Trong bối cảnh cạnh tranh “khốc liệt” trên thị trường lao động, các nhân lực ngành nghề này lại hoàn toàn không phải lo chuyện ra trường thất nghiệp, mức thu nhập cũng thuộc hàng "khủng" trong số các ngành nghề tại Việt Nam.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 về kỹ thuật số đã thay đổi gần như toàn bộ cuộc sống của chúng ta từ chăm sóc sức khỏe đến nông sản thực phẩm, từ điện tử đến ô tô, hàng không vũ trụ, từ hóa chất đến vận tải đến hậu cần, nghiên cứu… đồng thời cũng thay đổi cách làm việc của mọi người trên thế giới. Nhiều công việc thủ công sẽ trở nên tự động hóa, không những vậy, điều này cũng sẽ tạo ra những ngành nghề mới để bắt kịp tiến độ phát triển của thời đại.
Ngoại trừ những cái tên như Khoa học máy tính, Trí tuệ nhân tạo… dành cho những bạn trẻ có đam mê với việc khám phá công nghệ thông tin, với mức lương cao, cơ hội việc làm và thăng tiến rộng mở thì giờ đây xuất hiện một ngành học mới cũng siêu hot, đó là Thiết kế vi mạch (Integrated circuit design hay VLSI design). Đây là ngành chuyên nghiên cứu, phát triển và chế tạo các chip điện tử, còn gọi là mạch tích hợp (IC - Integrated Circuit).
Những con chip bán dẫn đang hứa hẹn thị trưởng tỷ đô tại Việt Nam.
Công việc dành cho những bạn trẻ đam mê nghiên cứu công nghệ thông tin
Khái quát về ngành Thiết kế vi mạch, đây là công việc để tạo ra một chip (vi mạch) - nền tảng quan trọng cho nhiều lĩnh vực khác. Những năm gần đây, chip trở nên “thiếu thốn” do tình hình dịch COVID-19 và xung đột Nga - Ukraine càng làm cho tình trạng xuất nhập khẩu vi mạch trở nên khan hiếm, nhu cầu về thiết bị bán dẫn tăng mạnh trên thế giới. Nhiều hãng chế tạo xe hơi phải chọn cách giao xe trước, bổ sung linh kiện sau hoặc cắt luôn một số tính năng cao cấp do thiếu chip.
Thiết kế vi mạch thường chia làm 3 loại: Thiết kế số (Digital IC), Thiết kế tương tự (Analog IC), Thiết kế tín hiệu hỗn hợp (Mixed-signal). Sản phẩm là chip điện tử, được ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp (điện tử, CNTT, viễn thông...). Để sản xuất một sản phẩm chip cần qua nhiều giai đoạn: Thiết kế kiến trúc, thiết kế logic, thiết kế mạch, mô phỏng, kiểm tra chức năng, thiết kế vật lý, và sản xuất.
Các công đoạn này có thể được phân làm hai nhóm lớn là thiết kế/phát triển (design/development) và sản xuất (manufacturing). Người làm công việc này có thể làm việc tại các công ty phát triển hoặc công ty sản xuất vi mạch.
Các nhà máy sản xuất vi mạch cần có sự đầu tư ban đầu rất lớn với rất nhiều máy móc, thiết bị đắt tiền, thiết kế xây dựng nhà máy phức tạp và nguồn nhân lực có kỹ thuật, kinh nghiệm cao vận hành. Các nhà máy sản xuất vi mạch hiện này tập trung ở một số nước phát triển như Đài Loan (TSMC, UMC), Mỹ (GlobalFoundries), Nhật Bản (Toshiba, Hitachi), Hàn Quốc (Samsung, SK Hynix), Trung Quốc (SMIC, CSMC),...
Kỹ sư Thiết kế vi mạch là ngành nghề hot, hứa hẹn hơn cả Khoa học máy tính.
Trong khi đó, công ty thiết kế/phát triển chỉ cần giải quyết hai yếu tố quan trọng là bản quyền phần mềm và nguồn nhân lực nên chi phí đầu tư ban đầu thấp hơn. Công ty chỉ thiết kế và phát triển không sản xuất gọi là Fabless (Fabrication-less). Hiện tại, những công ty về vi mạch hàng đầu thế giới đều có mặt tại TP.HCM như: Intel(Mỹ), Renesas (Nhật), Marvell (Mỹ), Applied Micro(Mỹ), Esilicon(Mỹ), Arrive Technology (Mỹ), Uniquify (Mỹ), Grey Stones (Mỹ)... mở ra rất nhiều cơ hội rộng mở cho kỹ sư Việt Nam khi đất nước ta hoàn toàn có thể vươn lên trong thị trường nghìn tỷ đô này.
