Mỗi người tiêu dùng đều có cách lựa chọn thực phẩm khác nhau, người mua ngoài chợ, người vào siêu thị… nhưng trong thời điểm này, niềm tin của họ vào thực phẩm dường như đang bị sói mòn khủng khiếp.
Trước tình trạng thực phẩm bẩn, kém chất lượng ngày một tràn lan như hiện nay, không ít người cảm thấy hoang mang và lo lắng cho chính sức khỏe của gia đình mình. "Ăn gì cho an toàn?", "phân biệt thực phẩm sạch bẩn ra sao?", "thực phẩm có hóa chất trông sẽ như thế nào"...là những câu hỏi chung mà mọi người thường nghĩ tới khi lựa chọn thực phẩm cho cả nhà. Để giúp người tiêu dùng có thêm nhiều thông tin cần thiết về vấn đề an toàn thực phẩm, PV tạp chí Khám Phá sẽ tiến hành loạt bài dài kỳ: "Một ngày đi chợ: Ma trận niềm tin". Hy vọng, với những thông tin chia sẻ này, người tiêu dùng sẽ có sự lựa chọn sáng suốt hơn khi quyết định bữa ăn của gia đình mình. |
Kỳ 1: Người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm như thế nào?
Chọn thực phẩm: Dễ mà rất khó
Giữa mê cung thực phẩm bẩn, để bảo vệ bữa ăn của mình, nhiều người dân đã phải tự trồng rau, nuôi gà giữa phố. Nhưng nhiều người không có điều kiện làm những việc ấy, họ đành phải dùng cảm quan để chọn lựa thực phẩm cho gia đình.
Để tìm hiểu về cách thức lựa chọn thực phẩm của người tiêu dùng, PV tạp chí Khám phá đã thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ tại một số chợ đầu mối lớn và chợ cóc ở Hà Nội.
Theo đó, tại khu vực chợ đầu mối Dịch Vọng (Cầu Giấy - Hà Nội), những người đi chợ cho biết, họ thường ưu tiên chọn mua thực phẩm ở siêu thị, nếu ra chợ thì cũng chọn chỗ người quen hoặc mua của người nông dân chứ ít khi mua của các tiểu thương tại chợ.
Chia sẻ về kinh nghiệm chọn thịt, chị Thảo (Trần Quốc Hoàn - Cầu Giấy - Hà Nội) cho biết "Khi chọn thịt, mình phải chọn những miếng thịt sờ vào còn dính tay hoặc miếng thịt đó không đỏ hoặc không nhạt quá. Còn rau, mình thấy tươi thì chọn chứ cũng không biết cái nào là an toàn cái nào không?"
“Bình thường ngày nghỉ mình mới có thời gian đi siêu thị hay chợ lớn, còn nếu không thì mình hay đến chỗ người quen để mua thực phẩm, vì khi quen thì giá cũng rẻ hơn và yên tâm hơn”, chị Thảo nói thêm.
Bạn Thu luôn cảm thấy hoang mang và bất an mỗi khi chọn thực phẩm.
Khác với chị Thảo, bạn Thu (sinh viên năm 3 – trường Đại học Sư phạm) lại tìm hiểu cách thức chọn thực phẩm trên mạng trước khi ra chợ:
"Nếu mua rau muống thì tiêu chí của em là rau không được xanh và mướt quá. Đối với thịt lợn, miếng thịt ngon là khi cắt ra phải ấm tay, có độ bám dính. Với thịt bò phải có mùi đặc trưng của bò, có độ kết dính khi sờ tay, chọn gà là phải chọn những con không quá vàng óng hoặc bóng ngoài da. Còn chọn cà chua, em thường chọn những quả chín đều, cuống tươi bám chặt”.
Tuy nhiên, bạn Thu cũng thẳng thắn thừa nhận "Mặc dù đã tìm hiểu cách chọn trước khi đi chợ, nhưng đôi khi chính em cũng bị lừa, đó là lần đi mua cà chua, em chọn theo đúng tiêu chí chín đều, mọng, cuống còn tươi và chắc, nhưng về nhà bổ cà chua ra thì ruột vẫn bị xanh".
Tại chợ Thành Công, chia sẻ với chúng tôi, chị Hương (Đống Đa - Hà Nội) cho biết thường chỉ chọn theo cảm quan và tin vào siêu thị hơn là ở chợ.
