Từ ngày con trai chết vì ung thư, con dâu đi tìm hạnh phúc mới, bà Hồng một mình “gồng gánh” gia đình, chăm lo cho 4 đứa cháu nội.
Hình ảnh người bà già yếu ban ngày đưa đón 4 đứa trẻ đến trường rồi chiều chiều lại xách bao đi nhặt ve chai đã rất đỗi quen thuộc với người dân xã Nhi Bình (Châu Thành, Tiền Giang). “Ở tuổi đó, bà Hồng đáng ra phải được con cháu phụng dưỡng, vậy mà…chưa một ngày nhàn hạ. Con trai cả của bà chết vì ung thư rồi con dâu bỏ nhà đi, để lại 4 đứa cháu cho bà ấy nuôi dưỡng. Tội nghiệp lắm cô ạ!”, một người hàng xóm cho biết.
4 đứa trẻ mồ côi cha sống nương tựa vào bà nội già yếu
Ngồi trước căn nhà cũ kỹ, Bảo (13 tuổi) cặm cụi bới từng chén cơm trưa cho Phát (10 tuổi) và Khang (7 tuổi), sau đó chạy vội vào trong lấy chai xì dầu chan cho các em ăn. Trong khi đó, bà Hồng tranh thủ giặt chậu quần áo bẩn rồi tất tả đi đón Đạt (8 tuổi) vừa tan trường.
Hai đứa trẻ bón cho nhau từng thừa cơm trắng trộn với xì dầu
Bà Hồng kể, năm 2015, anh Minh Nhựt – bố ruột của 4 đứa trẻ mất vì căn bệnh ung thư quái ác. Không lâu sau, con dâu bà cũng vội vã đi tìm hạnh phúc mới, bỏ lại lũ trẻ nheo nhóc cho bà chăm lo.
“Khi ấy, cu Khang mới lên 3 tuổi, gào khóc đòi mẹ mà con dâu tôi vẫn quyết xách vali ra khỏi nhà. Tôi muốn níu kéo nó ở lại với lũ trẻ nhưng chẳng biết nói thế nào? Tôi đành ôm 4 đứa cháu vào lòng, than trách số phận bạc bẽo với con trai và các cháu của tôi! Chúng đã mồ côi cha, nay lại thiếu vắng tình yêu thương của mẹ”, bà Hồng buồn rầu kể lại.
Từ lúc con dâu đi theo người đàn ông khác, bà Hồng một mình “gồng gánh” gia đình và chăm lo cho 4 đứa cháu nội. Bà bảo gần 5 năm qua, bữa cơm của lũ trẻ chỉ vọn vẹn 2 món: rau luộc và nước xì dâu. Nhiều lúc, út Khang nhõng nhẽo đòi ăn thịt, bà phải nói dối ăn hết bữa này rồi mai sẽ đi chợ mua cá, thịt…
4 anh em Bảo vội vàng ăn cơm trưa để kịp giờ đến trường vào buổi chiều
“Tôi nói để dỗ dành thằng Khang vậy thôi, chứ làm gì có tiền mà mua cá thịt. Bà cháu tôi có cơm để ăn no đã là sung sướng. Kể cũng tội tụi trẻ nhưng biết làm sao bây giờ, tôi đã cố gắng lắm rồi”, bà tâm sự.
Để có tiền trang trải cuộc sống, bà Hồng đi rửa chén bát thuê cho người ta với thu nhập 50.000 đồng/ngày. Nhưng vài tháng nay, bà đổ bệnh nặng không thể đi làm, chấp nhận ở nhà lo cơm nước cho lũ trẻ và đi nhặt ve trai bán lấy tiền mua gạo.
“Dạo này, căn bệnh bướu cổ và viêm khớp mãn tính cứ hành hạ tôi hoài. Người ta bảo phải đi bệnh viện thăm khám, lấy thuốc uống mới khỏi được nhưng tôi không chịu vì sợ tốn kém. Giờ tôi chỉ mong kiếm được vài chục mỗi ngày để mua gạo, mắm muối,… nuôi cháu nội. Tôi tính rồi “trời sinh voi, ắt có cỏ”, đến đâu hay đến đó”, bà Hồng thở dài.
Với lũ trẻ, bà Hồng vừa là nội, vừa là bố và cũng vừa là mẹ
“Sao mẹ không về thăm tụi con hả nội?”
