Người dân Trung Quốc, Singapore, Indonesia… đi chùa, đổ ra đường tham dự các lễ hội đêm Giao thừa, tiễn biệt năm Quý Mão chào đón năm mới Giáp Thìn theo âm lịch.
Hàng ngàn người đã xếp hàng dài tại Đền thờ Huỳnh Đại Tiên (Sik Sik Yuen Wong Tai Sin) vào đêm giao thừa để tham gia nghi thức dâng hương đầu tiên trong năm Giáp Thìn. Mọi người cầu mong hạnh phúc và sức khỏe. Đền thờ Huỳnh Đại Tiên là một trong những ngôi đền lớn nhất Hồng Kông (Trung Quốc).
Cửa vào đền bắt đầu mở lúc 21 giờ. Từ 23 giờ, những người thờ cúng đã xếp hàng dài thắp nhang với hy vọng may mắn cho năm mới. Ngôi đền dự kiến có 50.000 đến 60.000 tín đồ đến dâng hương những ngày đầu năm mới.
Người thờ cúng dâng hương cầu năm mới bình an trong đêm giao thừa tại Đền thờ Huỳnh Đại Tiên. Ảnh: SCMP
Nữ diễn viên kỳ cựu Hoàng Hạ Huệ (Lana Wong) (giữa) trong trang phục Tiểu Long Nữ trong tiểu thuyết kiếm hiệp Thần điêu đại hiệp. Ảnh: SCMP
Những người thờ cúng dâng hương đầu tiên tại đền thờ Huỳnh Đại Tiên vào đêm giao thừa như một phần của lễ hội chào đón năm Giáp Thìn. Ảnh: SCMP
Trong khi đó, ở Trung Quốc đại lục, người dân cũng nô nức dự các lễ hội mùa Xuân vào thời khắc giao thừa. Người dân Trung Quốc thích thú trước các mô hình rồng trang trí trên đường phố.
Người dân tỉnh Hà Bắc – Trung Quốc đổ xô ra đường đón mừng năm mới bất chấp thời tiết giá lạnh. Ảnh: Tân Hoa Xã
Mô hình rồng đủ màu sắc hình dáng xuất hiện trên khắp các đường phố Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã
Vào đêm Giao thừa, người dân Đài Loan (Trung Quốc) cũng cùng nhau đến chùa cầu an. Thời điểm Tết Nguyên đán, người dân ở các tỉnh phía Bắc và các khu trung tâm ở Đài Bắc đổ xô trở về Đài Trung và Đài Nam.
Người dân dâng hương cầu năm mới an lành vào đêm Giao thừa. Ảnh: Nextapple
Vào ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán, nhiều người dân Đài Loan dậy sớm viếng chùa. Ảnh: China Times
Trong khi đó, tại Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long, người tuổi Thìn, đã gửi thông điệp mừng Tết Nguyên đán đến người dân, khuyến khích các cặp đôi sinh con trong năm nay.
Ông khẳng định Singapore sẽ đẩy mạnh các chương trình phúc lợi để hỗ trợ các gia đình.
Singapore là nơi có cộng đồng gốc Hoa lớn, với quan niệm sinh con năm rồng là điều tốt lành.
Du khách tập trung quanh mô hình rồng dài 140 m và tượng thần tài khổng lồ tại công viên Gardens by the Bay ở Singapore. Ảnh: The Straits Times
Dù là quốc gia có cộng đồng người Hồi giáo lớn nhất thế giới, song Indonesia vẫn coi Tết âm lịch là ngày lễ quốc gia.
Cộng đồng người gốc Hoa chiếm khoảng 1,2% dân số Indonesia, cũng là cộng đồng người gốc Hoa ở nước ngoài lớn thứ tư thế giới.
Biểu diễn múa sư tử tại chùa Amurva Bhumi ở thủ đô Jakarta của Indonesia vào đêm Giao thừa. Ảnh: Reuters
Tại Hàn Quốc, trước thềm giao thừa tiễn năm cũ, người dân Hàn Quốc cũng cầu mong một năm hạnh phúc và tài lộc.
Những bức tranh cầu mong một năm hạnh phúc và tài lộc được phát cho khách du lịch tại Cung điện Cảnh Phúc ở trung tâm Seoul vào ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Ảnh: Yonhap
Trong khi đó, tại Mỹ, một lượng lớn người tham dự Chợ Tết Nguyên Đán ở khu phố Chinatown (phố Tàu) vào đêm giao thừa.
Một số người mua sắm vào phút cuối để đón giao thừa ở phố Tàu ở Manhattan, New York. Ảnh: The Straits Times
Mọi người mua sắm ở phố Tàu ở Manhattan, New York. Ảnh: The Straits Times
Ngoài các nước Đông Nam Á và Đông Á, cộng đồng người gốc Á ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Nga, cũng tổ chức các hoạt động mừng Tết Giáp Thìn.
Biểu diễn múa rồng trên đường phố Moscow, Nga, ngày 9-2. Ảnh: Reuters