Với tương lai sẽ là một lĩnh vực đầy triển vọng trong 10-15 năm tới, và nó sẽ trở thành sự lựa chọn hàng đầu của nhiều bạn trẻ yêu thích nghiên cứu khoa học. Tại Trung Quốc, hiện đang có hơn 320.000 nhân tài trong lĩnh vực vi mạch và vẫn đang tiếp tục phát triển, đây là lĩnh vực mới được chính phủ hỗ trợ ưu tiên giáo dục đào tạo. Nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành vi mạch sẽ được một số công ty, xí nghiệp công nghệ cao tuyển dụng trước khi ra trường. Ở Việt Nam, vi mạch đòi hỏi nguồn nhân lực lớn, khoảng 300 kỹ sư/năm cho một công ty phát triển phần mềm. Tuy nhiên, số lượng sinh viên được đào tạo cho ngành này hầu như không đáp ứng đủ cho thị trường nhân lực.
Không chỉ được đảm bảo về thị trường việc làm, ngành Thiết kế vi mạch còn là một trong những ngành nghề có mức lương "khủng" kèm nhiều chế độ đãi ngộ “trong mơ”. Theo nghiên cứu của một số trung tâm nghiên cứu việc làm, mức lương khởi điểm của ngành nghề này dao động khoảng 10-15 triệu đồng một tháng khi làm việc trong các doanh nghiệp nội địa. Với các doanh nghiệp nước ngoài thì con số này có thể tăng lên rất nhiều, đặc biệt là khi làm việc tại Mỹ, Singapore, Nhật Bản hay châu Âu.
Mức lương của kỹ sư thiết kế vi mạch có kinh nghiệm từ một đến 4 năm sẽ dao động từ 15-25 triệu đồng và tăng dần theo cấp số nhân theo số năm kinh nghiệm. Một số liệu khác cho thấy, mức lương nhiều kỹ sư lâu năm có thể lên đến $4000. Mỗi năm công ty tăng lương 1 lần, thưởng 2 lần, 1 tháng lương 13, mua bảo hiểm cho gia đình và con cái, môi trường làm việc rất chuyên nghiệp, đặc biệt thời gian làm việc thoải mái và có cơ hội đi nước ngoài nhiều lần.
Yêu cầu nghề nghiệp và học Thiết kế vi mạch ở đâu
Không chỉ là một công việc đòi hỏi niềm đam mê nghiên cứu, có hiểu biết về Khoa học công nghệ, Thiết kế vi mạch cần nhiều kiến thức và kỹ năng khác nhau, đặc biệt với môn Vật lý - môn học đặc thù tìm hiểu về các nguyên lý hoạt động của vạn vật. Ngoài ra thì ngành nghề này cũng đòi hỏi kỹ sư có những đặc điểm khác như ham học hỏi, cập nhật xu hướng, có thể làm việc lâu dài với máy móc, kỹ năng làm việc độc lập và làm việc nhóm hiệu quả, có trình độ ngoại ngữ…
Trước nhu cầu của ngành công nghiệp ngày càng cao, các doanh nghiệp Việt Nam và trường đại học đã và có sự hợp tác chặt chẽ hơn để thu hẹp sự khác biệt, giới thiệu những kiến thức nền cho sinh viên từ sớm, tìm kiếm mô hình thực tập cho hiệu quả, rút ngắn thời gian thử việc. Hiện nay nhiều trường đại học có khoa Điện-điện tử, Điện tử viễn thông hoặc khoa Công nghệ đều giảng dạy các kiến thức cơ bản liên quan đến công nghệ vi mạch, mạch tích hợp (integrated circuit) hoặc bán dẫn (semiconductor). Các bạn có thể tham khảo thông tin ở một số trường sau: Đại học Bách Khoa TP. HCM; Đại học Khoa học Tự nhiên TP. HCM; Đại học Công nghệ Thông tin TP. HCM; Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội; Đại học Công nghiệp Hà Nội; Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội…