Trường ĐH Ngoại thương đã dừng toàn bộ hoạt động tình nguyện sau khi 3 nữ sinh tham gia chiến dịch Mùa hè xanh chết đuối tại Quảng Ninh
Vào khoảng 2 giờ 10 phút ngày 3-7, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể 3 sinh viên Trường ĐH Ngoại thương là Vũ Thị Xoa (SN 1996, ngụ xã Thống Nhất, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương), Nguyễn Thị Hải (SN 1997, ngụ xã Hội Sơn, huyện An Sơn, tỉnh Nghệ An) và Nguyễn Thị Ngân (SN 1997, ngụ huyện Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội).
Con ngoan, trò giỏi
Trước đó, vào 17 giờ ngày 2-7, các nữ sinh này tham gia hoạt động tình nguyện tại một số thôn, bản của huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Khi đi qua khu vực cầu Pắc Hoóc, thị trấn Bình Liêu, 3 nữ sinh đã bị lũ cuốn trôi.
Gia đình chuẩn bị tang lễ cho nữ sinh Nguyễn Thị Ngân (SN 1997) ở huyện Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG
Nhận được tin dữ, ngay trong đêm, gia đình Xoa đã đi ô tô về thẳng huyện Bình Liêu. Từ trên xe bước xuống, ông Vũ Văn Lũy (SN 1969) và bà Nguyễn Thị Song (SN 1971, bố và mẹ Xoa) chết lặng khi nhìn thấy thi thể cô con gái út.
“Hai hôm trước, con còn gọi điện về nhà bảo nhớ bố, nhớ mẹ, nhớ anh nhưng vì nặng lòng tình nguyện nên vài hôm nữa mới về. Con còn nói được học bổng nên về quê sẽ mua quà tặng bố mẹ. Vậy mà giờ đây sao ra nông nỗi này hả con...” - bà Song khóc gọi con gái.
Theo gia đình Xoa, ông Lũy đang làm thợ xây, còn bà Song làm ruộng. Xoa rất ngoan, hiếu thảo, sống tình cảm. Nhà khó khăn nhưng từ tiểu học đến THPT, Xoa đều là học sinh giỏi. Trong kỳ thi ĐH, Xoa xuất sắc đỗ 2 trường, sau đó chọn vào Trường ĐH Ngoại thương theo lời khuyên của bố mẹ.
Tại Bệnh viện Đa khoa Bãi Cháy (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), rất nhiều nước mắt của bạn bè, người thân đã rơi khi nhìn thấy thi thể nữ sinh Nguyễn Thị Hải và Nguyễn Thị Ngân.
Bà Nguyễn Thị Đạt (bác của Hải) kể bố nữ sinh này đã xin nghỉ hưu sớm để ra Hà Nội làm bảo vệ kiếm tiền nuôi con ăn học. Khi còn học THCS và THPT, Hải đều là học sinh giỏi.Vào ĐH, Hải là sinh viên giỏi và tích cực tham gia công tác xã hội. Hải rất chăm chỉ, một buổi đi học, một buổi phụ giúp mẹ bán hàng.
Còn chị Phạm Thị Lệ, chị họ của Ngân, cho hay nhờ thành tích học tập nổi bật, năm lớp 12, Ngân nhận được một suất du học Nhật Bản. Vì thương mẹ, Ngân đã ở lại Việt Nam, vừa học vừa đi làm gia sư kiếm thêm phụ gia đình. “Em ra đi ở tuổi quá trẻ, còn tương lai, bao nhiêu dự định để giúp đỡ bố mẹ...” - chị Lệ nức nở.
