Liên Hiệp Quốc (LHQ) hôm 3-12 cho hay năm 2014 đang trở thành năm nóng nhất kể từ khi việc thống kê nhiệt độ toàn cầu được bắt đầu vào năm 1850.
Theo Cơ quan Khí tượng Thế giới của LHQ (WMO), nhiệt độ trung bình toàn cầu trên bề mặt đất liền và mặt biển trong 10 tháng đầu năm 2014 cao hơn 0,57 độ C so với mức trung bình 14 độ C trong giai đoạn 1961-1990. Nếu xu hướng này tiếp diễn trong 2 tháng còn lại, năm 2014 sẽ trở thành năm nóng nhất kể từ khi các con số đáng tin cậy về nhiệt độ toàn cầu bắt đầu được ghi nhận vào năm 1850.
WMO cho biết 14/15 năm có mức nóng kỷ lục thuộc thế kỷ 21, tính luôn cả năm 2014. Tổng Thư ký WMO Michel Jarraud khẳng định: “Không có dấu hiệu cho thấy trái đất sẽ ngưng nóng thêm lên. Điều khác thường và đáng báo động trong năm nay là nhiệt độ trên bề mặt một khu vực rộng lớn của đại dương ở mức cao kỷ lục, bao gồm cả bắc bán cầu”.
Trái đất nóng dần lên khiến một số khu vực bị hạn hán nặng. Ảnh: Reuters
Christiana Figueres, Thư ký điều hành Công ước Khung của LHQ về Biến đổi khí hậu (UNFCCC), cho rằng nhiệt độ gia tăng là tin xấu, cho thấy cần có hành động cấp thiết hạn chế sự gia tăng của khí thải nhà kính. Khoảng 95% các nhà khoa học đồng ý rằng nhiệt độ tăng lên từ giữa thế kỷ 20 phần lớn là do con người gây ra.
Trước tình trạng trên, đại diện của 190 quốc gia đang nhóm họp tại thủ đô Lima - Peru từ ngày 1-12 để bàn về vấn đề biến đổi khí hậu, hướng đến hiệp ước về khí thải toàn cầu dự kiến sẽ được thông qua vào năm tới. Sự chia rẽ giữa các quốc gia giàu và nghèo đã làm chậm quá trình đàm phán trong những năm qua. Tuy nhiên, một thỏa thuận cắt giảm khí thải mà Mỹ và Trung Quốc đạt được hồi tháng rồi đã làm gia tăng hy vọng hội nghị kéo dài 2 tuần ở Peru sẽ đạt được tiến triển khả quan hơn.