Được mệnh danh đệ nhất mỹ nhân của Tử Cấm Thành, cuộc đời nàng công chúa này lại là một bi kịch vì bị Từ Hi Thái hậu độc chiếm.
Cô là Cách Cách xinh đẹp nhất cuối triều đại nhà Thanh, được Lão Phật gia Từ Hi vô cùng yêu thương. Ngay cả sau khi thành thân, Từ Hi vẫn không cho cô ở cùng chồng mà độc chiếm cho riêng mình. Điều này cuối cùng khiến cô bị trầm cảm, sống một cuộc đời vô cùng đau khổ. Cô chính là con gái thứ tư của Khánh Mật thân vương Dịch Khuông, hay còn gọi là Tứ Cách Cách.
Phụ thân của Tứ Cách Cách là một người quyền lực. Tuy không có thực tài và học thức, nhưng với tài thư pháp, Khánh Mật thân vương Dịch Khuông được Từ Hi Thái hậu vô cùng yêu quý, chính lẽ đó mà người nhà của ông cũng được bà sủng ái.
Khi Tứ Cách Cách được sinh ra, nàng là công chúa nhỏ sống trong nhung lụa. Có thể nói, gia cảnh đặc biệt đã nuôi nấng Tứ Cách Cách trở thành một người đẹp có khí chất hoàng gia, quý phái. Điều hiếm hoi hơn nữa là xuất thân giàu có nhưng nàng công chúa này không trở nên ngỗ ngược và tự cao tự đại.
Nếu tìm hiểu về lịch sử nhà Thanh bạn sẽ biết Từ Hi Thái hậu là một vị chủ nhân khó hầu hạ, rất khó để trở thành tâm phúc của bà. Tuy nhiên, Tứ Cách Cách từ nhỏ đến lớn đã được bà rất yêu quý. Khi Từ Hi không có việc gì làm, bà sẽ triệu Tứ Cách Cách vào cung để cùng giải tỏa buồn chán. Dù bất đắc dĩ nhưng biết bản chất Từ Hi tàn nhẫn, Tứ Cách Cách không thể làm bà mất lòng, chưa bao giờ dám trái lệnh bà.
Đến khi Tứ Cách Cách đến tuổi xuất giá, dưới sự thao túng của Từ Hi và Dịch Khuông, nàng được gả cho Hi Tuấn, con trai của Dụ Lộc, một vị đại thần trong triều. Sau khi kết hôn, tình cảm vợ chồng vô cùng sâu đậm, có thể ví như keo sơn. Tứ Cách Cách tưởng mình có thể tận hưởng cuộc sống vợ chồng son đầy ngọt ngào như vậy nhưng Lão Phật gia vẫn không buông tha cho nàng. Chỉ sau một thời gian ngắn, bà lại triệu nàng vào cung cùng mình mua vui, không cho phép nàng về nhà đoàn tụ với phu quân.
Dù trong lòng đau đớn nhưng Tứ Cách Cách không dám biểu lộ ra ngoài. Chồng của nàng cũng rất đau lòng, vì ái tình mà sinh bệnh. Sau 3 năm kết hôn, Hi Tuấn vì nhớ vợ mà sinh trầm cảm, sau đó qua đời.
Không ngờ rằng trong khi Tứ Cách Cách còn đang để tang chồng, Từ Hi vẫn không buông tha cho nàng. Thậm chí, bà còn ra lệnh miễn tiết hiếu cho nàng, để nàng vào cung đóng kịch mua vui. Lần này, Tứ Cách Cách xông ra ngoài làm ầm ĩ ngay tại vương phủ, quyết không vào cung. Nhưng cuối cùng, nàng vẫn phải xuống nước trước sự van xin của song thân phụ mẫu. Với Tứ Cách Cách mà nói, nỗi oán giận Từ Hi Thái hậu trong tim ngày càng sâu sắc.
Theo quy định của triều đại nhà Thanh, cách cách góa chồng không thể tái hôn. Vì vậy, Tứ Cách Cách trở thành góa phụ còn sớm hơn cả Từ Hi. Hơn nữa, Tứ Cách Cách không thể đoàn tụ với chồng trong một thời gian dài, không có một cuộc sống hôn nhân bình thường nên đến khi chồng mất cô vẫn chưa có con. Góa chồng, nàng công chúa này cũng mất đi khao khát sống, giống như một cái xác không hồn. Kể từ đó, nàng cũng không còn quan tâm giữ gìn sức khỏe, ngoại hình ngày càng phát tướng, không còn khí chất của một cách cách như xưa.
Cho đến năm 1908, khi Từ Hi Thái hậu qua đời, lúc này Tứ Cách Cách đã gần 40 tuổi. Phần lớn cuộc đời nàng sống trong cung và kết cục cuối cùng không được sử sách ghi lại. Người ta chỉ dựa vào vận mệnh gia đình cô mà suy đoán những năm tháng cuối đời của Tứ Cách Cách không mấy tốt đẹp.
Ngày nay, mỗi khi nhắc đến cuộc đời đầy bi kịch của nàng Tứ Cách Cách xinh đẹp, ai cũng phải cảm thán. Nếu Tứ Cách Cách được sinh ra trong một gia đình bình thường thì nàng đã không phải tuân theo những quy tắc lễ giáo trong cung, không bị Từ Hi độc chiếm và tuổi xuân bị hủy hoại một cách đáng tiếc.