Rà soát lại hoạt động Mùa hè xanh
Một bạn học cho biết trước chuyến tình nguyện này, Hải tâm sự “sẽ cống hiến tuổi trẻ cho cuộc sống”. Trên Facebook cá nhân, Hải tỏ ra háo hức khi được tham gia hoạt động tình nguyện Mùa hè xanh. Nữ sinh này chia sẻ: “Những ngày này, ở Hà Nội như nóng hơn bao giờ hết bởi cái nắng chói chang len lỏi qua từng cánh hoa phượng cháy đỏ rực, hay vì mỗi người đang thấy trong lòng rạo rực một ngọn lửa vô hình giục giã bước chân”.
Ông Nguyễn Văn Triệu, Bí thư Đoàn Trường ĐH Ngoại thương, cho hay năm nào trường cũng tổ chức lực lượng hỗ trợ thi cử hay tham gia tình nguyện Mùa hè xanh tại các tỉnh xa. Để xảy ra sự cố, nhà trường rất đau xót bởi 3 nữ sinh gặp nạn đều là những sinh viên khá, giỏi và rất năng động trong các hoạt động tình nguyện.
“Trước khi tổ chức hoạt động tình nguyện, chúng tôi đã tham khảo rất kỹ địa bàn, tập huấn các kỹ năng và tuyển chọn em nào phù hợp mới được đi. Tuy nhiên, do hôm đó xảy ra mưa lớn, nước dâng cao, chảy xiết nên các em không kịp trở tay” - ông Triệu giải thích.
Theo ông Triệu, năm nay, trường đã tổ chức 19 đội sinh viên tình nguyện tham gia Mùa hè xanh tại nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc. Mỗi đội có khoảng 25 sinh viên.Riêng đội sinh viên tình nguyện tại thị trấn Bình Liêu - nơi có 3 sinh viên không may gặp nạn bị nước lũ cuốn trôi - có khoảng 21 người. Nhóm 21 sinh viên này đã có những hoạt động tình nguyện ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa nhằm tư vấn tuyển sinh, hỗ trợ pháp lý cho đồng bào dân tộc vùng cao, làm vệ sinh môi trường...
Sau sự cố đau xót xảy ra với 3 nữ sinh, nhà trường đã quyết định dừng toàn bộ hoạt động tình nguyện tại các tỉnh, thành. “Trong suốt 10 năm hoạt động tình nguyện, chưa bao giờ bản thân tôi và nhà trường lại tổn thất, mất mát lớn như vậy. Thật xót xa!” - ông Triệu bày tỏ.
Một lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh nhận định đây là sự cố đau lòng. Tới đây, tỉnh cũng sẽ đánh giá lại hoạt động tình nguyện Mùa hè xanh. Vị này khẳng định hoạt động tình nguyện của sinh viên các trường ĐH giúp đỡ học sinh, bà con vùng sâu, vùng xa rất hiệu quả. Việc Trường ĐH Ngoại thương dừng toàn bộ hoạt động tình nguyện là rất đáng tiếc.
Trao đổi với phóng viên, gia đình các nạn nhân cũng bày tỏ dù rất đau xót vì con em mình đã thiệt mạng khi tham gia hoạt động tình nguyện Mùa hè xanh nhưng sự ra đi của các nữ sinh không vô ích. Họ đã cống hiến tuổi trẻ cho cuộc sống này.
Hỗ trợ gia đình nạn nhân tổ chức hậu sự Ngày 3-7, tại nhà tang lễ Bệnh viện Bãi Cháy, bà Vũ Thị Thu Thủy và ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cùng đại diện huyện Bình Liêu, Tỉnh đoàn Quảng Ninh và Sở Giáo dục - Đào tạo đã đến hỗ trợ công tác lo hậu sự và chia buồn, động viên người thân của 3 sinh viên gặp nạn. Trước mắt, tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ mỗi gia đình nạn nhân 6 triệu đồng, huyện Bình Liêu hỗ trợ mỗi gia đình 6 triệu đồng, Tỉnh đoàn Quảng Ninh hỗ trợ mỗi gia đình 3 triệu đồng, Sở Giáo dục - Đào tạo hỗ trợ 1 triệu đồng. |