Mức tăng giá điện EVN đề xuất quá cao

Ngày 05/03/2015 08:09 AM (GMT+7)

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề xuất các phương án tăng giá điện với mức tăng nằm trong phạm vi 7-10%. Bộ Công Thương đang nghiên cứu để báo cáo Chính phủ trong tháng 3 này, trong đó mức tăng cỡ khoảng 9,5%. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nếu giá điện tăng trong mức này là quá cao…

Tăng giá điện là hợp lý?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trước Tết Nguyên đán đã hội đủ điều kiện để tăng giá điện nhưng Thủ tướng đã ra chỉ đạo không được tăng giá vì lo ngại sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người dân.

“Đề xuất tăng giá điện của EVN là hoàn toàn hợp lý khi các yếu tố cấu thành giá điện đã tăng lên. Cụ thể, giá than đến thời điểm này đã tăng tới 22%, trong khi lượng điện do sản xuất nhiệt điện chiếm 32,7%. Giá khí cũng đã tăng rất nhiều lần trong năm 2014, rồi tỷ giá bình quân cũng tăng, thuế tài nguyên nước cũng tăng từ 2 lên 4%... khiến cho giá điện đang thấp hơn giá thành”- ông Hải cung cấp thêm lý do để giá điện tăng.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, giá xăng dầu sụt giảm thời gian qua gần như không có tác động nhiều tới ngành điện bởi điện sản xuất bằng xăng dầu chỉ chiếm 0,55%. So sánh với các nước khác, Thứ trưởng Hải cho biết, giá điện của Việt Nam đang thấp hơn nhiều, nếu so với Philippines, chúng ta vẫn kém tới xấp xỉ gấp 3 lần, Singapore cũng kém gấp gần 3 lần. “Trong khi năng suất lao động ở Việt Nam ở ngành điện thấp, hao tốn điện năng cũng cao hơn so với các nước khác mà chúng ta vẫn duy trì được mức giá điện như hiện nay là rất cố gắng rất lớn”– ông Hải nhận định.

 Mức tăng giá điện EVN đề xuất quá cao - 1

Giá điện qua 9 lần tăng giá và dự kiến lần tăng thứ 10 tới đây sẽ  lên mức 1.508,85 đồng/KWh. Huy Hùng 

Trước đó, ông Hải cho biết, EVN đã đề xuất các phương án tăng giá điện với mức cao nhất là 9,5%, hai mức còn lại thấp hơn. “Bộ Công Thương đang tiến hành kiểm tra, thẩm định phương án giá điện năm 2015 do EVN đề xuất, báo cáo Thủ tướng trong tháng 3 này”- người phát ngôn của Bộ này cho hay.

Đừng để mất đi thành quả…

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, với những phát biểu của cơ quan chủ quản như trên thì chắc chắn giá điện sẽ tăng mạnh lên tới đây. Ông Long nói: "Nếu chi phí đầu vào tăng, việc tăng giá điện là tất yếu. Tuy nhiên, băn khoăn của tôi vẫn là mức tăng giá điện mạnh như vậy có tương ứng với chi phí đầu vào không, EVN có minh bạch được chi phí đầu vào của mình và nhà đèn đã làm gì để giảm áp lực tăng giá khi khoản nợ treo còn rất khổng lồ?!”.

Ông Long phân tích, EVN đề xuất mức tăng giá điện tới 9,5% là quá cao. Việc EVN và cơ quan chủ quản (Bộ Công Thương) nói chi phí đầu vào tăng cao cần phải có cơ quan kiểm toán độc lập kiểm toán, chứ không thể để bộ chủ quản kiểm soát, như vậy là không khách quan. Còn cơ quan thẩm định là Bộ Tài chính cũng khó để đánh giá hết đầu vào của ngành điện. “Việc lấy giá điện các nước để so sánh với giá điện của ta là khập khiễng, bởi cơ cấu giá thành điện của Việt Nam khác các nước trong khu vực"- ông Long nói.

TS Ngô Trí Long còn cho rằng, sau tết cũng là thời điểm khá nguy hiểm để tăng giá điện. Bởi tăng giá điện là vấn đề rất nhạy cảm, ảnh hưởng đến đời sống mọi người dân và toàn bộ nền kinh tế. "Lạm phát thời gian qua liên tục giảm, kể cả dịp tết, cho thấy sức mua thấp, thu nhập của người dân thấp, nên họ hạn chế chi tiêu, do đó doanh nghiệp còn khó khăn. Vì thế, khi tăng giá điện dù là sau tết nhưng tới gần 10% sẽ khiến các doanh nghiệp khó khăn càng khó khăn, khả năng cạnh tranh càng thấp, người dân cũng khó khăn hơn và càng thắt chặt chi tiêu. “Một bức tranh kinh tế như thế là tác động rất lớn khi mức tăng giá điện quá lớn, liệu cơ quan nhà nước có tính đến để có giải pháp?!”- ông Long phân tích.

Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cũng cho rằng, lạm phát thấp tạo cơ hội dư địa chính sách lớn cho Chính phủ trong việc điều hành giá điện tới đây để tự do hóa ngành này và thu hút đầu tư. Trong 5 tháng qua, giá cả đã giảm bình quân 0,2% so với tháng trước. Đến tháng 1.2015, lạm phát tăng ít khoảng 0,9% so với cùng kỳ năm trước trong khi tháng 1.2014 là 6,5%, còn tháng 2 lạm phát tiếp tục giảm 0,05%. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng, dù lạm phát thấp là cơ hội lớn để tăng giá điện song nếu giá điện tăng tới 9,5-10% là quá cao. Nếu không có các giải pháp khác đi kèm có thể sẽ ảnh hưởng lớn tới thành quả kiềm chế lạm phát thời gian qua bởi giá cả nhiều hàng hóa, chi phí sẽ tăng lên nếu giá điện tăng mạnh…

Từ năm 2007, đến nay, giá điện đã trải qua 9 lần tăng giá, trong đó 4 lần tăng liên tiếp trong 2 năm qua đều chỉ ở mức 5% mỗi lần tăng.  Với tỷ lệ khoảng 9,5% cho bước kiến nghị tăng thứ 10 này, đây sẽ là mức tăng cao nhất trong 3 năm qua. Giá điện bình quân mới, theo phương án này dự kiến sẽ là 1.652,19 đồng/kWh, tăng thêm 146,34 đồng/kWh so với hiện nay.

Khó thu hút đầu tư nếu giá điện không phù hợp

Ngay cả khi đã thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí, như xử lý các tài sản không thiết yếu, cắt giảm lao động, cải tạo các nhà máy điện cũ và tăng năng suất lao động, thì cũng không đủ để giải quyết các thách thức về tài chính của EVN. Giá điện vẫn là “nút thắt” quan trọng nhất. Tóm lại, EVN hoàn toàn có khả năng và sẽ phải giảm chi phí giá thành sản xuất điện, nhưng việc điều chỉnh giá điện vẫn là việc phải làm. Trong 5 năm tới đây, tổng vốn đầu tư cho các dự án điện sẽ phải vào khoảng 7,5 tỷ USD/năm và 70% số vốn này phụ thuộc vào khu vực tư nhân thông qua các dự án nhà máy điện độc lập. Việt Nam không thể thu hút được đầu tư cho nguồn điện nếu giá điện không phù hợp.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB)

Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam: Cần sớm giảm giá thành điện

Giá điện tăng là cần thiết để bù đắp các chi phí đầu vào tăng. Còn mức tăng dự kiến từ 7-10% có phù hợp với chi phí đầu vào tăng hay không tôi cho rằng, vì cơ quan chức năng chưa phê duyệt phương án cụ thể, nên không thể nói là có phù hợp hay chưa. Tôi cho rằng chúng ta cũng không nên lo việc giá thành điện có thể sẽ có tính các chi phí không cấu thành giá điện vào bởi cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm thẩm tra, kiểm tra. Theo tôi, giá thành điện có nhiều cơ quan giám sát, EVN sẽ không thể gian lận được.

Về việc giảm giá thành điện, đúng là ngành điện hiện đang hoạt động chưa hiệu quả, cần có những giải pháp đồng bộ để giảm giá thành để giảm áp lực tăng giá điện. Như hiện EVN có tới 110.000 người làm trong ngành điện, khâu thu tiền cũng còn thủ công, làm lãng phí nhân lực. Hay mức tổn thất điện năng 8,6% là quá cao, EVN cần phải có biện pháp giảm tổn thất điện năng…

Nguyễn Phương (ghi)

Theo Mai Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot