Đây đều là những tục lệ đẹp của người Việt Nam trong dịp đầu năm mới.
Vì sao phải mua muối đầu năm?
Dân gian vẫn có câu "đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi", đó là một tục lệ đẹp của người Việt Nam với mong muốn tiễn những điều không may mắn, bạc bẽo (như vôi) của năm cũ và đón chờ những điều tốt đẹp hơn trong năm mới.
Theo quan niệm truyền thống, muối là thứ có thể xua đuổi ma tà, mang lại những điều tốt lành cho gia đình. Muối cũng thể hiện tình cảm thắm thiết, mặn nồng giữa các thành viên trong gia đình. Không chỉ thế, muối còn là sự mặn mà, gắn kết trong quan hệ họ hàng, làng xóm và đối tác làm ăn.
Những túi muối nhỏ màu đỏ được bán gần đền, chùa và những đường lớn
Ngoài ra, ở đồng bằng Bắc Bộ, nhiều người tâm niệm đầu năm mua muối cả năm sẽ làm ăn phát đạt, may mắn, thuận lợi, sung túc. Hơn nữa, màu trắng của muối cũng tượng trưng cho sự trong trắng, tinh khiết.
Vì vậy, từ đêm giao thừa, nhiều người thường mua một túi muối nhỏ từ những người bán dạo, cổng đình, chùa, đền… Muối sẽ được đóng vào các túi nhỏ, xinh, có thể cầm tay được và giá cũng không quá cao. Mỗi túi muối được bán dao động từ 15.000 – 30.000 đồng. Những túi muối lộc này mang về đặt trên bàn thờ để lấy may.
Bát muối đầy có ngọn biểu thị cho sự đầy đủ, no ấm
Vào sáng mùng 1 ở Hà Nội thường có người đi bán muối dạo. Người bán sẽ đong một bát đầy có ngọn chứ không gạt ngang miệng bát bởi người ta cho rằng mua muối có ngọn mới mang lại sự đầy đủ, trọn vẹn và no ấm cả năm. Với những ai mua muối theo kiểu này, bạn có thể đặt bát muối mới mua ở góc nhà, hướng Đông Nam (cung Tài Lộc) nếu mong muốn tiền bạc của gia đình dồi dào. Còn nếu mong muốn cải thiện sức khỏe cả gia đình, bạn nên đặt muối ở hướng Đông (cung Gia Đạo).
Ý nghĩa của việc mua lửa đầu năm
Người xưa cũng quan niệm đầu năm mua lửa sẽ đem về những điều tốt lành cho gia đình. Lửa ở đây là những vật dụng như bật lửa, diêm… Không ít người Việt cho rằng đầu năm ai mua được lửa sẽ có 1 năm gặt hái được nhiều thành công
Vì thế, người Việt Nam đi mua lửa đầu năm với hy vọng năm mới mọi thứ sẽ suôn sẻ hơn. Thông thường, bật lửa hoặc diêm được bán kèm theo túi muối và được bán nhiều trong đêm giao thừa. Chiếc túi này mang về nhà có thể đặt trên bàn thờ để cầu may.
Những túi muối - lửa màu đỏ được bán nhiều ở dọc đường từ đêm giao thừa
Tục hái lộc đầu năm
Theo quan niệm cổ truyền, vào thời khắc giao thừa hoặc sớm mùng 1 Tết, người dân lại đi hái lộc đầu xuân, đến đình chùa xin lộc và cầu phúc, cầu tài. Đây là một phong tục có ý nghĩa, mang giá trị tinh thần của người Việt.
Thông thường người ta chỉ hái một cành rất nhỏ trên cây sung, sanh hay cây đa – những loài vốn có sức sống mạnh mẽ, rồi đem về cắm vào bình hoa hoặc treo trước hiên nhà, ý báo đã “rước lộc” về gia đình. Bên cạnh đó, cũng có những người lại chọn hái lộc từ những cây thuộc bộ tứ quý thực vật là: tùng, cúc, trúc, mai.
Hái lộc vào đêm giao thừa sẽ mang lại niềm vui, may mắn và hy vọng về một cuộc sống gia đình hạnh phúc, ấm no. Tục hái lộc là một nét đẹp văn hóa. Lộc là nụ đầu tiên, mầm non mới nhú. Hái lộc ở đền, chùa ngụ ý xin hưởng một chút lộc của Thần, Phật ban cho nhân đầu năm mới.
Tuy nhiên khi đi hái lộc bạn không được bẻ cành hay là mang dao đi để chặt lộc. Bẻ lộc nhiều và to không phải là tốt vì sẽ làm hỏng cây. Vì thế mỗi người chỉ nên chọn một cành nhỏ có lá xanh, lá non và có hoa càng tốt để mang về nhà. Lộc hái về bạn nên đặt ở những nơi trang trọng như gian chính diện hoặc trước bàn thờ.