Sau khi Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia công bố kết quả xét nghiệm 13 mẫu thủy sản, trong đó có 3 mẫu (ngao, ốc, hến) nhiễm kim loại nặng vượt mức cho phép, thị trường đã có những phản ứng tức thì. Hàng quán vắng teo, 3 loại thủy sản yêu thích này đã bị người tiêu dùng hắt hủi.
Chưa ăn thì bỏ, ăn rồi lại lo!
Bà Lý Thị Anh, khu tập thể Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Tôi rùng mình khi nghe thông tin về ngao, ốc, hến nhiễm kim loại nặng đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây là những thực phẩm mà tôi hay chọn mua vì nghĩ nó sạch: ngao thì ở biển, hến ở sông, ốc thì ở ao, hồ, sông suối, đồng ruộng… Nhưng từ khi có thông tin nhiễm độc, tôi đã quyết định nói không với những loại thực phẩm này. Tuy nhiên, tôi cũng mong cơ quan chức năng hãy mở rộng phạm vi lấy mẫu làm xét nghiệm để có thông tin chính xác. Không thể chỉ lấy một mẫu rồi dừng lại khiến chúng tôi hoang mang. Nếu chỉ có ít mẫu ngao, hến, ốc nhiễm độc, còn lại an toàn thì vô tình để người tiêu dùng thiệt thòi vì không còn được ăn món khoái khẩu. Hơn nữa, đây lại là những thực phẩm bổ sung nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể”.
Chị Tạ Thị Hồng Loan (ngõ 158, phố Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Từ hôm biết thông tin ngao, ốc, hến nhiễm kim loại nặng, tôi lo lắm. Tôi đã quyết định nói không với món này dù đó là những món khoái khẩu của gia đình”.
Không chỉ người tiêu dùng hoang mang, các chủ hàng bán ngao ốc hến cũng lo lắng. Chị Nguyễn Thị Ân, chủ cửa hàng ốc luộc (phố Nghĩa Tân, quận Cậu Giấy) cho biết: “Cửa hàng tôi chủ yếu bán các món ốc luộc, ngao hấp, hoa quả dầm. Tuy nhiên, mấy ngày gần đây khách vắng hẳn. Mời mọc mãi, có người thì từ chối khéo, người thì nói thẳng rằng vừa nghe có thông tin ngao, ốc nhiễm kim loại nặng gây ung thư nên không dám ăn nữa”.
Sau thông tin nhiễm độc, lượng khách đến các quán ngao, ốc giảm khá nhiều... Ảnh: T.G
Thông tin ghi nhận tại các cửa hàng bán ngao, ốc, hến tại Hà Nội như các chợ Ngọc Hà, Thành Công, Kim Liên, Hoàng Hoa Thám, Nghĩa Tân… các chủ hàng bán loại thực phẩm này đều thừa nhận mấy ngày nay, hàng rất ế.
Không phải ngao, ốc, hến nào cũng nhiễm độc
Ông Nguyễn Mậu Hải, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Hà Nội cho rằng, để đánh giá chung thủy sản Hà Nội nhiễm kim loại nặng là chưa có căn cứ vì các mẫu lấy mới chỉ ở phạm vi và số lượng rất nhỏ. Năm 2013, Chi cục đã tiến hành thu 300 mẫu nước tại nguồn nước và ao nuôi các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung thuộc các huyện Mê Linh, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Thanh Oai và Mỹ Đức để phân tích các chỉ tiêu: Chì (Pb), thủy ngân (Hg), nitrit (N2), COD và amoni. Kết quả cho thấy, hầu hết nguồn nước cấp cho các vùng nuôi tại thời điểm lấy mẫu có xuất hiện chì và thủy ngân, nhưng đều nằm trong giới hạn cho phép so với quy định hiện hành.
Ông Lê Đức Thọ, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội cũng cho rằng, một kết quả xét nghiệm chỉ có giá trị đại diện cho chính mẫu đó, không thể đại diện cho tất cả các loại thủy sản cùng loại. Vì vậy, cần lấy mẫu rộng hơn và đưa đến những nơi có labo chuẩn để làm xét nghiệm. Có mẫu xét nghiệm công bố không đồng nhất với cứ ngao, ốc, hến nào cũng nhiễm độc vì nó còn xuất phát từ nhiều môi trường sống.
Theo các chuyên gia, khi có kết quả xét nghiệm bất thường về chỉ số an toàn của thực phẩm, cần thông báo đến các cơ quan chức năng như Sở Công Thương, Sở Y tế và kiến nghị các cơ quan này kiểm tra, xử lý. Trường hợp đã thông báo nhưng cơ quan chức năng vẫn “làm ngơ” thì mới tính đến việc tự thông tin, tránh tình trạng nhiễu thông tin, gây hoang mang không đáng có cho người tiêu dùng.
Cũng theo các chuyên gia, ốc, ngao, hến là động vật sống ở tầng đáy nên có nguy cơ ô nhiễm kim loại nặng. Tuy nhiên, kết quả giám sát đột xuất còn nhỏ, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành lấy mẫu và xét nghiệm trên phạm vi rộng để có cảnh báo, khuyến cáo với người tiêu dùng...
Sau khi Trường ĐH Y Hà Nội công bố kết quả xét nghiệm 240 mẫu thủy sản với 98% nhiễm kim loại nặng gây hoang mang dư luận, các cơ quan chức năng đã phối với với Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia lấy 13 mẫu thủy sản tại 6 chợ Quan Hoa (Cầu Giấy), Cầu Lủ (Định Công), Đô Hội (Thanh Oai), Cầu Diễn (Từ Liêm), Đông Mỹ (Thanh Trì), Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân) để xét nghiệm. Kết quả đã phát hiện 1 mẫu ốc, 1 mẫu trai, 1 mẫu hến có tồn dư asen vượt ngưỡng cho phép 1,6 - 2,3 lần theo quy định. |