Các bảo mẫu đang công tác cho biết, các trẻ bị nhiễm HIV do sử dụng thuốc hàng ngày nên tâm tính không ổn định, hay quấy nghịch.
Không cố ý và không có ý xấu đánh trẻ?
Ba ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc đối với việc năm bảo mẫu bạo hành các trẻ đang sống tại trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân (quận Thủ Đức). Đến nay, giám đốc trung tâm cùng năm bảo mẫu đã bị tạm ngưng công tác. Ngoài ra, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM cùng các đơn vị chức năng đang thực hiện thanh tra trung tâm này, dự kiến đến ngày 14/7 sẽ có kết luận.
Mặc dù clip đã tung lên mạng internet thế nhưng trong tường trình, các bảo mẫu vẫn không thừa nhận mình đánh trẻ. Trong clip, bảo mẫu Vũ Thị Q. có hành vi nhéo tai trẻ. Tuy nhiên, theo tường trình, bảo mẫu này cho rằng, lúc đó trẻ nghịch ngợm, đánh vào mặt một bạn khác nên Q. chỉ đánh vào mặt trẻ một cái.
Bảo mẫu Q. có hành vi nhéo tai trẻ
Q. cũng cho biết, nhiệm vụ là chăm sóc các trẻ bị hội chứng down và bị nhiễm HIV, cô chỉ giơ tay dọa để bé sợ và ăn cơm, rồi đánh nhẹ vào chân chứ không gây thương tích, bầm tím.
Trong khi đó, bảo mẫu Trần Thị Thu Tr. trình bày, trong lúc cho ăn, trẻ bị nôn ói. Theo mẹo vặt để trẻ không bị nôn, Tr. đã dùng tay ấn vào trán để ngăn cơn ói lại. Bảo mẫu này khẳng định mình không hề có ý định hay đánh trẻ. Ngoài ra, ba bảo mẫu khác cũng cho rằng mình không cố ý hay có ý xấu đánh trẻ.
“Mong mọi người có cái nhìn thông cảm”
Sáng 9/4/2015, chúng tôi trực tiếp đến trung tâm và được các bảo mẫu đang công tác ở đây hồ hởi đón tiếp. 26 trẻ ở đây không được nhanh nhẹn, hoạt bát như những đứa trẻ cùng lứa tuổi khác. Nhiều bé có đôi mắt hơi ngây dại. Một vài trẻ khi nhìn thấy người lạ liền xông tới, cầm tay, nắm chân như thấy một điều gì đó rất lạ. Khi hỏi, nhiều trẻ không biết cách trả lời.
Theo các bảo mẫu tại đây, việc chăm sóc các trẻ vừa bị nhiễm HIV lại có triệu chứng bị bệnh down không phải là công việc dễ dàng. Ở đây có 13 bảo mẫu thay làm hai ca để làm việc. Trong đó, có hai bảo mẫu đã nghỉ theo chế độ thai sản. Như vậy, hiện tại, mỗi lần chỉ có 5 bảo mẫu quản lý 26 trẻ.
Trẻ trong giờ học tại trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân
Các bảo mẫu cho biết, tất cả 26 trẻ ở đây đều có hoàn cảnh đặc biệt, không có cha mẹ, bị bỏ rơi tại bệnh viện. Một số trường hợp có cha mẹ nhiễm HIV đã chết, họ hàng bỏ hẳn bé tại đây.
Bảo mẫu Giang Thị Mỹ Chi chia sẻ, đối với những trẻ bị nhiễm HIV thường có thể trạng ốm yếu, cơ thể phát triển không ổn định. Tất cả các trẻ đều phải dùng thuốc ARV để ức chế virut HIV. Một số trường hợp đặc biệt còn phải sử dụng nhiều loại thuốc khác để đối phó với các bệnh tiềm ẩn. Do thuốc uống hàng ngày nên trẻ thường bị nóng trong người, tính khí không ổn định. Việc khó khăn nhất trong việc chăm sóc là cho trẻ ăn.
Bảo mẫu Nguyễn Thị Định có cùng quan điểm với bảo mẫu Chi. Chị Định cho biết, nhiều trẻ ở trung tâm chỉ ăn cơm đã được tán nhỏ, nếu không thì không ăn. Đối với những người không có tình thương, đến bữa, trẻ ăn hay không thì có thể bỏ mặc. Tuy nhiên, đối với các bảo mẫu, do có tình thương với trẻ nên phải ép cho cháu ăn. “Dù biết, đánh trẻ là sai, nhưng cũng hy vọng mọi người có cái nhìn thông cảm với các bảo mẫu phạm phải sai lầm”.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM) cho rằng, với những gì báo chí đưa tin bước đầu có thể xác định các bảo mẫu có hành vi hành người khác. Nếu ở mức độ nhẹ, các bảo mẫu có thể bị phạt hành chính từ 5 đến 10 triệu đồng. Nếu giám định, xác định trẻ bị thương tích, ảnh hưởng đến tâm sinh lý thì có thể cấu thành tội cố ý gây thương tích gây tổn hại sức khỏe cho người khác. Lúc này, các bảo mẫu sẽ bị truy tố hình sự với mức án nhẹ nhất là cải tạo không giam giữ và cao nhất là 3 năm tù giam. Tuy nhiên, ông Hậu nhấn mạnh, từ clip có thể xác định trẻ bị đánh trong bữa ăn. Cơ quan chức năng cần có cái nhìn thấu đáo khi xử lý. Bởi, có thể, các bảo mẫu có tâm lý muốn cho trẻ ăn nhanh, ăn nhiều nên đã có hành vi sai trái là đánh trẻ. Nếu đúng như thế thì đây là một tình tiết giảm nhẹ đáng quan tâm. |