Trong quy định đối với người điều khiển xe máy, xe gắn máy, mỗi một tuyến đường sẽ có những quy định giới hạn riêng về tốc độ. Người dân cần lưu ý để tránh bị nộp phạt.
Giới hạn tốc độ của xe máy hay còn gọi tốc độ tối đa được quy định thế nào và có sự khác nhau ra sao trên các tuyến đường? Người dân cần nắm rõ những điều này để tránh bị nộp phạt.
Tốc độ xe máy trong khu vực đông dân cư
Căn cứ tại Thông tư 31/2019/TT-BGTVT quy định về tốc độ tối đa đối với xe máy khi di chuyển trong khu đông dân cư như sau:
Giới hạn tốc độ của xe máy, xe gắn máy trong khu vực đông dân cư: Đối với đường đôi; đường một chiều có từ 2 làn xe cơ giới trở lên là 60 km/h.
Đường hai chiều; đường một chiều có một làn xe cơ giới thì tốc độ tối đa là 50 km/h.
Tốc độ của xe máy, xe gắn máy ngoài khu đông dân cư
Tốc độ tối đa của xe máy ngoài khu vực đông dân cư: Đường đôi; đường một chiều có từ 2 làn xe cơ giới trở lên thì được chạy tốc độ tối đa 70 km/h.
Đường hai chiều; đường một chiều có một làn xe cơ giới thì được chạy với tốc độ tối đa 60 km/h.
Tốc độ tối đa của xe gắn máy: Tốc độ tối đa của xe gắn máy khi tham gia giao thông là không quá 40 km/h.
Mức phạt lỗi chạy quá tốc độ với với mô tô, xe gắn máy
- Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h (Điểm c Khoản 2 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi tại điểm k khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP)).
- Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h (Điểm a Khoản 4 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi tại điểm g khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h (Điểm a Khoản 7 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 4 tháng (Điểm c Khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).