Tết Nguyên Tiêu 2021 là ngày gì? Cách chuẩn bị lễ, bài cúng Rằm tháng Giêng

K.T - Ngày 25/02/2021 07:00 AM (GMT+7)

Tết Nguyên Tiêu là ngày Tết đặc biệt diễn ra hàng năm theo âm lịch của người Việt Nam cũng như người Trung Quốc và châu Á nói chung. Thế nhưng liệu bạn có biết Rằm tháng giêng là ngày gì và ý nghĩa ra sao chưa?

Tết Nguyên Tiêu là ngày gì?

Tết Nguyên Tiêu còn có tên gọi khác là Hội Thượng Nguyên, Rằm tháng Giêng, đây là ngày hội trăng rằm đầu tiên của năm mới, trong đó: “Nguyên” có nghĩa là bắt đầu, đầu tiên; còn “Tiêu” có nghĩa là ban đêm. Chính vì lẽ đó mà Tết Nguyên Tiêu chính là ngày rằm tháng Giêng, có tầm quan trọng và sức ảnh hưởng không thua kém gì Tết cổ truyền. Bởi thế ông cha ta mới có câu nói: “Lễ phật quanh năm cũng thể nào bằng được cúng rằm tháng Giêng”.

Trong dịp lễ Tết Nguyên Tiêu, mọi người đều dâng lễ để bày tỏ lòng thành kính đối với các vị thần, các bậc tổ tiên. Để từ đó có thể cầu mong một năm mới gặp nhiều điều tốt lành, may mắn và làm ăn khấm khá. Vào ngày này, tùy theo từng phong tục của từng địa phương mà có nơi sẽ thả đèn hoa đăng, có nơi sẽ trình diễn múa lân, thả đèn trời, lắp đèn lồng với đủ hình dáng, màu sắc,...

Tết Nguyên Tiêu 2021 là ngày gì? Cách chuẩn bị lễ, bài cúng Rằm tháng Giêng - 1

Người dân vui chơi tấp nập vào ngày Tết Nguyên Tiêu

Tết Nguyên Tiêu năm 2021 vào ngày nào?

Tết Nguyên Tiêu năm 2021 sẽ diễn ra vào ngày rằm tháng Giêng âm lịch (15/01), tính theo lịch dương thì sẽ vào ngày 26/02/2021. Do đó mà bạn hãy chú ý đến lịch để có thể sắp xếp thời gian sắm lễ, sửa soạn để cúng bái cho phù hợp.

Nguồn gốc, sự tích Tết Nguyên Tiêu

Tết Nguyên Tiêu vốn là ngày lễ có nguồn gốc từ Trung Quốc, sau này được du nhập văn hóa qua các nước trong khu vực châu Á và được thay đổi sao cho phù hợp với văn hóa của mỗi quốc gia. Chính vì lẽ đó mà sự tích Tết Nguyên Tiêu có ít nhiều khác biệt chứ không chỉ có một câu chuyện duy nhất.

Sự tích phổ biến nhất về Tết Nguyên Tiêu có thể kể đến câu chuyện sau đây:

Xưa kia, có một cặp thiên nga trên trời được Ngọc Hoàng thượng đế vô cùng yêu thích. Vào một ngày đẹp trời, cặp thiên nga đó xuống hạ giới chơi đùa, vô tình chúng đã bị sát hại bởi một người thợ săn. Ngọc Hoàng vô cùng tức giận, thay vì chỉ trừng phạt riêng người thợ săn đó, ngài đã trừng phạt lên tất cả loài người ở dưới hạ giới, vì cho rằng con người ai cũng giống như nhau.

Thế là cứ vào ngày 15/1 hàng năm, Ngọc Hoàng phái thiên binh thiên tướng kéo xuống dưới hạ giới, phun lửa để thiêu rụi hoa màu, đất đai nhằm không cho con người canh tác, trồng trọt. Tuy nhiên, các vị thần tiên ở trên trời không hề đồng tình với cách làm độc ác đó của Ngọc Hoàng. Họ lén xuống dưới hạ giới, bày cho con người cách treo đèn lồng đỏ và đốt pháo hoa. Từ đó Ngọc Hoàng tưởng nhầm là đã phóng hỏa thiêu đốt nhà cửa, đất đai của con người mà ra lệnh lui binh. Nhờ vậy mà con người ở hạ giới thoát khỏi cảnh lầm than.

Từ đó trở đi, cứ vào ngày rằm tháng Giêng (15/01) hàng năm, nhà nhà lại treo đèn lồng đỏ, đốt pháo hoa và cùng nhau sum họp gia đình, nấu cỗ và dâng lễ vật lên các vị thần linh để cảm tạ, tỏ lòng thành kính và biết ơn, cầu mong sự may mắn và no đủ cho một năm mới.

