Mẹ 2 con bất chấp phản đối của chồng quyết tâm học ngành nghề hot, cuối cùng được gia đình công nhận

NGỌC HÀ - Ngày 30/08/2023 06:30 AM (GMT+7)

“Nói nhanh chóng ra nghề phun xăm vậy thôi chứ mình cũng cơ cực lắm! Mình không được gia đình ủng hộ, con lại nhỏ nên gặp khá nhiều khó khăn. Đặc biệt mình bắt đầu muộn hơn mọi người nên phải cố gắng rất nhiều", chị Thùy tâm sự.

Phun xăm thẩm mỹ hiện là ngành nghề hot được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Nó được coi là nghề “làm dâu trăm họ”, gặt hái thu nhập cao so với các nghề dịch vụ khác, khách hàng ít khi kỳ kèo phí làm đẹp, người làm phun xăm lại suốt ngày được ngồi trong phòng máy lạnh, “mưa không đến mặt, nắng không đến đầu”… Thế nhưng, hãy nghe người trong cuộc chia sẻ để biết thêm những góc khuất khi làm nghề này.

Mẹ 2 con bất chấp phản đối của chồng quyết tâm học ngành nghề hot, cuối cùng được gia đình công nhận - 1

Chị Kim Thùy (SN 1991, Quảng Ninh) có ước mơ làm nghề liên quan đến lĩnh vực làm đẹp từ nhỏ. Vì thế ngay từ khi lên cấp III, chị đã tự định hướng nếu không đỗ đại học sẽ theo nghề này. “Mình may mắn đỗ đại học, khi ra trường đã xin vào một công ty làm văn phòng vài năm. Rồi mình nhận ra bản thân không vui khi đi làm, liền xin nghỉ để theo đuổi đam mê năm xưa”, chị nói.

Thời điểm đó, chị Thùy đã có chồng và đang bận rộn chăm sóc 2 con nhỏ nên gia đình đồng loạt phản đối. Chồng chị nghĩ nghề phun xăm thẩm mỹ phải cạnh tranh cao vì có quá nhiều người làm. Còn mẹ chị cho rằng con gái đã 29 tuổi – làm văn phòng là thích hợp nhất, để có thời gian chăm sóc chồng con.

Mình có tính đã thích gì sẽ không có ai cản được nên kiên quyết sống với đam mê. Mình bắt đầu tham khảo chỗ học nghề và ban đầu "sang chấn tâm lý" vì có quá nhiều nơi đào tạo với các mức giá khác nhau. Mình hoang mang vài hôm không biết phải lựa chọn nơi nào làm chỗ học.

Sau đó mình tự trấn an bản thân rằng ở đâu công nghệ làm đẹp cũng như vậy, quan trọng bản thân có mắt nhìn và khéo tay. Mình đã chọn lớp ngay gần nhà bởi đi ngang qua đó thấy cũng đông học viên”, chị Thùy nhớ lại.

Mẹ 2 con bất chấp phản đối của chồng quyết tâm học ngành nghề hot, cuối cùng được gia đình công nhận - 2

Vào học, người phụ nữ bỗng nhiên thấy bản thân thật may mắn khi gặp được cô giáo giỏi và có tâm. Nhờ đó chị nhanh chóng “ra nghề”, có thể tự tin cầm mũi kim xăm môi mày cho khách hàng mà không run sợ bất cứ điều gì.

Nói nhanh chóng ra nghề vậy thôi chứ mình cũng cơ cực lắm! Mình không được gia đình ủng hộ, con lại nhỏ nên gặp khá nhiều khó khăn. Đặc biệt mình bắt đầu muộn hơn mọi người nên phải cố gắng rất nhiều.

Mình thường tranh thủ lúc 2 con đi ngủ để học lại buổi học, cố gắng hình dung lại từng đường đi kim, chấm mực. Sau đó mình bắt đầu tuyển mẫu để thực hành, làm sao để họ ưng ý với sản phẩm miễn phí này", chị Thùy tâm sự.

Đến tận khi có khách hàng đều đặn, thu nhập ổn định, chị mới được gia đình ủng hộ. Chị đi công tác hoặc tham gia các cuộc thi, chồng sẵn sàng ở nhà chăm sóc con cái. “Mình vui lắm vì cuối cùng cũng được chồng, gia đình chồng, mẹ đẻ công nhận thành quả và ủng hộ một cách nhiệt thành. Giờ mình đã có thể tập trung cho đam mê và công việc phun xăm này”, người phụ nữ hơn 30 tuổi chia sẻ.

Mẹ 2 con bất chấp phản đối của chồng quyết tâm học ngành nghề hot, cuối cùng được gia đình công nhận - 3

Về thu nhập của nghề phun xăm thẩm mỹ, chị Thùy cho biết, hiện tại lượng khách có sự giảm sút nhẹ do kinh tế khó khăn, song so với các nghề khác, chị thấy ổn định vì ngày nào cũng có khách ghé tới làm môi – mày.

Mức thu nhập ổn nhưng công việc này cũng có khó khăn riêng! Ví dụ hôm nào mình gặp khách khó tính, yêu cầu này kia khó đáp ứng là mình buồn cả ngày. Hoặc ngồi mãi một chỗ làm cho khách cũng bị đau lưng, thoát vị đĩa đệm và mờ mắt”, chị Thùy bộc bạch.

Mẹ 2 con bất chấp phản đối của chồng quyết tâm học ngành nghề hot, cuối cùng được gia đình công nhận - 4

Chị Trần Dung (SN 1980, Hải Phòng) – có 20 năm kinh nghiệm trong nghề phun xăm thẩm mỹ tâm sự: “Tôi vào nghề ở thời điểm Việt Nam chưa phát triển mạnh về phun xăm thẩm mỹ nên phải vật lộn mãi mới có chỗ đứng.

Ban đầu, tôi đăng ký các khoá học xăm môi – mày ở trong nước nhưng thày dạy không có nhiều như bây giờ. Tôi học một thời gian thì quyết định sang nước ngoài để tìm hiểu, học cách làm sao để tạo ra chiếc môi căng mọng, xinh xắn; đôi chân mày hài hoà với gương mặt”.

Một thời gian sau, chị Dung về quê mở một tiệm xăm nho nhỏ gần nhà với hy vọng có thể truyền cảm hứng làm đẹp đến chị em đất Cảng. Nhưng vì ngày đó, xã hội chưa “ưu ái” vẻ đẹp nhân tạo của người phụ nữ, thậm chí bài xích việc chị em làm đẹp nên rất ít khách hàng. Chị đành cố gắng không từ bỏ ước mơ, nỗ lực từng ngày để gây dựng sự nghiệp với ngành nghề còn khá mới mẻ tại Việt Nam.

“Khách hàng của tôi chủ yếu là người quen, đến ủng hộ những ngày đầu khai trương. Sau đó tôi hầu như “ngồi không”, mới nghĩ ra kế sách tuyển mẫu làm miễn phí. Tôi biết như cứ vậy sẽ sớm phá sản vì đầu tư cả trăm triệu máy móc mà chẳng thu về đồng nào cả”, chị Dung nhớ lại.

Mẹ 2 con bất chấp phản đối của chồng quyết tâm học ngành nghề hot, cuối cùng được gia đình công nhận - 5

Mặc dù xăm môi – mày miễn phí nhưng người phụ nữ tìm mẫu vô cùng khó. Bởi khi đó chị em rất sợ người đời bàn tán ra vào chuyện đi làm đẹp. Họ cũng không dám giao phó gương mặt cho chị Dung “sửa sang”.

Hồi ấy việc tìm một người phụ nữ trang điểm khi đi ra đường đã rất khó, huống chi nói đến việc xăm môi xăm mày. Họ sợ thiên hạ cho rằng bản thân là người ăn chơi, chỉ thích làm đẹp, không lo toan gia đình. Vì thế tôi tìm mẫu khó lắm, hoặc có người đến tìm hiểu xong thôi vì sợ chồng mắng.

Tôi phải thuyết phục họ, hứa sẽ làm cặp lông mày thật đẹp, đôi môi đỏ nhẹ nhàng và phù hợp với người phụ nữ Việt lúc bấy giờ, họ mới đồng ý. Và tôi đã làm tỉ mỉ bằng cái tâm của mình”, chị Dung tâm sự.

Khách hàng thấy chị Dung làm đẹp, được nhiều người khen ngợi đã giới thiệu người quen, bạn bè có nhu cầu đến tiệm. Dần dần chị có chỗ đứng trong nghề phun xăm thẩm mỹ, chị em ghé tới “nhờ” làm đẹp nhiều hơn.

Mẹ 2 con bất chấp phản đối của chồng quyết tâm học ngành nghề hot, cuối cùng được gia đình công nhận - 6

Tuy nhiên để đứng vững, chị Dung liên tục phải học hỏi, trau dồi kiến thức làm đẹp mới có thể đáp ứng được thị hiếu của khách hàng. Chị cho biết: “Ngành thẩm mỹ đặc thù khác với những công việc khác, có thể công nghệ làm đẹp này rất hút khách ở hiện tại nhưng vài năm sau sẽ có kỹ thuật – công nghệ tối ưu hơn, tốn ít chi phí mà kết quả lại tốt. Vậy là tôi lại phải đi học từ các thầy giáo quốc tế, cập nhật xu hướng trong những năm tiếp theo.

Sau đó tôi về dạy lại cho nhân viên của mình. Nói chung tôi thấy nghề này đặc biệt ở chỗ cứ một thời gian phải đi học, nếu không sẽ nhanh bị lỗi mốt và lạc hậu lắm”.

Nhắc đến chuyện thu nhập của nghề xăm thẩm mỹ, người phụ nữ không ngần ngại thừa nhận nghề này kiếm dễ, khách lại ít khi mặc cả. Song chị thường xuyên phải đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại. “Mỗi năm, tôi phải đầu tư cả tỉ tiền máy móc vì ai làm nghề cũng muốn sắm máy xịn nhất. Tôi còn thích thay đổi không gian của tiệm để khách đến có cảm giác hiện đại hơn – đúng với nhịp xoay của xã hội.

Còn chuyện có áp lực, căng thẳng hay không, với tôi là có vì không phải khách hàng nào cũng ưng ý “sản phẩm” mà mình tạo ra”, chị Dung bộc bạch.

Cô gái 22 tuổi làm phục vụ trong quán nhậu: Công việc căng thẳng, từng phát khóc khi bị khách rủ rê làm sugar baby
Nhắc đến những tình huống "nhạy cảm" khi làm nghề, Trần Trang cho biết, thường ở quán phân công nhân viên nam làm nhiệm vụ rót bia, bưng cho khách, còn nhân viên nữ chỉ chạy bàn nhưng thi thoảng vẫn không tránh khỏi việc bị trêu ghẹo, bông đùa.

Chuyện nghề

Theo NGỌC HÀ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chuyện nghề