20 năm qua, “sát thủ thầm lặng” pin lithium-ion đã gây ra 140 sự cố trên máy bay.
Ngày 22/3, tờ Daily Mail của Anh cho biết Tổng giám đốc hãng hàng không Malaysia Airlines Ahmad Jauhari Yahya đã thừa nhận rằng ngoài số lượng lớn măng cụt, chiếc máy bay MH370 mất tích còn chở theo nhiều pin lithium-ion, loại hàng hóa rất dễ gây ra nguy cơ cháy nổ.
Thông tin mới được đưa ra này đã làm dấy lên đồn đoán rằng có thể pin lithium-ion đã gây cháy bên trong khoang chở hàng của máy bay, khiến hệ thống điện tử và thông tin liên lạc của máy bay bị phá hủy, làm cho phi công và hành khách bị ngạt khói độc, và kết quả là chiếc máy bay tiếp tục bay trong tình trạng không có người điều khiển cho tới khi hết nhiên liệu.
Ông Jauhari thừa nhận MH370 có chở theo nhiều pin lithium-ion
Hôm 17/3, chính ông Jauhari đã tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng máy bay MH370 chỉ chở theo khoảng 3-4 tấn măng cụt tới Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh rằng trên máy bay không hề có loại hàng hóa nguy hiểm nào.
Theo Cơ quan Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), hàng hóa nguy hiểm là những chất có thể gây hại tới sức khỏe, an toàn tính mạng, tài sản và môi trường. Từ tháng 2/2013, cơ quan này đã cấm máy bay chở khách chở theo hàng hóa là pin lithium-ion.
Theo tờ Daily Mail, pin lithium-ion là thủ phạm gây ra 140 sự cố trên máy bay đang bay trong vòng 20 năm qua, chính vì vậy mà nó vẫn được gọi là “sát thủ thầm lặng” của máy bay. Đây là loại pin được sử dụng rất phổ biến trong điện thoại di động và laptop.
Ông Jauhari cho biết nhà chức trách Malaysia đang điều tra kiện hàng này, tuy nhiên ông cho rằng số pin trên không phải là mối nguy hiểm bởi chúng đã được đóng gói theo các tiêu chuẩn an toàn.
Ông nói: “Chúng tôi chở theo một số pin lithium-ion cỡ nhỏ, chúng không phải là loại pin lớn và về cơ bản không nằm trong danh mục hàng hóa bị cấm của ICAO. Bản thân pin lithium-ion không phải là hàng hóa nguy hiểm, chúng chỉ bị tuyên bố là hàng hóa nguy hiểm theo quy định của ICAO.”
Pin lithium-ion có thể gây ra cháy bên trong khoang chở hàng của máy bay
Ông Jauhari cũng tiết lộ: “Các hãng hàng không đều chở theo loại pin này chứ không riêng gì Malaysia Airlines.”
Tiết lộ này đã khiến nhiều người chú ý hơn tới giả thuyết rằng đã xảy ra một vụ cháy ở trên máy bay MH370, tạo ra loại khói cực độc khiến phi công và hành khách bất tỉnh sau một thời gian ngắn.
Trong một số trường hợp, máy bay đã bị thiêu rụi vì ngọn lửa xuất phát từ loại hàng hóa này. Tiêu biểu là vụ một máy bay của hãng hàng không UPS Airlines bị đâm xuống đất trong khi tìm cách hạ cánh khẩn cấp khi đang trên đường bay từ Dubai tới Đức vào năm 2010.
Ông Billie Vincent, cựu trưởng ban an ninh của Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ cho rằng tiết lộ trên của Malaysia Airlines càng khiến ông tin rằng chính pin lithium-ion là thủ phạm gây ra vụ cháy trên MH370, phá hủy các thiết bị liên lạc và gây ngộ độc khói cho toàn bộ hành khách và phi hành đoàn.
Pin lithium-ion có thể bị chập, nóng lên và bốc cháy, tạo ra một ngọn lửa cực mạnh và bắt cháy rất nhanh. Loại pin này cực kỳ nhạy cảm với nhiệt độ cao, bởi nhiệt độ có thể khiến lớp vỏ pin thoái hóa nhanh chóng hơn mức bình thường rất nhiều. Khi ngọn lửa bắt vào các loại thiết bị điện tử và vật liệu bằng cao su trên máy bay, nó tạo ra một loại khói cực độc.
Ông Vincent cho rằng khói độc bốc lên rất nhanh từ khoang chở hàng đã khiến hành khách rơi vào trạng thái hôn mê nhanh chóng, điều đó lý giải vì sao không một hành khách nào kịp gọi điện thoại cho người thân để thông báo tình hình hay cầu cứu.
Nhân viên cứu hộ Úc tìm kiếm MH370
Bên trong buồng lái, phi công chỉ kịp chuyển hướng máy bay rất gấp để tìm cách hạ cánh xuống một sân bay gần đó ở phía tây bán đảo Malaysia mà không kịp liên lạc và thông báo với kiểm soát viên không lưu theo đúng nguyên tắc mà các phi công đều thuộc nằm lòng “định hướng, điều khiển rồi mới đến liên lạc”.
Tuy nhiên loại khói cực độc này cũng nhanh chóng khiến họ bất tỉnh, biến máy bay MH370 trở thành một “máy bay ma” không ai điều khiển và chỉ bay theo chương trình lái tự động được lập trình sẵn cho đến khi hết nhiên liệu và đâm xuống biển ở phía nam Ấn Độ Dương.
Tại thời điểm hiện nay, các lực lượng cứu hộ cứu nạn quốc tế vẫn đang tập trung tìm kiếm tại vùng biển nam Ấn Độ Dương, phía tây nước Úc, nơi vệ tinh Úc chụp ảnh được 2 vật thể có kích thước lớn đang trôi nổi trên biển. Tuy nhiên thời tiết xấu cộng với diện tích tìm kiếm quá lớn khiến lực lượng cứu hộ cho tới nay vẫn chưa thu được kết quả khả quan nào.