Theo con số thống kê, hiện nay nay số người nhiễm HIV ở Việt Nam đang có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, mỗi năm vẫn có hàng chục nghìn người mắc mới.
Chuyện tình đẹp của người 13 năm bị kết luận nhầm nhiễm HIV
Theo Ths. Võ Hải Sơn (Phòng theo dõi, đánh giá, xét nghiệm – Cục phòng chống HIV/AIDS) cho biết, trong quý I/2015 số người nhiễm HIV mới phát hiện là 1504 người, với con số này trung bình mỗi ngày nước ta có 20 người nhiễm HIV mới. Trong đó, nhiễm HIV chuyển sang AIDS là 836 người và sốngười nhiễm tử vong là 228 trường hợp.
“Qua số liệu thống kê, trong những năm gần đây, hình thức lây nhiễm HIV chủ yếu là qua quan hệ tình dục, người phát hiện lây nhiễm HIV là nữ giới ngày càng gia tăng. Ngoài ra, nhóm tuổi nhiễm HIV cũng có sự thay đổi, nếu như trước đây nhóm tuổi mắc HIV chủ yếu là khoảng trên 20 tuổi. Những hiện nay, nhóm tuổi đó đã tăng lên”, Ths Sơn chia sẻ.
Ths Sơn chia sẻ, hiện nay ở nước ta hầu hết các huyện đều xuất hiện người nhiễm HIV, có đến 80,3% số xã, phường trên cả nước có người nhiễm HIV. Trong đó, chủ yếu là các thôn bản ở khu vực biên giới, miền núi số người mắc HIV qua việc dùng chung bơm kim tiêm vẫn còn khá lớn.
Việc sử dụng chung bơm kim tiêm là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiễm HIV.
Theo thống kê, hiện nay cứ khoảng 100 người chích ma túy thì có 11 người nhiễm HIV, tuy nhiên tỷ lệ này có sự thay đổi ở một số địa phương. Ví dụ như Thái Nguyên, số người chích may túy bị lây nhiễm HIV chiếm tỉ lệ khá cao, chiếm 30%.
Trước những con số biết nói trên, Ths Sơn nhấn mạnh: “Muốn giảm thiểu tối đa tỷ lệ người mắc mới HIV cũng như số người tử vong do nhiễm HIV, điều quan trọng nhất đó chính là việc đầu tư kinh phí cho chương trình phòng chống có chiều sâu”.
Theo đó, nếu giữ mức đầu tư như hiện nay (khoảng 61 triệu USD/năm) thì số lượng người nhiễm mới sẽ ở mức 8000 ca vào năm 2020 và 5000 ca vào năm 2050. Tuy nhiên, nếu tăng mức đầu tư lên trên 90 triệu USD/năm con số này sẽ chỉ ở mức dưới 1000 người mắc mới/năm vào năm 2030.
“Ngược lại, nếu chúng ta cắt giảm mức đầu tư cho dự án phòng chống HIV tronhg những năm tới thì chúng ta vẫn phải phòng chống, tuy nhiên kết quả đạt được sẽ không để đạt được mục tiêu đề ra, và không lâu nữa dịch sẽ quay trở lại”, Ths. Sơn phân tích.
TS Hoàng Đình Cảnh: "Kinh phí là vấn đề sống còn trong công tác phòng chống lây nhiễm HIV.
Cũng liên quan đến vấn đề này, TS Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục HIV/AIDS cho biết, tuy thời gian qua công tác phòng chống HIV đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng mỗi năm nước ta vẫn có hàng chục nghìn người mắc mới.
Điều đáng nói, con đường lây nhiễm HIV đã có sự thay đổi. “Nếu như trước đây nhóm có nguy cơ nhiễm HIV cao nhất là ma túy thì hiện nay lây nhiễm HIV qua đường quan hệ tình dục đã gia tăng cao hơn cả ma túy. Nguyên nhân là số người nghiện ma túy có thể kiểm soát được, nhưng vấn đề quan hệ tình dục dẫn đến lây nhiễm là rất khó kiểm soát”, TS Cảnh nhấn mạnh.
Cuối cùng, khi bàn về phương hướng phòng chống nhiễm HIV trong thời gian tới, TS Cảnh lo ngại về việc tỷ lệ nhiễm HIV sẽ gia tăng nếu như kinh phí đầu tư cho công tác này bị cắt giảm. “Để duy trì được kết quả hiện tại, cũng như giảm thiểu tối đa số người nhiễm HIV mới trong thời gian tới, ngoài việc đẩy mạng công tác tuyên truyền thì vấn đề kinh phí cũng cần phải được đảng và nhà nước quan tâm đầu tư hơn bao giờ hết”, TS Cảnh cho biết.