Sinh 11 người con, đến cuối đời người phụ nữ vẫn đơn độc chống chọi với bệnh tật. Nỗi đau lên đến đỉnh điểm khi người mẹ già 62 tuổi co ro ôm hài cốt con vào phòng bệnh để chạy thận.
Tiếng thét bất lực giữa màn đêm
Chúng tôi gặp bà Võ Thị Kim Hường (62 tuổi) tại góc hành lang Bệnh viện Nhân dân 115, TP.HCM vào một buổi chiều bình yên trong cái nắng chiều chạng vạng. Hai bàn tay gầy guộc của người đàn bà chậm chạp đang tách từng viên thuốc khỏi vỏ. “Thuốc này là thuốc tiểu đường, này là uống trị bệnh tim”, bà Hường khẽ nói.
Sinh ra và lớn lên tại TPHCM, hơn 30 tuổi bà Hường gặp và gán nghĩa vợ chồng với một người đàn ông. 11 người con ra đời trong cảnh nghèo khó, ọp ẹp và lớn lên bằng đồng tiền góp từ những túi ve chai. Cách đây 8 năm, khi phát hiện vợ mình bị bệnh thận, người chồng, người cha của các con bà đã phũ phàng bỏ đi, mặc cho người vợ đầu ấp tay gối mấy mươi năm ròng ngụp lặn trong nợ nần, bệnh tật.
“11 đứa con, 4 đứa chết, 4 đứa ở tù, 3 đứa con gái lấy chồng, nhà nghèo nên dù thương tôi đến mấy cũng không thể lo cho mẹ. Nhà cửa tiêu tan, anh chị em chẳng ai dòm ngó. Một tay tôi bán ve chai nuôi 11 đứa con, thế nhưng chẳng có đứa nào nuôi nổi mẹ”, nói đến đây, bà Hường bật khóc.
Kể về những đứa con của mình, bà Hường ngậm ngùi cho biết còn 2 tháng nữa là tròn 2 năm ngày con trai thứ 3 của bà qua đời. Mỗi ngày sau khi chạy thận xong tại Bệnh viện Nhân dân 115, bà cùng con bắt xe buýt về lại chợ Hóc Môn tá túc. Vì bệnh phổi nhưng không có tiền chữa trị, một buổi tối tháng 4, hai mẹ con đang co ro bên mái hiên chợ, con bà qua đời. “Lúc đấy tôi thét lên nhưng cũng chẳng ai nghe mà tới giúp. Nhìn con chết trên tay mình, tôi khóc không nên lời. Đau... đau lắm”, người đàn bà sụt sùi kể.
Người phụ nữ 62 tuổi một mình đơn độc giữa căn bệnh hiểm nghèo.
Không có tiền gửi hài cốt con vào chùa sau khi hỏa táng, gia đình cũng tan đàn xẻ nghé khắp nơi, bà lủi thủi quay về bệnh viện tiếp tục chạy thận theo lịch. Không biết gửi gắm hài cốt con cho ai, bà đành ôm vào trong phòng bệnh. Khẽ lau nước mắt, bà Hường kể tiếp: “Tôi để hài cốt nó ở cái tủ đầu giường rồi bảo "Con ở đây, mẹ chạy thận xong rồi mẹ lại ôm con về". Sau này nhờ một vài người giúp đỡ, tôi gửi nó vào một ngôi chùa ở Bình Tân, nhờ đó mà có chỗ nhang khói”.
Bà Hường kể cho chúng tôi nghe nhiều về đứa con gái út lỡ lầm mang thai rồi bị hắt hủi; đứa cháu ngoại ngày trước rày đây mai đó cùng bà, thậm chí có lúc hai bà cháu phải ngủ ở nghĩa trang, giờ đây đã được gửi vào một cơ sở nuôi dạy trẻ; 2 người con gái còn lại đã lấy chồng nhưng cũng chẳng hạnh phúc là bao nhiêu. Nói đến đây, tay bà ghì chặt vào ngực, nỗi đau của một người vợ bị chồng hắt hủi, niềm xót xa của một người mẹ thấy những đứa con gái đau khổ trong hôn nhân dường như trỗi dậy, cứa những vết cắt sắc nhọn vào trái tim không lành lặn. Im lặng hồi lâu, bà bảo: “Mỗi khi nó bị đánh, chồng nó lại lớn tiếng: mày là đứa không nhà”.
Ngoài bệnh thận, bà Hường còn mắc tiểu đường, tim và một bên mắt không còn thấy rõ.
Những lúc nhớ con, bà Hường chỉ dám bắt xe buýt qua bên đấy, ngồi tại quán nước ven đường đợi con mình chứ không một lần dám vào nhà sui gia. Những cuộc hỏi thăm chóng vánh vài ba chục phút mà đôi khi mất hơn tiếng đồng hồ để đi đến nơi. Để rồi sau mỗi cuộc gặp như thế, đêm về, trái tim của người mẹ già không ít lần nấc nghẹn. Khi những âm thanh của cuộc sống ban ngày dường như lắng lại, nỗi cô đơn bắt đầu lên ngôi bao trùm thời gian, phủ đầy không gian hiu quạnh, xát muối vào những vết thương trên da thịt và cả những vết thương lòng.
Kéo túi áo khoác, bà Hường chỉ tay vào tấm thẻ bảo hiểm y tế được một mạnh thường quân mua tặng mấy năm trước. Bà bảo may là nhờ nó, bà còn sống đến bây giờ. Thu nhập chính của bà giờ đây chính là 40 nghìn đồng mỗi ngày khi bán hết 50 tờ vé số, là những đồng tiền giúp đỡ của thân nhân của các bác sĩ khoa Nội thận Miễn dịch ghép BV Nhân dân 115.
Bà Hường kể giờ bà rày đây mai đó, nay ngủ chỗ này, mốt ngủ chỗ kia. Hạnh phúc trong những giấc mơ chập chờn bên ghế đá bệnh viện của người đàn bà đau khổ ngập tràn những lời nguyện cầu bình an, đôi lúc chỉ là mâm cơm sum họp cả gia đình. Mà nói như bà, mỗi khi tỉnh dậy, chẳng biết nước mắt ở đâu mà ướt mèm cả hai bên má.
Bà ước mơ có tiền để điều trị mắt trái của mình.
Nghị lực cuối cùng
Chạy thận tính đến nay đã 8 năm, bà Hường bảo có 2 điều từ trước đến giờ không thay đổi: một mình bước vào phòng chạy thận và lúc nào cũng sợ đau. “Đau chứ, cây kim tiêm to lắm, bao nhiêu lần rồi mà mỗi lần nhìn là lại nhăn mặt vì sợ”, nói rồi bà Hường xắn tay áo lên chỉ vào những vết u ngổn ngang - vết tích của những lần chạy thận.
Nhìn bệnh nhân có người thân chăm sóc, khi được hỏi có tủi thân không, bà Hường cười xuề xòa: “Tôi quen rồi cô ạ! Buồn chứ, nhưng bác sĩ Dung (Trưởng khoa - PV) hay động viên tôi cố gắng. Bác sĩ bảo không ai lo cho mình thì bản thân mình phải tự lo. Còn sống, còn sức khỏe đã là điều may mắn”.
Bà kể về những lần chạy thận, nếu người khác được chăm bẵm, đút từng muỗng cháo, thức ăn, còn bà luôn “tự xử”. Một tay bị đâm kim tiêm, bà bảo tay còn lại bà tự bốc bánh mì, khoai lang ăn cho đỡ đói.
“Đời mình buồn quá rồi, giờ bản thân mình cũng buồn nữa thì biết sống làm sao. Thôi cứ vui đi, ít ra tới giờ vẫn còn sống. Nhìn tôi vậy chứ giàu lắm. Nhà 2 mặt tiền, một mặt tiền khu C, một mặt tiền hẻm”, nói đến đây bà bật cười. Hóa ra “nhà” mà bà nói là dãy chờ mà bà vẫn hay nghỉ chân mỗi buổi chờ chạy thận. Không gia đình, không người thân, băng ghế chờ bệnh viện cũng được “thân mật” gọi bằng nhà. Nhìn bà cười, sao mà chua chát.
Những vết u trên da - vết tích của những lần chạy thận.
Hình ảnh của người mẹ già khiến mọi người không khỏi xót xa.
Ai cũng biết cuộc đời buồn, đau khổ chẳng phải là phận riêng dành cho phụ nữ. Nhưng cái đau khổ của phụ nữ bao giờ cũng có cái đau khổ, tái tê riêng của nó. Nhìn dáng vẻ lầm lũi của người đàn bà ấy chệnh choạng đi giữa hành lang bệnh viện dưới ánh đèn hắt hiu buồn, buồn như chính cuộc đời của bà vậy.