Khi bố mẹ cấm dùng facebook, bé trai 14 tuổi bị co giật phải đưa đến Bệnh viện Bạch Mai thăm khám.
TS Nguyễn Doãn Phương – Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, viện đã tiếp nhận và tư vấn cho không ít trường hợp rơi vào trạng thái trầm cảm, ảo giác, hoang tưởng vì Facebook.
Điển hình là cháu L.C.H. (14 tuổi) bị nghiện facebook đã nhiều năm, việc sử dụng quá nhiều mạng xã hội khiến kết quả học tập bị giảm sút nghiêm trọng.
Thấy vậy, bố mẹ cháu H. đã thu điện thoại, cấm dùng mạng xã hội. Tưởng chừng việc làm đó của bố mẹ sẽ giúp con rời xa được thế giới ảo, nhưng mọi thứ lại diễn ra trái ngược hoàn toàn.
TS Nguyễn Doãn Phương - chia sẻ về trường hợp nhập viện do dùng Facebook.
Ngay sau khi bị thu điện thoại, cháu H. đã lên cơn co giật và phải đưa đến Bệnh viện Bạch Mai thăm khám. Tại đây, cháu H. được chuyển sang Viện Sức khỏe Tâm thần và được chẩn đoán bị rối loạn phân ly.
“Sau khi được các bác sĩ điều trị, đồng thời tư vấn cho gia đình cách quan tâm, cũng như việc hướng dẫn cho con sử dụng mạng xã hội làm sao cho hợp lý. Sau khoảng 2 tuần cháu dẫn ổn định và hiện đã quay trở lại cuộc sống bình thường”, TS Phương thông tin.
Một trường hợp khác cũng được TS Phương chia sẻ, đó cũng là một học sinh đang học cấp II, nghiện Facebook đến mức quên ăn, quên ngủ.
“Theo lời kể của gia đình cháu bé thì, cứ đi học về là cháu lại dùng Facebook liên tục, thậm chí còn nhốt mình trong phòng vì không muốn ai quấy rầy.
Nhiều hôm bố mẹ gọi ăn cơm cháu cũng không nghe và không cần ăn. Sau khi kiểm tra việc sử dụng trang cá nhân của cháu thì được biết, cháu chỉ lướt xem tin tức và "chat" với bạn bè chứ không có mục đích nào khác”, TS Phương kể.
Khi thấy con nghiện đến mức mất ăn, mất ngủ, tinh thần hoảng loạn, sút cân…gia đình mới đưa đến viện khám thì phát hiện trong đầu cháu đã có biểu hiện ảo thanh mức độ nhẹ, trong đầu luôn có người nhắc là phải vào Facebook.
Dùng Facebook không mục đích trong thời gian dài dễ mắc bệnh.
Sau khi phát hiện ra bệnh, các bác sĩ vừa điều trị vừa hướng dẫn gia đình cách tiếp cận để đưa con “thoát” khỏi thế giới ảo, cùng với đó là dùng liệu pháp tâm lý. Hiện cháu đã giao tiếp tốt, đi học hòa nhập với bạn bè.
Từ những trường hợp trên, TS Nguyễn Doãn Phương cho rằng, hiện nay nhiều người cho rằng mình đang bị nghiện internet, nhưng thực tế chỉ những người dùng Facebook không rõ mục đích mới được coi là nghiện.
“Khi thấy người thân có các dấu hiệu như đã cố gắng cắt giảm việc sử dụng Facebook mà không thành công, hoặc luôn cảm thấy 1 sự thúc giục sử dụng ngày càng nhiều.
Kèm theo đó là có cảm giác bồn chồn hoặc gặp rắc rối nếu bị cấm sử dụng thì nên đưa đến các cơ sở chuyên khoa thăm khám”, TS Phương khuyến cáo.
Theo TS Phương, hiện chưa có nghiên cứu nào đưa ra phương pháp điều trị cho chứng nghiện Facebook, hơn nữa cũng chưa được ghi nhận là một mã bệnh trong ngành tâm thần học. Vì thế, khi người nghiện facebook xuất hiện những triệu chứng như, mệt mỏi, mất ngủ, trầm cảm, ảo thanh…thì cần phải đi khám và tuân thủ điều trị theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.