Nhiều năm làm công nhân dọn rác nhưng vì bị nợ lương, cuộc sống của cả gia đình người mẹ đơn thân đảo lộn, thậm chí có lúc chị phải trốn chạy khỏi những lời chửi mắng.
Đang ở trong căn nhà tạm ọp ẹp tại phường Phú Đô (Hà Nội), chị Nguyễn Thị Minh Uyên hàng ngày chị vừa đi làm công nhân dọn rác, vừa lo nơm nớp mẹ già bệnh tật và con nhỏ ở nhà.
Do công việc đặc thù, hàng ngày chị Uyên phải thức dậy từ 3 giờ sáng để đi vào hầm rác các khu chung cư thu dọn, đến gần trưa mới bắt đầu về nhà lo cơm nước cho gia đình. Thời tiết nắng nóng, mẹ chị năm nay đã ngoài 80 tuổi dù bị ốm, sốt nhưng vẫn phải cố chịu nằm đắp chăn tại nhà mà không có tiền đi bệnh viện.
Mẹ con chị Uyên phải gắng gượng sống vượt qua bao khó khăn vì bị công ty M.Q nợ lương.
Cuộc sống của chị Uyên chẳng đến mức cơ cực nếu không bị công ty môi trường M.Q nợ lương liên tục suốt vài tháng trời từ cuối năm 2020. Đến giờ này, sau khi nhân viên công ty lên tiếng phản ánh đến các cơ quan truyền thông và cơ quan chức năng, công ty hứa đến 10/7/2021 sẽ thanh toán số lương còn nợ và chị đang mòn mỏi đếm từng ngày, hy vọng nhận lại được những đồng lương từ mồ hôi, nước mắt.
Chia sẻ về cuộc sống gia đình, người mẹ này cho biết trước đây chị cũng từng có một gia đình hạnh phúc và sinh sống tại Quảng Ninh. Sinh đứa con đầu lòng được 4 tuổi không may cháu bị bạo bệnh qua đời sớm, cháu thứ hai là một bé gái năm nay đã lên lớp 6. Đến khi cháu thứ 3 được 1 tuổi, do mâu thuẫn vợ chồng không thể hàn gắn nên hai vợ chồng đã ra tòa li dị, kể từ đó chị đơn thân nuôi con một mình.
Từng có thời điểm chị Uyên bị mang tiếng xấu là lấy tiền ăn chơi.
Sống bằng nghề dọn rác, nếu không bị nợ lương chị vẫn tiết kiệm đủ chăm lo cho cuộc sống gia đình. Thế nhưng, chỉ cần công ty nợ lương một tháng, cuộc sống sẽ thay đổi hoàn toàn.
Chị Uyên nhớ lại những ngày cuối năm 2020, khi đó vài tháng trời chị chẳng nhận được lương, cuộc sống gia đình chỉ trông chờ vào những đồng bạc lẻ bán được khi chị nhặt ve chai ở dưới hầm rác. “Khi đó tôi cơ cực, tủi hổ mà không biết phải chia sẻ cùng ai. Về nhà mẹ đẻ tôi mắng chửi vì nghĩ rằng tôi mang tiền đi chơi bời. Bị mắng chửi nhiều đến mức tôi phải bỏ nhà ra ngoài thuê phòng trọ.
Còn đứa con trai học lớp 3, vì mẹ thiếu tiền đóng học cháu xấu hổ không dám tới trường, thậm chí có hôm tôi đưa cháu đến cổng trường đợi mẹ đi khuất cháu bỏ học đi bộ về nhà”, chị Uyên kể lại.
Chị Uyên chỉ mong sớm nhận lại khoản lương còn thiếu ở công ty M.Q để sớm ổn định cuộc sống.
Chỉ đến khi việc chị nợ lương được nhiều người biết đến, lúc đó mẹ chị mới hiểu, thông cảm và gọi hai mẹ con chị về nhà ở cùng. Mấy ngày gần đây, khi biết hoàn cảnh gia đình, đã có nhiều nhà hảo tâm đến động viên, ủng hộ mẹ con chị Uyên để giúp chị phần nào vơi bớt khó khăn. Điều mong muốn lớn nhất của người mẹ đơn thân này giờ đây là sớm được công ty M.Q chi trả nốt phần lương còn lại để chị sớm ổn định cuộc sống, yên tâm làm việc.
Cũng chung hoàn cảnh như chị Uyên, ông Đoàn Văn Đăng và vợ là bà Nguyễn Thị Sơn ở Phúc Thọ, Hà Nội cũng đang đứng ngồi không yên vì không chỉ bị nợ lương mà hai vợ chồng này còn lo mất việc.
Ông Đăng cho biết, trước khi lên tiếng về sự việc nhiều công nhân bị nợ lương ông đã suy nghĩ rất nhiều, vì ông biết khi nói lên ông sẽ phải đánh đổi rất nhiều. “Khi tôi nói lên cũng đồng nghĩa là sẽ bị mất việc, vì từ trước đến nay họ không hề biết tôi bị tàn tật cụt mất một chân, tôi vẫn giấu họ chuyện đó. Thế những nếu không nói thì không chỉ tôi mà hàng chục công nhân bị nợ lương như tôi sẽ sống mãi trong cảnh thiếu thốn, nghèo đói, túng quẫn”, ông Đăng chia sẻ.
Không còn cách nào khác ông Đăng mới phải lên tiếng để đòi quyền lợi của mình.
Người đàn ông này cho biết, bản thân cũng đã chuẩn bị sẵn tinh thần bị mất việc và tới đây ông sẽ vay mượn tiền để mua cặp bò về chăn, còn hàng ngày hai vợ chồng cứ rau cỏ sống qua ngày.
Thực tế, mâm cơm trưa của hai vợ chồng trong ngày nắng nóng chủ yếu là rau xanh và bát canh không dầu mỡ. Ngồi bên mâm cơm, bà Sơn cho biết hôm nay chồng bị ốm nên bà gom hết tiền trong nhà ra chợ mua vài quả trứng về xào cho chồng ăn để còn uống thuốc.
Kể về công việc làm phu rác, ông Đăng cho biết hàng ngày cứ 17h chiều ông lại ra đường quốc lộ bắt 2 chuyến xe buýt mới tới được Mỹ Đình để bắt đầu công việc. Công việc của ông kéo dài có hôm đến tận nửa đêm, do không có xe buýt trở về nhà nên ông ăn ngủ vạ vật, chờ đến sáng mới quay về Phúc Thọ.
Người đàn ông này xác định sau khi lên tiếng bản thân mình sẽ bị mất việc.
Suốt quãng thời gian bị nợ lương 2 vợ chồng ông Đăng chỉ biết gắng gượng đi vay mượn tiền để trang trải cuộc sống từ những đồng bạc lẻ bán được từ việc nhặt đồng nát trong lúc thu gom rác.
Khi ốm đau hay gia đình có việc, hai vợ chồng phải đi vay mượn người quen, khi đó hai vợ chồng không tránh khỏi những lời mỉa mai cay đắng: “Hai người đi làm quanh năm mà không có tiền, suốt ngày đi vay?”. Nghe những câu nói đó, ông Đăng cúi mặt, chẳng biết nói gì.
Giờ đây, sau nhiều sức ép, phía công ty này đã trả một khoản tiền và hứa sẽ trả nốt số tiền còn lại cho ông Đăng trong tháng 7 tới. Gia đình ông Đăng cũng được các hội từ thiện giúp đỡ trang trải cuộc sống trước mắt nên ông Đăng cũng thoải mái, vui vẻ hơn những ngày trước.