Các cơ quan cứu hộ đang xem xét lại giả thuyết chiếc máy bay mất tích số hiệu MH370 rơi ở Vịnh Bengal.
Cách đây không lâu, chính Malaysia đã phủ nhận giả thuyết Mh370 rơi ở vịnh Bengal và chuyển hướng tìm kiếm MH370 sang khu vực Nam Ấn Độ Dương.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo chiều nay (2/5), quyền Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein tuyên bố Malaysia đang xem xét giả thuyết cho rằng chiếc máy bay mất tích MH370 đang nằm ở vịnh Bengal và có thể cử tàu tới đó để thăm dò. Theo CNN, khoảng cách giữa Vịnh Begal và khu vực tìm kiếm ở phía nam Ấn Độ Dương là 5.000 km.
Công ty GeoResonance tuyên bố tìm thấy mảnh vỡ MH370 ở Vịnh Bengal
Quyền Bộ trưởng Giao thông Hishammuddin Hussein cũng nhấn mạnh rằng, để tìm hiểu về giả thuyết MH370 rơi ở Vịnh Bengal "chỉ có cách gửi tàu đến khu vực cách xa hàng ngàn km với khu vực tìm kiếm hiện tại".
“Nhưng nếu chúng ta phái tàu tới Vịnh Begal, có thể hoạt động tìm máy bay tại khu vực chính sẽ giảm. Và nếu kết quả không khả quan thì ai sẽ chịu trách nhiệm cho sự lãng phí thời gian?”, ông Hussein đặt vấn đề.
Ông Hishammuddin nói thêm rằng cơ hội tìm thấy máy bay MH370 ở vịnh Bengal là rất khó, và không nói rõ khi nào Malaysia sẽ gửi tàu đến tìm kiếm.
Còn tướng Angus Houston, người đứng đầu trung tâm phối hợp tìm kiếm máy bay MH370 (JACC, Úc) tỏ ra không mặn mà với ý tưởng trên.
Quyền bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein (áo trắng), Tướng Augus Houston, trưởng Trung tâm Điều phối Tìm kiếm của Úc (bìa trái) trong cuộc họp báo tại Kuala Lampur hôm 2-5
"Tôi tin rằng khu vực nam Ấn Độ Dương chính là nơi tìm kiếm đúng, và tôi chắc rằng sẽ tìm được máy bay", ông Angus Houston nói ngày 2.5.
Ông cũng cho biết thêm, 3 tàu hải quân của Bangladesh đã đến vịnh Bengal để điều tra song cho đến nay vẫn chưa có thông tin gì.
Thông tin này được đưa ra 3 ngày sau khi công ty GeoResonance (Úc) thông báo có thể đã tìm thấy mảnh vỡ nghi của chiếc máy bay mất tích của Malaysia ở Vịnh Bengal.
Công ty GeoResonance đã phụ trách tìm kiếm trên diện tích 2 triệu km vuông dựa trên những hình ảnh thu được từ vệ tinh và máy bay. Các nhà khoa học đã sử dụng hơn 20 thiết bị công nghệ, bao gồm một lò phản ứng hạt nhân, một máy phân tích dữ liệu vệ tinh và ảnh máy bay để theo dõi vị trí cuối cùng của máy bay mất tích Boeing 77-200ER mà mọi người biết tới.
Tuy nhiên, Trung tâm Điều phối chung Úc (JACC) khẳng định đây là thông tin không có thật. Cơ quan này cho rằng: “Cuộc tìm kiếm do Úc dẫn đầu dựa vào những thông tin từ vệ tinh và những dữ liệu khác để xác định vị trí máy bay mất tích. Vị trí mà GeoResonance đưa ra không nằm trong khu vực tìm kiếm. Đội tìm kiếm quốc tế tự tin rằng điểm dừng cuối cùng của chiếc máy bay mất tích là ở phần phía nam của hành lang tìm kiếm”.