Mạnh tay với thức ăn đường phố

Ngày 19/01/2015 07:58 AM (GMT+7)

Trong đợt ra quân quý IV-2014, các đoàn liên ngành đã kiểm tra hơn 16.000 điểm thức ăn đường phố và phát hiện hơn 8.000 điểm vi phạm ATVSTP (50%).

Thức ăn đường phố (TĂĐP) trên địa bàn TP.HCM tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất an cho người sử dụng. Những ngày cận tết Dương lịch 2015, TP.HCM đồng loạt ra quân tăng cường kiểm tra, xử phạt những điểm kinh doanh TĂĐP vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).

“TP.HCM đưa loại hình kinh doanh TĂĐP vào diện quản lý đã lâu nhưng chưa thể xử phạt mà chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở. Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều phường, xã mạnh tay xử phạt những điểm không đảm bảo ATVSTP để đưa loại hình kinh doanh này vào nề nếp, tạo hình ảnh TP văn minh, sạch đẹp” - ThS-BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM, giải thích.

8.000 điểm vi phạm

Cuối tháng 12-2014, kiểm tra các điểm buôn bán TĂĐP tại lô X chung cư Ngô Gia Tự (phường 2, quận 10), đoàn liên ngành của UBND phường 2 đã phạt điểm bán bột chiên của bà NTH số tiền 350.000 đồng do để rác vương vãi, chén đĩa mất vệ sinh.

Mạnh tay với thức ăn đường phố - 1

Bánh mì bày bán dưới đất, bên lề đường nhiều người qua lại đầy bụi bặm. Ảnh: TRẦN NGỌC

Tại xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh), tháng 11-2014, đoàn kiểm tra liên ngành của xã ra quyết định phạt bà TTPL, chủ quán nước giải khát ở ấp 2, cùng người phụ bán do không khám sức khỏe định kỳ với mức phạt 750.000 đồng.

Giữa tháng 12-2014, UBND phường 7 (quận 5) đưa trường hợp sai phạm của ông NTL ra kiểm điểm ở tổ dân phố. Ông L. có điểm bán thức ăn trên đường Trần Hưng Đạo (phường 7) đã lâu nhưng không chịu tập huấn kiến thức ATVSTP, đồng thời không khám sức khỏe định kỳ dù UBND phường nhắc nhở nhiều lần. UBND phường 7 ra quyết định phạt ông L. 750.000 đồng, đồng thời nhắc nhở trước tổ dân phố...

Theo ThS-BS Huỳnh Mai, TP.HCM hiện có hơn 20.000 điểm kinh doanh TĂĐP. Trong đợt ra quân quý IV-2014, các đoàn quận, huyện và phường, xã đã kiểm tra hơn 16.000 điểm, phát hiện hơn 8.000 điểm sai phạm ATVSTP (50%). Gần 8.000 điểm TĂĐP sai phạm được nhắc nhở, hơn 10 điểm sai phạm bị đưa lên hệ thống phát thanh. Các đoàn kiểm tra còn phạt nhiều trường hợp sai phạm với số tiền trên 30 triệu đồng.

Tâm phục, khẩu phục

Bà NTH, người bị UBND phường 2 (quận 10, TP.HCM) phạt 350.000 đồng, cho biết điểm bán bột chiên của bà tồn tại hơn sáu năm với lượng khách ổn định. Bà có tham dự một số buổi tuyên truyền về ATVSTP nên cũng biết pháp luật quy định điều gì được phép làm, điều gì không được phép. “Tôi nghĩ UBND phường… hù thôi chứ dè đâu phạt thiệt. Việc chính quyền phạt là đúng, nhờ vậy mà tôi có ý thức giữ cho quán sạch hơn, khách đến nhiều hơn” - bà H. nói.

Tương tự, sau khi bị UBND xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh, TP.HCM) phạt 750.000 đồng vì không đi khám sức khỏe, bà L. - chủ quán nước giải khát cho biết: “UBND xã vài lần nhắc nhở nhưng tôi cứ chần chừ nên mới bị phạt. Nhưng cũng nhờ vậy tôi mới chịu đi khám sức khỏe, thực hiện đúng quy định của pháp luật. Tôi cũng mong UBND xã mạnh tay phạt những trường hợp không thực hiện đúng quy định ATVSTP để khách hàng an tâm khi sử dụng TĂĐP”.

Sau xử phạt, tình hình có chuyển biến

“Bây giờ ra đường người ta rất ngại ăn uống vì sợ rước bệnh vào thân. Bởi vậy việc tăng cường xử phạt các điểm TĂĐP mất vệ sinh rất được bà con đồng tình” - bà Nguyễn Thị Ánh Loan, Phó Chủ tịch UBND phường 2 (quận 10, TP.HCM), nói. Theo bà Ánh Loan, trên địa bàn phường có gần 60 điểm kinh doanh TĂĐP. Phường đã nhiều lần tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề ATVSTP cho những người kinh doanh. “Đoàn kiểm tra của phường đã nhiều lần nhắc nhở về điều kiện vệ sinh nhưng tình hình chậm được cải thiện nên phải ra quyết định phạt tiền để răn đe. Sau khi nộp phạt, chúng tôi thấy bà con có chú trọng đến việc vệ sinh hơn” - bà Ánh Loan nói.

Tại xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh), bà Nguyễn Thị Quang Sương, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết trên địa bàn xã có khoảng 130 điểm kinh doanh TĂĐP. Thời gian qua xã đã tăng hình thức phạt tiền, ngoài ra còn phát trên loa phát thanh những điểm vi phạm. Hầu hết người bán chấp hành nghiêm việc nộp phạt và đi khám sức khỏe theo quy định.

Tại phường 7 (quận 5), nơi náo nhiệt các điểm TĂĐP, bà Hồng Kim Phụng, Trưởng trạm Y tế phường 7, cho biết trước đây đa số người kinh doanh TĂĐP cho rằng cơ quan quản lý không nỡ xử mạnh tay nên người kinh doanh còn chưa coi trọng các điều kiện ATVSTP, không thực hiện các quy định pháp luật. “Một khi cơ quan quản lý kiên quyết xử phạt các sai phạm thì người kinh doanh sẽ thay đổi suy nghĩ và hành vi, hạn chế thấp nhất nguy cơ ngộ độc thực phẩm cho người sử dụng” - bà Kim Phụng nói.

Điều kiện ATVSTP đối với điểm kinh doanh TĂĐP được Bộ Y tế quy định trong Thông tư 30/2012. Theo đó, TĂĐP là loại hình kinh doanh thực phẩm, thức ăn, đồ uống để ăn ngay, uống ngay được bán rong trên đường phố hay bày bán tại những địa điểm công cộng (bến xe, bến tàu, nhà ga, khu du lịch, khu lễ hội…) hoặc ở những nơi tương tự. TĂĐP được phân cấp cho UBND phường, xã, thị trấn quản lý.

______________________________________

Thực tế cho thấy công tác tuyên truyền đảm bảo ATVSTP cho những người kinh doanh TĂĐP đã được các cấp thực hiện liên tục. Tuy nhiên, tuyên truyền nhưng không xử phạt thì hiệu quả sẽ không cao. Vì vậy, phạt tiền nhằm mục đích răn đe để người kinh doanh thay đổi nhận thức, góp phần cải thiện dịch vụ kinh doanh TĂĐP trên địa bàn TP.HCM ngày càng văn minh.

ThS-BS NGUYỄN THỊ HUỲNH MAI, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM

Theo Trần Ngọc
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Kinh hoàng thực phẩm bẩn