Ý nghĩa Tết Nguyên Tiêu

Rằm tháng Giêng được xem như là một trong những ngày lễ vô cùng quan trọng sau khi dịp Tết cổ truyền diễn ra. Bởi vì đây là ngày để bày tỏ lòng thành kính, hiếu thảo của con cháu đến các vị thần linh, tổ tiên của dòng họ. Từ đó cầu may mắn, thành công, sức khỏe cho một năm làm việc sắp tới.

Ngoài ra xưa kia ngày Tết Nguyên Tiêu vốn là ngày mà vua mở tiệc chiêu đãi các quan khách, mời các vị Trạng Nguyên tham gia để trổ tài làm thơ, bàn luận và ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời,... Do đó mà Tết Nguyên Tiêu còn mang ý nghĩa tượng trưng cho sự tao nhã, vui vẻ, thoải mái, cùng thưởng lãm cảnh vật trữ tình, nên thơ và cùng nhau thư giãn bên cạnh các hoạt động giải trí dưới ánh trăng như đốt đèn, làm thơ, ngắm trăng, ăn uống,...

Tết Nguyên Tiêu 2021 là ngày gì? Cách chuẩn bị lễ, bài cúng Rằm tháng Giêng - 2

Lễ hội thả đèn trời vào dịp Tết Nguyên Tiêu

Chuẩn bị mâm lễ cúng rằm tháng Giêng và bài văn khấn

1. Mâm cỗ cúng Tết Nguyên Tiêu

Tùy theo từng phong tục và văn hóa ở mỗi địa phương mà cách sắm lễ cúng Rằm tháng Giêng sẽ khác nhau. Chủ yếu mâm cỗ cúng dâng lên sẽ bao gồm một mâm cỗ mặn hoặc một mâm cỗ chay với đầy đủ các món ăn.

- Mâm lễ cúng rằm tháng giêng cỗ chay: bao gồm từ 5-10-15-20 món khác nhau tùy theo điều kiện của gia chủ. Các món ăn đều được làm từ những nguyên liệu quen thuộc và gần gũi với thiên nhiên. Đặc biệt, các món ăn sẽ có 5 tông màu chủ đạo để tượng trưng cho ngũ hành với mong muốn vạn sự như ý, mọi sự hanh thông. Các món phổ biến bao gồm: Xôi đậu, chè, bánh trôi nước, hoa quả,...

- Mâm lễ cúng rằm tháng giêng cỗ mặn: Thông thường riêng mâm cỗ mặn cúng Tết Nguyên Tiêu vào rằm tháng Giêng sẽ yêu cầu sự cầu kỳ với 4 bát và 6 đĩa. 4 bát ở đây là những bát canh như: canh măng, canh bóng, canh mọc và canh miến. Còn 6 đĩa ở đây là thịt gà, thịt heo, chả giò, xôi, bánh chưng, đĩa củ kiệu hoặc dưa muối.

Tết Nguyên Tiêu 2021 là ngày gì? Cách chuẩn bị lễ, bài cúng Rằm tháng Giêng - 3

Một mâm cỗ chay với đầy đủ các món ăn ngon miệng

2. Văn khấn Tết Nguyên Tiêu

Sau đây là bài văn khấn Tết Nguyên Tiêu (bài cúng rằm tháng Giêng) chuẩn nhất mà bạn có thể tham khảo:

Nam Mô A Di Đà Phật!

Nam Mô A Di Đà Phật!

Nam Mô A Di Đà Phật!

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.

Con kính lạy các ngài Bản cảnh Thành Hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.

Con kính lạy các vị Tiền chủ, Hậu chủ ngụ tại trong đất nhà này

Con kính lạy Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Thúc Bá Đệ Huynh, Cô Di, Tỷ Muội họ nội họ ngoại.

Tín chủ (chúng) con là: …

Hiện đang ngụ tại:…

Hôm nay là ngày Rằm tháng Giêng năm Tân Sửu, gặp tiết Nguyên tiêu, tín chủ chúng con lòng thành, sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, dâng lên trước án.

Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài Thần. Cúi xin các ngài linh thiêng nghe thấu lời mời, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.

Chúng con kính mời các các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ…, nghe lời khẩn cầu, kính mời của con cháu, giáng về chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.

Tín chủ chúng con lại kính mời Ông bà Tiền chủ, Hậu chủ tại về hưởng lễ vật, chứng giám lòng thành phù hộ độ trì cho gia chung chúng con được vạn sự tôn lành. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng an bình.

Nam Mô A Di Đà Phật!

Nam Mô A Di Đà Phật!

Nam Mô A Di Đà Phật!

Tết Nguyên Tiêu cần lưu ý những gì?

1. Ngày giờ cúng rằm tháng Giêng

Việc cúng Tết Nguyên Tiêu (rằm tháng Giêng) được thực hiện vào đúng ngày 15/1 âm lịch, nhiều người có thói quen cúng sớm trước 1 ngày (14/1) cũng hoàn toàn không có vấn đề gì. Chỉ lưu ý thêm rằng, việc cúng bái nên thực hiện vào giờ Ngọ (từ 11h trưa đến 1h chiều), bởi theo quan niệm xa xưa của cha ông ta, đây là giờ các vị thần linh hay xuất hiện và giáng trần.