Trong lúc nội nói chuyện với chúng tôi, Bảo ôm út Khang vào lòng rồi nhẹ nhàng vỗ về ru ngủ. Sau đó, em lí nhí: “Ước gì chúng con không phải nhịn đói và được ăn thịt thỏa thích. Hôm trước, bà nội bệnh không đi nhặt ve chai được, con phải qua hàng xóm xin gạo về nấu cháo. Út biết đó là cháo muối nên nhất định không chịu ăn. Nội quát rồi dỗ dành mà út vẫn khóc hoài. Đến khi cô Bảy qua cho đĩa xôi và thịt luộc thì út mới chịu nín”.
Vừa dứt lời, Bảo hướng ánh mắt buồn về phía bàn thờ đặt di ảnh bố. Có lẽ, trong tâm trí của cậu bé 13 tuổi vẫn luôn tồn tại hình bóng người cha và những hoài niệm quá khứ - ngày 4 anh em em sống vui vẻ trong căn nhà có đủ cả bố lẫn mẹ cùng bà nội.
Phút giây hạnh phúc của bà Hồng và những đứa cháu bé bỏng
Khi chúng tôi nhắc đến mẹ, út Khang đang mơ ngủ bỗng choàng dậy: “Mẹ… mẹ…” và đảo mắt khắp nhà tìm kiếm.
“Có phải nội đuổi mẹ đi rồi không? Con bắt đền nội, trả mẹ cho con”, út Khang “ăn vạ” bà Hồng khi không thấy mẹ đâu. Sau đó, em nép sát vào người bà, ngây ngô hỏi: “Sao mẹ không về thăm tụi con? Ở lớp, các bạn chế giễu con mồ côi nội ạ! Mai nội đừng đến trường đón con nữa. Con sẽ đứng ở cổng đợi mẹ đến đón giống như thằng Huy”.
Điều khiến bà Hồng trăn trở nhất chính là mai này bà chết đi, ai sẽ là người chăm lo cho lũ trẻ
“Út phải chăm chỉ học thì mẹ mới về thăm. Tối qua, mẹ vừa gọi điện cho nội nói sẽ mua cho út thật nhiều siêu nhân, bánh kẹo và quần áo mới. Vì thế, út phải ngoan ngoãn, nghe lời nội và các anh nghe con”, bà Hồng “nịnh nọt” đứa cháu bé bỏng.
Bà Hồng cho biết, bà chưa bao giờ trách cứ hay hận mẹ của tụi trẻ. Bởi bà biết cũng chỉ vì cái nghèo mà khi con trai bà mất đi, con dâu mới bỏ xứ đi tìm hạnh phúc mới. Đôi lúc, bà ước giá gia đình có điều kiện một chút thì lũ trẻ đã không bất hạnh đến vậy.
Do đói ăn lại thiếu chất dinh dưỡng nên 4 anh em Bảo đều gầy trơ xương
Dù hoàn cảnh rất nghèo khó nhưng cả 4 anh em của Bảo đều được đến trường học chữ. “Cũng may chúng nó là trẻ mồ côi nên được miễn giảm học phí. Mỗi năm, tôi chỉ phải bỏ tiền mua bảo hiểm, còn sách vở và quần áo đều được các thầy cô mua tặng”, bà nói.
“Sau này con sẽ làm bác sĩ chữ bệnh cho nội. Con ước làm thầy giáo. Còn con sẽ kiếm thật nhiều tiền xây nhà lớn…”, Khang, Đạt, Phát và Bảo thi nhau kể cho nội nghe về ước mơ sau này của các em. Đáng lẽ, bà Hồng nên vui vì các cháu đã dần trưởng thành, biết lo cho tương lai của chính mình. Nhưng…bà lại bật khóc với nỗi trăn trở: “Làm sao có thể lo cho chúng đủ ngày 3 bữa no”.
Mọi giúp đỡ xin liên hệ SĐT: 0907384259, bà Hồng. Hoặc thông qua số tài khoản ngân hàng Sacombank: 070094366370. Chủ tài khoản: Nguyễn Thị Hồng, Phòng giao dịch Vĩnh Kim, chi nhánh tỉnh Tiền Giang. Xin chân thành cảm ơn! |