Ít ai ngờ rằng, ở cái nơi xa tít tắp, bản Đồng Sinh, xã Tân Lập, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn lại có một câu chuyện cảm động đến vậy.
Đó không phải là truyện cổ tích mà là hành trình có thật của người cha già (dân tộc Nùng), giả câm suốt 20 năm ròng đau đáu tìm con nơi xứ người.
Ngày định mệnh
Bản Đồng Sinh cũng chẳng khác so với những bản làng của xã Tân Lập. Những ngôi nhà gỗ cũ kỹ của người dân tộc Nùng ẩn dưới những quả đồi làm cho khung cảnh đồng rừng nơi đây trở nên thơ mộng, đẹp hệt như những bức tranh mà các họa sỹ tạo ra. Nếu đứng từ trên cao, hướng ánh mắt về phía bản Đồng Sinh thì tôi dám chắc rằng, những ai đến đây lần đầu chắc chắn sẽ khó phai mờ.
Tôi tìm đến nhà ông Ban Văn Mình (SN 1943) cũng đúng là lúc đã chính Ngọ. Chầm chậm đưa chén nước trà xanh lên miệng, những ký ức về hành trình tìm con của ông lão Mình dần hiện về. Được biết, chị Ban Thị H. (SN 1979), là con thứ bảy của ông Mình và thời điểm chị H. mất tích khi ấy chị mới vừa tròn 14 tuổi. Nhưng đau đớn hơn chị H. đã bị bán và làm vợ một người đàn ông ở Trung Quốc. “Tôi vẫn còn nhớ như in, cái ngày nhận được tin con H. bị người ta lừa đi. Ngày đó, đúng vào ngày tôi đi đặt lễ ăn hỏi cho thằng con trai thứ năm”.
Ông Mình kể tiếp, ngày 09/11/1993 gia đình ông quyết định mang trầu cau đi hỏi cưới cho người con trai thứ năm. Ngày ấy, vì đường sá quá xa xôi, phương tiện lại không có nên để đến được họ nhà gái, gia đình ông chỉ còn cách đi bộ. Cũng chính vì nguyên cớ đó mà chỉ ông và ông trưởng họ lục đục lên đường, còn chị H. ở nhà, cùng với mẹ là bà Nông Thị Tập.
Niềm vui đoàn tụ của Ban Thị H. (ngồi giữa) trong ngày trở về thăm gia đình.
Sau hai ngày lặn lội đi hỏi cưới cho con, ông Mình trở về với niềm vui, vì sắp sửa đón thêm một người con dâu mới. Thế nhưng vừa mới đặt chân vào trong nhà, ông Mình thấy bà Tập nước mắt lã chã nói không thành tiếng: “Cái H. bị người ta lừa đi từ hai ngày hôm nay rồi ông ơi”. Nghe vợ nói thế, ông Mình cảm giác đất dưới chân mình như sụp xuống, mồ hôi vã ra như tắm, mặc dù thời điểm đó trời đang vào đông.
Cuộc truy lùng như phim hành động
Phải mất ít phút, ông Mình mới bình tĩnh trở lại: Những lần gặp người phụ nữ tên Huệ trở lại trong trí nhớ của người cha già. ông kể, Huệ chính là người mà gia đình ông từng giúp đỡ cả tuần. Bởi, khi đến làm thuê, Huệ có một bộ dạng rất đáng thương. Thậm chí vợ chồng ông đã rủ lòng khi thấy Huệ tâm sự về gia cảnh bi đát.
Xác định Huệ chính là kẻ dụ dỗ, đưa con gái mình đi bán, một mặt ông Mình trình báo chính quyền địa phương, mặt khác lên đường quyết tìm ra bằng được người đàn bà quỷ quái đó. Dân gian có câu: “Trời không phụ lòng người”, nhờ ý chí sắt đá đó mà chỉ mất vài ngày tìm kiếm, ông Mình tìm được người phụ nữ tên Huệ.
Theo đó, trong lúc dò la tại xã Quyết Thắng, huyện Hữu Lũng, ông Mình được một số người dân cung cấp về một người phụ nữ mà qua miêu tả, ông dám chắc 80-90% đó chính là Huệ. Một mặt ông Mình cho người theo dõi Huệ, mặt khác ông cử người đến báo công an địa phương. Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng, chỉ trong 10 ngày, đối tượng Huệ đã bị bắt. ông Mình nhớ lại: “Khi bị bắt, chúng tôi mới biết, nó ở huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, chứ không phải ở Bắc Giang. Để thuận lợi cho việc lừa đảo những người nhẹ dạ, cả tin, Huệ lân la đến các xã vùng cao để làm thuê, nhưng chủ yếu là tìm kiếm và lừa đảo các cô gái nhẹ dạ, rồi lừa bán qua Trung Quốc kiếm tiền”.
