Vài lần sóng nước vô tình đưa hai chiếc ghe đơn độc chạm vào nhau, dần hòa làm một, chắp vá hai con người suốt hơn 20 năm ròng.
Mối tình đẹp giữa con nước lớn
Sinh ra và lớn lên ở một làng chài ven biển Bến Tre, ông Lê Văn Đực (65 tuổi) không may mất một chân sau tai nạn cách đây hơn 30 năm. Như những người đàn ông lực điền khác, ông đem lòng yêu thương và cưới một người phụ nữ hiền lành cùng quê làm vợ. Hạnh phúc chẳng tày gang. Mấy năm sau, vợ ông qua đời, người đàn ông vò võ lênh đênh theo con nước chài lưới nuôi 5 người con.
Thời gian trôi qua, 5 đứa con ngán ngẩm cảnh lênh đênh sông nước nên lên bờ sinh sống, còn ông cùng chiếc ghe nhỏ tiếp tục xuôi dòng. Đến đâu, ông thả neo, sinh sống ở đó. Cho đến một ngày, con nước vô tình xuôi ông gặp người phụ nữ bất hạnh.
Đốt điếu thuốc, quay sang nhìn bà Nguyễn Thị Vĩnh (vợ hiện tại của mình, quê Trà Vinh), ông Đực nói: “Tôi thương cho người phụ nữ hiền hậu nhưng cuộc đời cứ bấp bênh. Ngày ngày bà cứ sống dưới những lời chì chiết cay nghiệt của mẹ chồng, những trận đòn thừa sống thiếu chết của người đàn ông đầu ấp tay gối. Một đêm tối, bà ôm cái bụng bầu 3 tháng chạy trốn khỏi gia đình chồng, mặc kệ phía trước là những chỉ trỏ, miệt thị của người đời.”
Bà Vĩnh bỏ đi, để lại sau lưng là những đớn đau uất nghẹn, mặc phía trước là biết bao khó khăn, vất vả bủa vây. Bà bảo mình chấp nhận hết thảy, cứ như cánh lục bình thả trôi cuộc đời theo dòng nước, nay đây, mai đó, ngày ngày bắt ốc nuôi con.
Người phụ nữ bỗng thương thầm người đàn ông cô đơn. Từ trong ý nghĩ, bà muốn nấu cho ông chén cơm nóng, giặt cho ông từng chiếc áo còn chưa ráo mồ hôi.
Một lần, con sóng xô hai chiếc ghe của ông và bà Vĩnh va vào nhau. Hai cuộc đời trôi nổi cũng chạm vào nhau từ đó. Người phụ nữ bỗng thương thầm người đàn ông cô đơn. Từ trong ý nghĩ, bà muốn nấu cho ông chén cơm nóng, giặt cho ông từng chiếc áo còn chưa ráo mồ hôi. Nhìn bà, ông bảo sao thấy thương quá đỗi, tự trong đáy lòng ông muốn được chở che.
Ông Đực ngỏ lời gợi ý bà Vĩnh lên ghe của mình sống, để con bà có cha, để bà có nơi mà nương tựa. Chần chừ hồi lâu, bà gật đầu. Mối lương duyên “rổ rá cạp lại” từ đó cũng bắt đầu lênh đênh theo những con nước lớn, đong đầy hạnh phúc của hai vợ chồng trẻ và tiếng cười của con thơ.
Sau bao bão dông, cuối đời người đàn bà bất hạnh đã tìm được chốn neo đậu yên bình.
Ngày gả con đi lấy chồng, hai vợ chồng ông Đực lại nhổ neo mà tiếp tục cuộc hành trình. Dòng đời xô đẩy, một ngày mở mắt ra, hai mái đầu bạc giật mình nhận ra đã đến mảnh đất Sài Gòn. Thương cho người đàn bà nhọc nhằn lam lũ, cả đời lênh đênh, ông neo ghe tại một bến nhỏ dưới chân cầu Rạch Bàn 2 (quận 7). Từ đó, bến sông dưới chân cầu cũng trở thành bến đỗ của hai phận người.