“Khi tôi đi chọn rau, tôi chọn những mớ rau không quá xanh, không quá mượt vì như vậy sẽ không bị cho chất kích thích nhiều. Hàng ngày, tôi cứ ra chợ mua, nhìn mớ rau, con cá nào mà mình cảm thấy an toàn là mua chứ không cần phải đến chỗ người quen cho phiền hà. Nói thật, tôi hay mua rau cỏ trong siêu thị cho an toàn, vì dù sao họ cũng được kiểm định. Vội thì mua ở chợ thôi, chứ cũng 50-50 lắm”.
Thực tế, không ít người dân có cùng suy nghĩ như chị Hương khi mà nghi ngờ thực phẩm đang được bán tràn lan ngoài thị trường, nhất là các chợ cóc không được kiểm định, nên họ đã chọn siêu thị là điểm đến để lựa chọn thực phẩm cho bữa ăn gia đình.
Tuy nhiên, liệu việc lựa chọn thực phẩm ở siêu thị có thực sự an toàn, khi hàng loạt các vụ bê bối của những “ông lớn” về việc dán mác kiểm định cho những sản phẩm thu mua ở chợ đã bị phanh phui?
“Tôi lựa chọn thực phẩm trong siêu thị vì chí ít nó cũng có tem mác đàng hoàng. Hơn nữa mọi người trong gia đình cũng yên tâm hơn khi biết tôi mua thực phẩm ở siêu thị", bà Trọng (người giúp việc ở phố Thanh Bình – Hà Đông) cho biết.
Còn chị Hoàng Ánh Quyên (Phùng Khoang – Hà Đông) chia sẻ: “Tôi là người thường xuyên mua rau ở siêu thị, nhưng cũng chỉ tin tưởng sản phẩm đó an toàn được 30%, chứ không an tâm lắm. Chẳng qua, tôi mua ở đây là có nguồn gốc, địa điểm rõ ràng, nếu có vấn đề gì còn dễ xử lý, chứ ra chợ thì nay họ ngồi đó, mai họ ngồi chỗ khác, chẳng biết đâu mà tìm”.
Bà nội trợ mong phạt nặng các vụ thực phẩm bẩn
Có thể thấy được một thực tế là, dù thực phẩm được bán ở đâu, các chợ đầu mối, chợ cóc, hay siêu thị…thì niềm tin của người tiêu dùng trước “ma trận” thực phẩm hiện nay dường như cũng khó lòng vớt vát. Có chăng, cũng chỉ là “khuất mắt trông coi”, vì "ăn cũng chết mà không ăn cũng chết".
Vậy, làm thế nào để lấy lại niềm tin với người tiêu dùng trước các loại thực phẩm hiện nay? Điều này, các cơ quan chức năng đã có rất nhiều giải pháp, nhưng chưa thay đổi được bao nhiêu. Còn về phía người dân, họ suy nghĩ như thế nào và có kiến nghị gì với các cơ quan chức năng?
Hầu hết những người tiêu dùng được hỏi đều cho rằng nhà nước cần quản lý chặt hơn, có chế tài xử phạt mạnh tay hơn, như vậy mới có sức răn đe đối với những người buôn bán thực phẩm bẩn.
“Từ trước đến nay, những người vi phạm thực phẩm bẩn, nếu là cá nhân hộ gia đình thì cơ quan chức năng chỉ phạt vài triệu đồng, còn nếu là công ty thì phạt được vài chục triệu, như vậy đâu đủ sức răn đe?
Theo tôi cơ quan quản lý cần phải mạnh tay hơn nữa như phạt tù ngay lập tức hoặc cấm kinh doanh mặt hàng vĩnh viễn, có như vậy mới đủ sức răn đe những người khác”, bác Hoàng Thị Tuyết (64 tuổi – Vạn Phúc – Ba Đình – Hà Nội) cho biết.
Bạn Thảo cho rằng nhà nước cần mạnh tay xử lý vi phạm an toàn thực phẩm.
Đồng quan điểm trên, bạn Thảo (Sinh viên trường Đại học Thương Mại - Hà Nội) cho rằng: “Nhà em cũng làm nông dân nên khi có những thông tin thực phẩm bẩn, những người sản xuất như bố mẹ em ở nhà sẽ bị ảnh hưởng lắm. Vì thế nhà nước cần phải có chế tài xử lý nghiêm khắc hơn”.
Ngoài ra, bạn Thảo cũng nhìn nhận: “Ngoài việc quản lý, em nghĩ chính những người nông dân, người buôn bán cần phải có lương tâm và tự mình hãy làm tốt, làm sạch những sản phẩm của mình làm ra thì mới giải quyết được tận gốc vấn đề”.
Kỳ tới: “Ma trận” thực phẩm bẩn dưới góc nhìn của những người kinh doanh