Tiếp tục quá trình điều tra, cơ quan công an biết được, sau khi lừa chị H., ra khu vực biên giới, Huệ “sang tay” cho một người đàn ông có tên là Chung, người Bắc Giang, làm cửu vạn tại khu vực cửa khẩu Cổng Trắng, thuộc địa bàn xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng. Tuy nhiên, điều khó khăn cho ông Mình lúc này là làm cách nào để nhận được mặt của Chung, bởi thời điểm đó, chưa có một phương tiện kỹ thuật nào có thể phác họa được chân dung của người đàn ông này.
Có tới gần 100 người có tên Chung, đang làm nghề cửu vạn tại cửa khẩu Cổng Trắng. Nguyễn Thị Huệ được di lý lên cửa khẩu Cổng Trắng để nhận diện đối tượng. Sau khi bị nhận diện, tên Chung khai nhận, tên thật là Hứa Hồng Chương. Theo đó, sau khi mua lại H., hắn đã bán lại cho một người phụ nữ khác tên là Tô Thị Cạn, người ở khu vực cửa khẩu Cổng Trắng để bán qua biên giới.
Hai đối tượng Huệ và Chương đã bị bắt giữ chỉ trong 10 ngày, đối tượng Cạn cũng bị bắt giữ sau một thời gian. Tuy nhiên, ông Mình chết lặng khi cơ quan thông báo: “Quá trình điều tra, Cạn khai, bán chị H. cho một người đàn ông Trung Quốc. Nhưng hiện tại, chị H. đang ở đâu thì Cạn không hề hay biết”.
Bất ngờ ở phút cuối cùng
Quyết tâm tìm bằng được con, gom góp và vay được ít tiền, một mình ông Mình bắt đầu hành trình tìm con. Nhiều người cho biết rất có thể chị H. đã bị bán vào một động chứa nào đó hoặc làm vợ một người đàn ông Trung Quốc. Tuy nhiên, không biết tiếng Trung là một trở ngại cực kỳ lớn cho quá trình tìm con của ông Mình.
Ông Mình nhớ lại: “Đang loay hoay không biết làm cách nào thì tôi nhớ đến bà Tập có một đứa cháu biết tiếng Trung. Vậy là tôi đã tìm đến nhờ nó dẫn sang. Nhưng một cái khó nữa lại xuất hiện, bởi khi sang nước bạn, tôi phải có giấy thông hành, nếu không sẽ bị trục xuất ngay lập tức. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi vẫn quyết định sang bên đó dưới hình thức giả câm. Nhưng, mong mỏi tìm được con cứ dần tan biến. Do điều kiện kinh tế nên tôi đành phải gác lại một thời gian, mãi đến năm 2006, tôi mới tiếp tục lên đường”.
Ông Ban Văn Mình giả câm tìm con gái bị bắt cóc và vợ.
Đầu năm 2012, ông Mình gặp được một người phụ nữ tên Hương, quê Hưng Yên. Qua nói chuyện, chị này có biết một người tên Hoạt ở Lạng Sơn, hiện đang làm vợ người đàn ông ở huyện Bằng Tường, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc giống với mô tả của ông. Có được thông tin đó, ông Mình lập tức lên đường vẫn với cái vỏ bọc là người đàn ông tàn tật, câm điếc.
Đầu năm 2013, ông Mình tìm tới một thôn của xã Đại Tân, Bằng Tường. Tại đây, ông hỏi mấy người lớn tuổi, có người nào Việt Nam, tên H. lấy chồng bên này hay không? Nghe câu hỏi của ông, họ trả lời: “Cách đây gần 20 năm, có một cô gái trẻ về đây lấy chồng, ông thử tìm đến đó xem”.
Nghe những lời nói đó, ông Mình linh cảm người đó là con mình, lập tức tìm đến. Và, đúng như suy nghĩ của ông. Vừa mới đến nơi, mặc dù cách vài chục mét nhưng nhìn thấy bóng dáng của một người phụ nữ, ông Mình đã gọi: “H., H. ơi! Con đây rồi”. Nghe lời gọi đó, người phụ nữ kia liền quay lại, đứng đần người, nước mắt lã chã. Biết chắc đây chính là H., ông Mình chạy tới ôm con. Hai cha con ôm nhau khóc. Giọt nước mắt của họ lúc này là giọt nước mắt đoàn tụ, sau 20 năm xa cách chứ không phải là giọt nước mắt của sự khổ đau.