Nơi nào có yêu thương, nơi đó là nhà
Đứa con gái đi lấy chồng, nhà đã neo người dường như lại càng cô đơn. Mong ước có thêm tiếng cười trẻ thơ để cảnh nhà bớt hiu quạnh, năm 2007, bà Vĩnh mang thai và hạ sinh cho ông một đứa con gái, được đặt tên là My.
Đều đặn mỗi ngày, vào lúc 4 giờ sáng, bà Vĩnh tranh thủ dọn nước lên lề đường, ông Đực đạp xe đi bán vé số, thu nhập của cả hai chỉ hơn 100 ngàn đồng. Nhà thiếu trước hụt sau đủ thứ, chỉ dư tiếng cười của con trẻ và hạnh phúc xế chiều của hai mảnh đời tóc bạc.
“Khổ lắm cô ạ, nước phải mua, tối đến phải xài đèn dầu. Hồi đó có người cho ổng ít gỗ cũ, ổng chắp vá rồi cũng dựng được mái nhà. Ổng thương hai mẹ con nên toàn nhường cho tôi và bé My nằm trên này, ổng thì xuống dưới ghe ngủ mà ngủ ở dưới rắn rết tùm lum. Nhiều hôm mưa quá, ổng cảm lạnh, ho hoài, nhưng bảo lên trên ngủ thì ổng lại không nghe”, bà Vĩnh thuật lại.
Bao nhiêu tình yêu thương chắp vá, hai mái đầu bạc dồn hết vào đứa con. My là hy vọng, là niềm tin, là lẽ sống của đôi vợ chồng nghèo.
Nhìn vào đàn gà đang cục tác kiếm ăn, bên cạnh là bé My đang ngồi học bài, bà Vĩnh bảo có nằm mơ cũng không ngờ đến cuối cùng lại tìm được bến neo cho cuộc đời mình. Nhiều đêm nằm nghĩ lại, bà thầm cảm ơn cơn sóng vô tình ngày trước khiến hai cuộc đời va vào nhau.
Đối với người phụ nữ ấy, ước mơ chỉ đơn giản là hai vợ chồng già có sức khỏe để chăm sóc đến ngày con trưởng thành, yên bề gia thất. Bà tâm sự: “Không hiểu sao dạo này tôi nhớ quê kinh khủng, cũng lâu lắm rồi không được về thăm. Nhiều khi thấy tôi nhìn bâng quơ ra sông nước, ông ấy khẽ thở dài rồi hỏi: Bà lại nhớ quê à?. Thế nhưng thu nhập từ vài mươi tờ vé số với vài đồng tiền lẻ bán nước ven đường thế này, khi nào đủ tiền mà về thăm quê?”.
Còn đối với người đàn ông có nụ cười hiền queo chân chất, cuộc sống như thế này đã quá trọn vẹn và hạnh phúc. Đến cuối đời, người đàn ông tàn tật có người vợ hiền, đứa con lanh lợi, sự đùm bọc, yêu thương của bà con xóm làng.
“Tết nào Ủy ban phường cũng tặng quà, tặng gạo. Bà con ở đây ai có gì giúp đỡ nấy, Người ta nhìn vào thì bảo tôi nghèo khổ, vất vả, nhưng ai chắc rằng họ giàu niềm vui và hạnh phúc hơn tôi?”, ông Đực cười.
Hơn 12 năm neo đậu tại bến sông nhỏ, hơn 20 năm lênh đênh trên khắp nẻo đường sông nước miền Tây, thế nhưng khi được hỏi có bao giờ ông khát khao một mái nhà trọn vẹn trên đất liền để an dưỡng tuổi già, ông Đực tặc lưỡi: “Ở đâu cũng được, trên cạn hay dưới sông nước thì có khác gì nhau. Miễn nơi đó có tiếng cười, có hạnh phúc, có tình yêu thương thì nơi đó đích thực là nhà”.