân viên ngân hàng (lương 15 triệu đồng/tháng), 14 nhân viên văn phòng thông thường (lương 8 triệu đồng/tháng), 23 nhân viên kế toán tài chính (lương 5 triệu đồng/tháng), 19 luật sư trẻ (lương 6 triệu đồng/tháng)...

Mức lương cao đi đôi với áp lực công việc, là một trong những nghề nguy hiểm nhất thế giới

Không có công việc chân chính nào dễ dàng kiếm được tiền và phi công cũng vậy. Đi đôi với việc lọt “Top những công việc có thu nhập cao nhất” là “Top những công việc nguy hiểm nhất”. 

Phi công là công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ và trình độ chuyên môn nghiệp vụ chuyên nghiệp, thành thạo trong từng khâu nhỏ nhất

Phi công là công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ và trình độ chuyên môn nghiệp vụ chuyên nghiệp, thành thạo trong từng khâu nhỏ nhất

Những yêu cầu về thể chất, bằng cấp, kĩ năng, kinh nghiệm… với phi công luôn rất khắt khe. Cùng với đó là nền tảng tài chính để có thể chi trả cho việc theo học phi công rất tốn kém, không phải ai cũng có điều kiện để tiếp xúc với công việc này.

Một số yêu cầu cơ bản khi tham gia các khóa học phi công được trường Bay Việt công bố như: IELTS 5.5 hoặc TOEFL iBT 71. Tuy nhiên thực tế các trường đào tạo phi công yêu cầu tiêu chuẩn IELTS là 7.0 hoặc TOEFL 80. Các yêu cầu cơ bản khác về ngoại hình, chiều cao, cân nặng…gần như tương đương với tiếp viên, tối thiểu từ 1,6m - 48kg đối với nữ và 1,65m - 54kg đối với nam.

Ngoài ra, theo học phi công cần đảm bảo các yếu tố gắt gao về sức khỏe khác như: không được có tật ở mắt (cận, loạn, mù màu…) để đáp ứng yêu cầu về tính an toàn khi quan sát và thực hiện các hướng dẫn điều khiển trong buồng lái, kiểm tra tiền đình, thể chất, thần kinh, áp lực, trên người không được có sẹo…Thời gian các khóa học cơ bản thường kéo dài vài năm, sau đó đến đào tạo riêng về từng loại máy bay.

Sau 6 - 8 tháng làm việc, phi công sẽ phải trở lại các cơ sở đào tạo để thực hiện các bài kiểm tra thông qua hệ thống bay mô phỏng, sau đó sẽ được gia hạn bằng lái. Nếu không vượt qua được bài kiểm tra, phi công sẽ phải học lại.

Để có được một vị trí trong buồng lái máy bay, phi công phải theo học nhiều khóa từ cơ bản đến nâng cao, sau đó tích lũy giờ bay. Quá trình này tiêu tốn khá nhiều chi phí

Để có được một vị trí trong buồng lái máy bay, phi công phải theo học nhiều khóa từ cơ bản đến nâng cao, sau đó tích lũy giờ bay. Quá trình này tiêu tốn khá nhiều chi phí

Tại Việt Nam, tổng chi phí học cho một phi công tới khi lái được máy bay khoảng 4 tỷ đồng (không gồm ăn ở, đi lại). Trong đó chi phí lấy được bằng phi công cơ bản tốn 2 - 2,5 tỷ đồng, thời gian học 2 năm, cụ thể: khóa học lý thuyết trong nước khoảng hơn 100 triệu đồng; học huấn luyện bay ở nước ngoài khoảng 1,8 - 2 tỷ đồng (tại Mỹ 63.000 USD/khóa, New Zealand 70.000 USD/khóa…). Sau đó về Việt Nam học phối hợp tổ bay trên buồng lái thêm khoảng 100 triệu đồng. Để ngồi được lên buồng lái máy bay, sau khi có bằng phi công cơ bản, học viên cần chi thêm khoảng 1,5 - 1,6 tỷ đồng học chuyển loại (đa phần hãng hàng không đài thọ chi phí chuyển loại).

Để lên được vị trí cơ trưởng, phi công cần tích lũy ít nhất 4.000 giờ bay. Tùy vào vị trí, loại máy bay, kinh nghiệm và thâm niên bay quyết định đến mức lương phi công nhận được.

Trải qua quá trình huấn luyện gắt gao và đạt những tiêu chuẩn kỹ lưỡng, trong quá trình bay, phi công cũng phải đối mặt với những áp lực khi đảm bảo tính mạng cho hành khách lẫn phi hành đoàn, đối mặt với thời tiết bất thường, phi cơ hỏng, khủng bố và nhiều áp lực khác trong quá trình bay.

Phi công là ngành nghề nguy hiểm và căng thẳng, vì vậy phần lớn nam giới làm việc, bên cạnh đó vẫn có một số nữ cơ trưởng, cơ phó gây ấn tượng khi theo đuổi nghề chinh phục bầu trời

Phi công là ngành nghề nguy hiểm và căng thẳng, vì vậy phần lớn nam giới làm việc, bên cạnh đó vẫn có một số nữ cơ trưởng, cơ phó gây ấn tượng khi theo đuổi nghề "chinh phục bầu trời"

Theo trang tư vấn nghề nghiệp Career Cast, phi công lái máy bay thương mại là một trong những nghề căng thẳng và nguy hiểm nhất thế giới. Họ phải làm việc trong thời gian dài, đối mặt với mọi điều kiện thời tiết và những rủi ro như máy bay hỏng hóc hay khủng bố tấn công.

Cùng với đó, lịch bay và việc tập trung cao độ cho cất cánh, hạ cánh trong mỗi chuyến bay cũng khiến nhiều phi công cảm thấy mệt mỏi. Họ thường xuyên phải thực hiện những chuyến bay dài ngày, đi đến nhiều châu lục. Thậm chí nhiều người không có thời gian dành cho gia đình.

Cô gái trẻ bỗng dưng bị lấy nhầm ảnh ghép vào vụ 4 nữ tiếp viên hàng không xách tay hàng cấm
Bảo Châu (26 tuổi) bất ngờ khi vô cớ bị sử dụng hình ảnh cá nhân gán ghép vào những thông tin liên quan đến vụ việc 4 nữ tiếp viên hàng không bị bắt vì xách tay hàng cấm.

Tiếp viên hàng không

THÀNH GIANG
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tiếp viên hàng không