Mưa lũ bất thường ở miền Bắc một phần do "nhân tai"

Ngày 04/08/2015 11:40 AM (GMT+7)

Mặc dù mưa, lũ hiện tại là đúng quy luật nhưng hiện tượng mưa lớn cục bộ xảy ra trong phạm vi hẹp là điều khá bất thường trong đợt mưa này.

Mưa lũ kéo dài ở miền Bắc đã qua 10 ngày với lượng mưa đột biến ở Quảng Ninh lên tới 1.500mm, khắp các tỉnh miền Bắc ngập trong nước, sạt lở núi gây thiệt hại nặng nề. Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia chia sẻ về hiện tượng thiên tai bất thường này.

- Theo ông, mưa lũ hoành hành ở miền Bắc suốt 10 ngày qua với lượng mưa lên tới cả 1.500mm có bất thường?

- Mặc dù mưa, lũ hiện tại là đúng quy luật nhưng hiện tượng mưa lớn cục bộ xảy ra trong phạm vi hẹp là điều khá bất thường trong đợt mưa này. Thời điểm này hằng năm, các rãnh gió mùa xảy ra và gây mưa lớn khi di chuyển đến từng nơi. Hiện tượng này thường xảy ra vào tháng 7, tháng 8 hằng năm còn gọi là mưa gió mùa.

Mưa lũ bất thường ở miền Bắc một phần do quot;nhân taiquot; - 1

Nước ngập tràn khắp đường phố, khu xóm ở TP.Uông Bí sáng 2/8

Tuy nhiên, trong đợt mưa này có một số vấn đề cần phải tìm hiểu như khu vực mưa tập trung rất nhỏ, chủ yếu tập trung khu vực Cửa Ông, Hạ Long, Cô Tô của Quảng Ninh, trong khi khu vực Hòn Dấu, Bạch Long Vỹ ở Hải Phòng mưa không to.

Dù đợt mưa này có mối liên hệ với hệ thống gây mưa tại Ấn Độ, Myanmar... nhưng tâm mưa ở miền Bắc chập chờn, lúc thì Hạ Long, Cẩm Phả lúc lan sang Cửa Ông, Uông Bí, lúc lan xuống phía nam đồng bằng Bắc bộ rồi có lúc lại tập trung ở Điện Biên, Sơn La.

Thời tiết ngày càng trở nên cực đoan, khắc nghiệt hơn mà chúng ta không thể thờ ơ, coi thường. Trong nhiều năm gần đây, chúng ta liên tục đón nhận những hình thái thời tiết khác lạ hơn so với trước. Ngay từ đầu năm 2015 đến nay, các hiện tượng thời tiết cực đoan vẫn tiếp diễn đòi hỏi chúng ta cần có những giải pháp thật chủ động để “sống chung” hoặc ứng phó hợp lý.

- Có một điểm khác thường nữa là, hiện đã sang đầu tháng 8 nhưng bão, áp thấp nhiệt đới ít xuất hiện trong khi dường như mưa nhiều hơn?

- Ngay từ đầu năm, cơ quan khí tượng đã đưa ra bản dự báo số lượng cơn bão năm nay sẽ ít, đến thời điểm này mới chỉ có 2 cơn bão trong khi mọi năm là 4 - 5 cơn, nguyên nhân là do ảnh hưởng của dấu hiệu El Nino.

Mưa lũ bất thường ở miền Bắc một phần do quot;nhân taiquot; - 2

Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia

Điều mà tôi muốn nói là, từ trước tới nay hầu như chúng ta quan niệm chỉ có bão và áp thấp nhiệt đới mới gây nguy hiểm cho tính mạng người và tài sản, nhưng qua thực tế các cơn bão lớn và nhỏ trong những năm gần đây cho thấy, những thiệt hại trong khi bão đổ bộ đều rất ít. Tuy nhiên sau đó, những thiệt hại như chết người, sạt lở đất đá vùi lấp nhà cửa, hoa màu, trang trại chăn nuôi, đường sá, cầu cống… lại chủ yếu diễn ra trong các đợt mưa hoàn lưu sau bão và áp thấp nhiệt đới.

Bởi không ít người dân và địa phương có tâm lý coi thường mưa lũ, coi mưa gió là “chuyện thường ngày của nhà nông”; công tác quản lý theo dõi không tốt cũng sẽ gây những thiệt hại nặng nề về hoa màu nông sản, công trình xây dựng…

- Dường như hiện tượng lũ, lũ quét, sạt lở đất… ngày càng diễn ra nghiêm trọng hơn?

Bây giờ chỉ mưa lớn theo mùa cũng gây thiệt hại vì môi trường của chúng ta đã bị thay đổi quá nhiều so với trước. Đợt mưa đang diễn ra ở miền Bắc là lịch sử, nhưng cũng không ít trận mưa chỉ 150 - 200mm cũng gây sạt lở, đất đá từ núi vùi vào nhà dân, gây thiệt mạng… vì hệ sinh thái như rừng bị tàn phá trên diện rộng, công trình xây dựng, công trình giao thông… đang thi công ở khắp nơi, đất bị xói mòi, kết cấu lỏng lẻo nên chỉ mưa khoảng 2 - 3 ngày liên tục là nứt và sạt lở.

Đất trống đồi trọc cũng làm cho độ dốc dòng chảy lớn, lũ về nhanh hơn, nguy hiểm hơn. Hệ sinh thái (rừng, hồ điều hòa tự nhiên, sông ngòi) và các hiện tượng thời tiết như mưa lũ bão có mối quan hệ liên hoàn, vốn dĩ mang tính cân bằng nhưng chỉ cần quy hoạch sai, làm mất cân bằng sẽ gây đảo ngược quy luật.

Trong khi đó, ở các tỉnh đồng bằng như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội… đô thị cũng phát triển mạnh mẽ. Đô thị hóa đã phá vỡ quy hoạch và làm xáo trộn hệ sinh thái, rừng bị mất, khai thác khoáng sản, hệ thống tiêu thoát thủy lợi xuống cấp, không đồng bộ… Đành rằng thảm họa vừa xảy ra là do thiên tai nhưng cũng có một phần do “nhân tai”, nếu không muốn nói là 50 - 50.

Hải Thanh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot