Chuyên gia Song Hà cho biết, cúng Rằm tháng Giêng tốt nhất là cúng đúng ngày, ngoài ra cũng nên chọn giờ đẹp để cúng.
Rằm tháng Giêng hay còn gọi Tết Nguyên tiêu (ngày rằm đầu tiên của năm) được xem là một trong những lễ Tết quan trọng nhất của người Việt. Theo quan niệm dân gian, người Việt ta vẫn thường nói ''Giỗ Tết cả năm không bằng Rằm tháng Giêng'', vì thế việc cúng Răm tháng Giêng luôn được coi trọng để mong mọi việc cả năm được hanh thông, “đầu xuôi đuôi lọt”.
Năm Tân Sửu 2021, ngày Rằm tháng Giêng (15 tháng 1 Âm lịch) rơi vào ngày thứ 6 (ngày 26/2 Dương lịch), do không trùng vào ngày cuối tuần nên nhiều gia đình tùy thuộc vào công việc, điều kiện sinh sống thường thực hiện nghi lễ cúng rằm trước. Việc cúng rằm trước liệu có làm mất đi tài lộc, ý nghĩa hay không là câu hỏi được nhiều người đặt ra.
Cúng rằm nên thực hiện xong trước 13 giờ ngày 15 tháng 1 Âm lịch.
Chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà (Viện Nghiên cứu Bảo tồn văn hóa và phát triển phương Đông) cho biết, hiện nay có rất nhiều gia đình thực hiện nghi lễ cúng rằm trước ngày 15 tháng 1 Âm lịch. Điều này phụ thuộc vào điều kiện thời gian, sinh hoạt và công việc của mỗi người, mỗi gia đình.
Tuy nhiên, cúng Rằm tháng Giêng tốt nhất là nên cúng vào đúng ngày rằm (tứ 15 tháng 1 Âm lịch), điều này đã được đúc rút từ nhiều đời nay. Quan niệm từ nhiều đời nay vẫn thường hay nói rằng trong năm chọn lấy một ngày, trong một ngày chọn lấy một giờ, vì thế ngoài việc làm đúng ngày thì việc chọn giờ làm lễ cúng rằm cũng rất quan trọng.
Đối với năm Tân Sửu 2021, nếu cúng đúng ngày rằm thì giờ tốt nhất là giờ Nhâm Ngọ (tức từ 11h đến 13h), đây là thời khắc mà dân gian cho rằng Thần Phật giáng thế chứng nghiệm cho lòng thành của gia chủ.
Trong xã hội hiện đại, với bộn bề công việc lo toan, chuyên gia Song Hà cũng chia sẻ việc cúng lễ mục đích chính là phải thể hiện được lòng thành ở cái tâm của gia chủ. Bởi vậy, trường hợp không thể cúng đúng ngày rằm thì vẫn có thể cúng trước được.
Theo đó, ngày 14 Âm lịch cũng có thể cúng được, còn nếu cúng ngày 13 Âm lịch thì nên cúng trong khoảng giờ 5h-7h (Minh Đường); 11h-13h (Kim Quỹ). “Việc cúng rằm có thể thực hiện trước hoặc đúng ngày nhưng mọi việc nên hoàn thành trước 13h ngày chính rằm, tức 15 tháng 1 Âm lịch”, chuyên gia Song Hà cho hay.
Đối với lễ cúng, ngày Rằm tháng Giêng các gia đình thường sắm lễ cúng phật và cúng gia tiên. Việc sắm lễ cúng tùy thuộc vào phong tục vùng miền nên trên mâm cỗ cúng sẽ có những món ăn khác nhau. Điều phải lưu ý là đối với lễ cúng phật thì không nên có đồ ăn mặn, không cúng đồ sát sinh mà chỉ cúng đồ chay tịnh, cùng hương hoa đèn nến.
Khi cúng rằm nên bày lễ chay, lễ mặn riêng biệt.
Đối với cúng gia tiên thì có thể cúng các món mặn, việc chuẩn bị các món để cúng gia tiên tùy điều kiện gia đình và phong tục mỗi nơi nhưng không cần thiết phải cúng “mâm cao, cỗ đầy” để tránh lãng phí, cúng lễ điều quan trọng nhất là thành tâm.
Trong việc bày mâm cúng Rằm tháng Giêng, các gia đình cần phải lưu ý với lễ vật cúng của lễ Phật và lễ gia tiên cần để riêng, tuyệt đối không để chung đồ lễ mặn, chay, hoa quả trên bàn thờ hoặc dùng lẫn lộn đồ cúng.
Hơn nữa, trong ngày này, nhiều gia đình có tâm niệm rằng phải đốt nhiều vàng mã gửi người cõi âm mới là thành tâm. Điều này là không đúng khi vừa lãng phí tiền của vừa gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường.
Tham khảo bài cúng Rằm tháng Giêng theo “Văn khấn cổ truyền Việt Nam” - NXB Văn hoá Thông tin: - Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương. - Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần. - Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần. - Con kính lạy Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Thúc Bá Đệ Huynh, Cô Di, Tỷ Muội họ nội họ ngoại. Tín chủ (chúng) con là: … Ngụ tại: … Hôm nay là ngày Rằm tháng Giêng năm…, gặp tiết Nguyên tiêu, tín chủ con lòng thành, sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, dâng lên trước án. Chúng con kính mời ngày Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long mạch, Tài thần. Cúi xin các ngài linh thiêng nghe thấu lời mời, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật. Chúng con kính mời các các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ… nghe lời khẩn cầu, kính mời của con cháu, giáng về chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật. Tín chủ con lại kính mời ông bà tiền chủ, hậu chủ tại gia về hưởng lễ vật, chứng giám lòng thành phù hộ độ trì cho gia chung chúng con được vạn sự tốt lành. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng an bình. Khấn xong, vái 3 vái. |