Mỹ tung ra nguồn lực lớn nhất từ trước tới nay để đối phó với nguy cơ từ đại dịch Ebola đang lây lan khủng khiếp.
Ngày 16/9, các quan chức Mỹ cho hay Tổng thống Barack Obama sẽ thông báo kế hoạch mới nhằm dẫn đầu cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch Ebola đang hoành hành khủng khiếp ở Tây Phi và có nguy cơ đe dọa toàn nhân loại.
Mỹ sẽ điều 3.000 binh sĩ để đối phó với đại dịch Ebola
Kế hoạch này sẽ được ông Obama đưa ra chi tiết trong chuyến thăm tới Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) tại Atlanta. Theo đó, Mỹ sẽ triển khai 3.000 binh sĩ và chi 500 triệu USD từ ngân sách quốc phòng để đối phó với đại dịch Ebola.
Theo các quan chức Mỹ, ông Obama tin rằng để có thể kiểm soát được đại dịch Ebola, Mỹ phải “dẫn đầu” nỗ lực toàn cầu ngăn chặn sự lây lan khủng khiếp của loại virus chết người này.
Hiện CDC đã tung ra nguồn lực lớn nhất để đối phó với Ebola khi cử hơn 100 nhân viên đến Tây Phi và chi 175 triệu USD để giúp đỡ các quốc gia ở đây chiến đấu với đại dịch. Nỗ lực này của CDC sẽ được tăng cường bằng các hoạt động hậu cần, chỉ huy và kiểm soát, y tế và kỹ thuật của Bộ Tư lệnh châu Phi của quân đội Mỹ.
Bộ Quốc phòng Mỹ đang tìm cách “tái phân bổ” 500 triệu USD từ các chiến dịch khẩn cấp trên thế giới để phục vụ cho nhiệm vụ chiến đấu chống lại Ebola. Ông Obama cũng yêu cầu Quốc hội Mỹ phê chuẩn khoản ngân sách 88 triệu USD để đẩy nhanh việc sản xuất các loại thuốc thử nghiệm điều trị Ebola.
Trong khi đó, Lầu Năm Góc sẽ chuyển 130.000 bộ quần áo bảo hộ, hàng ngàn bộ thiết bị xét nghiệm, hai phòng thí nghiệm di động và một bệnh viện dã chiến 25 giường tới khu vực nhiễm bệnh ở Tây Phi.
Ebola đang lây lan với tốc độ khủng khiếp ở Tây Phi
Lực lượng công binh của Bộ Tư lệnh châu Phi sẽ xây dựng thêm các cơ sở điều trị và thiết lập một trung tâm huấn luyện để đào tạo cho 500 nhân viên y tế mỗi tuần. Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ sẽ vận chuyển bằng máy bay hàng ngàn trang thiết bị y tế và khử trùng tới các khu vực dân cư nơi xảy ra dịch Ebola.
Chiến dịch mang tên Hỗ trợ Thống nhất này sẽ đặt sở chỉ huy ở Monrovia, Liberia, nơi đại dịch Ebola diễn biến tồi tệ nhất và có tốc độ lây lan nhanh nhất, và toàn bộ chiến dịch sẽ được đặt dưới sự điều phố của một tướng lục quân Mỹ.
Hồi tuần trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đã có 4.366 ca nhiễm Ebola ở Tây Phi, trong đó có 2.218 người thiệt mạng. Điều khiến các chuyên gia y tế lo lắng nhất là tốc độ lây lan của Ebola ngày càng khủng khiếp bất chấp các nỗ lực của quốc gia và quốc tế.
WHO dự đoán trong vài tuần tới sẽ có thêm “hàng ngàn” người nhiễm Ebola và kêu gọi cộng đồng quốc tế “nỗ lực theo cấp số nhân” để tăng cường đối phó với đại dịch.