Một bài toán nhưng được hiểu theo 2 cách khác nhau là khúc gỗ và cây gỗ khiến cho học sinh mặc dù trả lời đúng vẫn bị giáo viên gạch sai.
Các bậc phụ huynh lại có dịp tranh cãi nhau gay gắt vì bài toán hai bác thợ cưa cây gỗ của học sinh cấp 1. Có người thì cho rằng đáp án của học sinh sai nhưng cũng không ít người thẳng thắn chê giáo viên nhầm, chủ quan và đáng buồn. Cho đến giờ, đáp án bài toán vẫn chưa có "hồi kết".
Bài toán như sau: "Hai bác thợ cưa một cây gỗ dài 7m thành những đoạn dài 1m. Cứ 12 phút thì cưa xong một đoạn. Hỏi cưa cả cây gỗ đó hết bao lâu?
Học sinh đã đưa ra đáp án là cưa cả cây gỗ hết 72 phút với phép tính "12 phút x 6 đoạn".
Tuy nhiên, bài giải này đã bị giáo viên gạch sai. Theo giáo viên này, cây gỗ phải cưa thành 7 lần để được 7 đoạn và tổng thời gian cưa cả cây gỗ sẽ là "12 phút x 7 đoạn = 84 phút".
Bài toán gây tranh cãi. (Ảnh Facebook)
Chia sẻ quan điểm của mình, nhiều phụ huynh cho biết bài giải của em học sinh đúng vì chỉ cần 6 lần cưa sẽ được 7 đoạn gỗ với thời gian 72 phút. Tuy nhiên, một số người lại đồng tình với giáo viên vì đây là cây gỗ chứ không phải khúc gỗ như cách nghĩ của học sinh.
Trao đổi với PV về bài toán này, thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh (Giảng viên Trường Quốc tế Việt-Úc tại TP.HCM) cho biết, bài toán cưa gỗ gây tranh cãi vì ngôn từ trong đề bài không rõ ràng. "Cây gỗ" và "khúc gỗ" có thể hiểu như nhau hoặc khác nhau tùy theo vùng miền. Vì vậy, khi viết cây gỗ có thể hiểu đó là một cây còn nguyên gốc rễ từ mắt đến tận ngọn là 7m (như cô giáo hiểu) hoặc là một đoạn không gốc (như học sinh hiểu).
Dù vậy, cũng có thể hiểu cây gỗ và khúc gỗ là như nhau. Ví dụ ra hàng bán gỗ bảo "Cho tôi một cây gỗ 4x10" chẳng hạn. Thế nên nếu cây gỗ bằng khúc gỗ thì học sinh giải đúng nhưng chưa hoàn chỉnh vì không giải thích số 6 ở đâu ra.
Tóm lại, không phải học sinh hay giáo viên sai vì mỗi người có cách hiểu của mình. Người sai ở đây là người biên soạn sách đã không cẩn thận trong việc dùng ngôn từ làm cho bài toán cưa gỗ trở nên thiếu chặt chẽ.
Vị thạc sĩ này bày tỏ thêm: "Với kiểu bài toán thiếu cẩn trọng như thế này thì thật tốn giấy mực để in ra sách. Thứ 2 là làm cho giáo viên, phụ huynh và học sinh rối tinh rối mù lên không biết đường nào mà lần. Những bài toán đó cho thấy một sự thật hết sức đau lòng rằng giáo dục đang bị thương mại hóa trầm trọng. Người viết, người duyệt không cần quan tâm đến chất lượng sản phẩm mà chỉ cần đến lợi nhuận. Tự hỏi còn có bao nhiêu quyển sách kiểu như vậy đang được xuất bản trên thị trường và trách nhiệm quản lý thuộc về ai?".
Bài liên quan: Bài toán đố lớp 3 khiến người lớn đau đầu Bài toán “đầu cừu đuôi thuyền trưởng”: Chuyên gia nói gì? |