Phải nuôi 2 con nhưng người phụ nữ này vẫn có thể tiết kiệm tới 90% thu nhập mỗi tháng của mình.
Thời gian gần đây, một người phụ nữ đến từ Trung Quốc đã gây ra nhiều tranh cãi với lối sống cực kỳ tiết kiệm của mình, bao gồm việc tiêu ít tiền nhất có thể, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc cô phải từ bỏ nhiều thứ trong cuộc sống.
Trong khi chủ nghĩa tiêu dùng đang lên đến đỉnh điểm nhất mọi thời đại trong thế giới phát triển như hiện nay, thì lối sống tối giản cũng bắt đầu trở nên phổ biến. Tại Trung Quốc, hàng trăm nghìn người đã chia sẻ những mẹo tiết kiệm tiền trên các nhóm mạng xã hội riêng tư, nhờ đó một số người còn trở nên nổi tiếng nhờ lối sống thanh đạm, tiết kiệm một cách quá mức của mình.
Một trong những người như vậy phải kể đến cô Wang Shenai, một người phụ nữ 32 tuổi sống tại thành phố Nam Kinh, thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Cô là thành viên của một nhóm mạng xã hội có tên "Frugal Women’s Federation" (tạm dịch: "Hiệp hội phụ nữ tiết kiệm"). Sau khi câu chuyện về tiết kiệm và chi tiêu của cô Wang Shenai được lan truyền, nhiều người đã ngưỡng mộ cô nhưng cũng có rất nhiều tranh cãi và chỉ trích về cách sống này.
Xuất hiện trên chương trình "Talking to Strangers" (tạm dịch: "Trò chuyện với người lạ") của Tencent, cô Wang Shenai đã thảo luận về các chiến lược tiết kiệm tiền, quan điểm của cô ấy về chủ nghĩa tiêu dùng và chủ nghĩa tối giản trong một cuộc phỏng vấn dài.
Người phụ nữ 32 tuổi cho biết cô lớn lên trong một gia đình nghèo khó và luôn phải nghĩ cách tiết kiệm tiền nhất có thể. Mẹ cô luôn để số tiền tiết kiệm được trong tủ lạnh và mỗi khi cô Wang Shenai muốn xin một khoản tiền nhỏ để tiêu, mẹ cô sẽ ném những đồng xu xuống đất cho cô nhặt để dạy cô rằng việc kiếm tiền vô cùng khó khăn. Những trải nghiệm đầu đời này đã bám theo cô Wang Shenai đến tận sau này, khi đã trưởng thành và tự kiếm được tiền.
Lớn lên trong một ngôi nhà nhỏ lụp xụp, cô Wang Shenai không thể có phòng ngủ riêng cho mình. Vì vậy, ngay sau khi lớn lên và kiếm được việc làm, cô đã đặt mục tiêu phải mua một căn nhà của riêng mình. Trong khi hầu hết mọi người cảm thấy rằng khoảnh khắc hạnh phúc nhất là khi họ tiêu tiền vào những thứ mà họ tin rằng sẽ đem lại niềm vui cho bản thân, thì đối với cô Wang Shenai, cô cảm thấy điều hạnh phúc nhất là tiết kiệm được tiền. Việc tiêu tiền khiến cô cảm thấy lo lắng và dễ bị tổn thương, trong khi việc tiết kiệm tiền lại mang đến cho cô cảm giác an toàn.
Trong 9 năm qua, cô Wang Shenai đã tiết kiệm được khoảng 90% thu nhập hàng tháng, mặc dù vẫn đang nuôi 2 đứa con nhỏ. Nhờ đó, cô đã mua được tới 2 căn nhà. Tất nhiên, thành tựu này đi kèm với rất nhiều hy sinh nhưng người phụ nữ 32 tuổi này lại không coi như vậy.
Cô Wang Shenai không bao giờ ngại sử dụng những đồ đã qua sử dụng như đồ nội thất, đồ gia dụng trong nhà bởi việc đó giúp cô tiết kiệm được khá nhiều tiền. Cô mặc lại những bộ quần áo từ bạn bè, người thân không sử dụng nữa hoặc quyên góp cho cô. Mỗi năm, cô Wang Shenai chỉ chi khoảng 100 nhân dân tệ (hơn 350 nghìn đồng) để mua đồ lót vì không thể mặc lại đồ lót của người khác. Cô cũng tránh xa hoàn toàn những buổi tiệc tùng, đi uống nước hay ăn uống với bạn bè, đồng nghiệp vì cho rằng nó quá xa xỉ, đồng thời chỉ sử dụng phương tiện công cộng.
Cô Wang Shenai cho biết lối sống tiết kiệm của mình cũng ảnh hưởng đến cả chồng con. Nhiều năm nay, chồng cô vẫn đang sử dụng một chiếc điện thoại lỗi thời đến nỗi chỉ có đủ bộ nhớ để lưu ứng dụng WeChat.
Mẹo tiết kiệm của bà mẹ 2 con này đã gây ra nhiều tranh cãi, thậm chí lọt top trending trên mạng xã hội Weibo với hơn 500 triệu lượt xem. Nhiều người chỉ trích rằng cô Wang Shenai sống quá keo kiệt, cho rằng cuộc sống như vậy chẳng có ý nghĩa gì, thậm chí còn cho rằng cô là "kẻ tâm thần".
Tuy nhiên, cô Wang Shenai đã phản bác lại những ý kiến lên án mình, nói rõ rằng cô chưa bao giờ khuyến khích bất cứ ai noi theo tấm gương của mình, bởi mỗi người đều có quan điểm khác nhau và sống theo ý muốn của họ.
Cô Wang Shenai cho biết, sau khi làm việc tại một doanh nghiệp quảng cáo và tiếp thị, cô nhận ra rằng các thương hiệu tạo ra nhu cầu giả để tăng hành vi mua sắm, cuối cùng dẫn đến việc mua sắm cưỡng bức. Cô Wang Shenai đưa ra ví dụ về những cô gái trẻ bắt đầu bằng việc mua những nhãn hiệu mỹ phẩm bình dân, theo thời gian họ sẽ có yêu cầu chất lượng ngày càng cao và chi tiêu của họ cũng sẽ tăng lên. Cuối cùng, họ phải trả tiền cho những món hàng mà họ thực sự không đủ khả năng chi trả, chỉ để cảm thấy thỏa mãn.
Mặc dù lối sống tiết kiệm cực đoan của cô Wang Shenai gây ra nhiều tranh cãi trên mạng xã hội Trung Quốc nhưng người phụ nữ 32 tuổi này vẫn được nhiều thành viên trong nhóm của mình ngưỡng mộ, coi cô như người cố vấn để giúp họ tiết kiệm tiền và sống tối giản hơn.