2. Lau dọn bàn thờ

Các gia đình sẽ phải lau dọn bàn thờ sạch sẽ vào trước ngày cúng Tết Nguyên Tiêu. Khi thực hiện việc lau dọn, cần tránh không làm xê dịch bát hương, lau dọn sạch sẽ bàn thờ. Trước khi lau, gia chủ có thể thắp 1 nén nhang để khấn vái Thổ Địa, quan Thần linh trong khu vực về việc sẽ lau dọn bàn thờ để tránh mạo phạm.

3. Chuẩn bị đồ lễ

Tùy theo từng địa phương mà phong tục cúng Tết Nguyên Tiêu vào rằm tháng Giêng có thể có một số sự khác biệt, do đó mà lễ vật cần chuẩn bị sẽ đa dạng và khác nhau. Về mâm cỗ cúng, bạn có thể tham khảo ở phía trên bài viết đã đề cập, liên quan đến mâm cỗ mặn và mâm cỗ chay. Ngoài ra, cần chuẩn bị thêm hoa tươi, trầu cau, rượu cúng, đèn nến, trái cây,... Lưu ý rằng hoa tươi nên chọn các loại hoa cúc, hoa huệ,... Đồ dùng để cúng như bát đĩa không được dùng chung với đồ dùng trong gia đình, phải còn nguyên vẹn và không sứt mẻ.

4. Cách thắp hương

Khi thắp hương cúng Tết Nguyên Tiêu, cần thực hiện giống như khi đi lễ chùa. Theo quan niệm xưa, chỉ thắp hương với số lẻ (1 hoặc 3 nén) trên bàn thờ, tuyệt đối không được thắp với số chẵn. Khi thắp hương cần ăn mặc chỉnh tề, nghiêm túc, khi khấn vái cần thành tâm để thể hiện sự kính trọng với các vị thần linh.

Tết Nguyên Tiêu 2021 là ngày gì? Cách chuẩn bị lễ, bài cúng Rằm tháng Giêng - 4

Khi thắp hương cần thắp với số lẻ các nén nhang

5. Đốt vàng mã

Vàng mã là thứ không thể thiếu được trong văn hóa tâm linh của người Việt. Tuy nhiên theo như nhiều chuyên gia nghiên cứu văn hóa đã chỉ ra rằng, các ngày lễ Tết là ngày để cầu mong sức khỏe, an khang, vạn sự như ý. Đạo Phật không dạy chúng ta phải đốt vàng mã cho người đã khuất, đốt vàng mã bừa bãi và quá nhiều chỉ khiến cho ô nhiễm môi trường tăng lên mà thôi. Do đó gia chủ cần làm lễ cúng với tất cả lòng thành của mình, không nên đốt quá nhiều vàng mã.

Tết Nguyên Tiêu của người Hoa khác gì người Việt?

Với người Việt, Tết Nguyên Tiêu vào rằm tháng Giêng là dịp mọi người bày tỏ sự thành kính đến các vị thần linh, bày tỏ lòng hiếu thảo đến ông bà, tổ tiên dòng họ. Do mà người Việt thường hay đi lễ chùa cầu may, làm lễ cúng tại gia với đầy đủ những món ăn quen thuộc và quan trọng. Đặc biệt ở nhiều địa phương còn tổ chức các sự kiện giải trí như múa lân, rước đèn, thả đèn hoa đăng, ca kịch, diễu hành,... tạo nên một nét văn hóa không thể lẫn được ở các nước khác.

Còn đối với người Hoa nói chung, dịp Tết Nguyên Tiêu là dịp lễ lớn của cả nước. Nhà nhà, phố phố treo đèn hoa khắp nơi, già trẻ gái trai cùng nhau đi xem hội, xem múa lân cả đêm. Đặc biệt phong tục thả đèn trời, rước đèn của người Hoa còn đặc sắc và cầu kỳ hơn nhiều so với người Việt ta. Các đèn lồng, đèn màu được thiết kế vô cùng tinh xảo với đủ hình thù và màu sắc rực rỡ. Thậm chí họ còn tổ chức cuộc thi thiết kế đèn rước to đẹp và lớn nhất. Trong Tết Nguyên Tiêu, người Hoa còn có tục lệ ăn bánh trôi, đã được lưu truyền suốt từ đời nhà Tống vào kéo dài mãi cho đến nay.

Hoa lạ giá rẻ bất ngờ lên ngôi sau Tết, cả lọ hoa rực rỡ giá 0 đồng gây sốt
Năm nay sau Tết Nguyên Đán, các bà nội trợ có xu hướng chọn các loại hoa bình dân, đơn giản, hoa dại với giá siêu rẻ, thậm chí là 0 đồng để cắm trưng...

K.T
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Rằm tháng Giêng