TS.BS Trần Thị Hồng Thu cảnh báo việc sử dụng bóng cười có vô vàn nguy hiểm rình rập, những tác hại này nhẹ thì gây các bệnh về hô hấp, nặng thì sẽ tử vong.
Rộ mốt chơi bóng cười trong giới trẻ
Sau một thời gian lắng xuống, gần đây các phương tiện thông tin đại chúng lại liên tục đưa tin về việc xuất hiện trở lại loại bóng cười ở Hà Nội.
Theo đó, tại một số điểm ở phố đi bộ (Hà Nội), bóng cười đã được giới trẻ sử dụng rầm rộ và công khai ở các tụ điểm công cộng như quán nước, quán nhậu và cả những quán karaoke.
Những người có sở thích sử dụng bóng cười mô tả, khi thổi ra - hít vào quả bóng được bơm khí NO2 (Nitrous Oxide) - một loại khí tác động trực tiếp đến hệ thần kinh, gây ra ảo giác hoặc tràng cười sảng khoái.
Được biết, bóng cười được du nhập vào Việt Nam từ năm 2013 và bắt đầu nở rộ từ đó. Thông thường bóng cười có giá từ 50.000-70.000, thậm chí là 100.000 đồng/quả.
Khi được hỏi về tác hại của loại bóng này đối với sức khỏe, đa số những bạn trẻ đều cho rằng, sau khi sử dụng không thấy ảnh hưởng gì về sức khỏe. Tố Linh, một bạn trẻ gốc Hà Nội, trên tay đang cầm quả bóng cười chia sẻ: “Khi thổi ra, hít vào ngay lúc đó mình cảm giác như có luồng khí lạ kích thích vào não gây hưng phấn và chỉ cần một tác động nhẹ là mình cũng có thể cười, nhưng sau đó lại hết và hôm sau bình thường”.
Mốt chơi nguy hiểm - “bong bóng cười” của một số bạn trẻ. Ảnh: Gia đình & Xã hội
Có lẽ do chưa gây ra những tác động trực tiếp, nên nhiều bạn trẻ chủ quan cho rằng, bóng cười không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.
Vui chốc lát sẽ buồn về sau
Để làm rõ vấn đề bóng cười liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe con người khi sử dụng, TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Trưởng khoa Lâm sàng - Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết, các bác sĩ ở các nước mà bóng cười được sử dụng như một trào lưu lớn đã cảnh báo về tổn thương não gây tình trạng mất cảm giác, cơn co giật và bệnh lý tim mạch do thiếu nguồn cung cấp oxy cho não.
“Nôn cũng là một tác dụng phụ thường gặp do sử dụng bóng cười, điều này có thể đe dọa mạng sống của người sử dụng khi người đó hít chất nôn vào phổi”, TS Thu cảnh báo.
Theo phân tích của TS Hồng Thu, trong bóng cười có nitơ oxit thường được sử dụng bởi các nha sĩ để giảm đau, nhưng chỉ dùng trong phòng khám nha khoa chuyên sâu, nitơ được trộn với oxy và cung cấp thông qua một mặt nạ, trong khi hít oxit nitơ trực tiếp từ một hộp gây giảm lưu lượng oxy tới não, hoặc một bộ phận của cơ thể.
“Nếu oxy không được cung cấp đầy đủ liên tục trong một vài phút có thể dẫn đến tổn thương não hoặc thậm chí tử vong.
Chơi bóng cười có thể gây tử vong cho người đang có bệnh hen suyễn hoặc bệnh về đường hô hấp khác, vì khí từ bóng cười có thể làm người sử dụng bị ngạt thở”, TS Thu phân tích.
Đồng thời, bóng cười cũng nguy hiểm khi dùng đồng thời với chất gây nghiện khác như thuốc lắc. Sự kết hợp có thể gây lú lẫn, đau đầu và có thể tử vọng nếu hiệu ứng như vậy kéo dài trong 2-3 phút. Thậm chí, khi sử dụng lâu dài, bóng cười có thể gây ra mất trí nhớ.
“Một người sử dụng bóng cười đã cho biết anh thường xuyên bị viêm họng và mất giọng nói "nam tính" của mình sau một thời gian sử dụng bóng cười.
Bây giờ giọng anh nghe giống như một cô gái và bạn gái của anh, sau những lần chơi bóng cười (hít nitrous oxide) đã bắt đầu có giọng nói khàn và ria mép mọc dài tới mức cô ấy phải cạo râu hàng tuần”, TS Thu kể.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết tác động của nitơ oxit trên hormone vẫn chưa được xác minh rõ ràng.
“Có khả năng bóng cười được pha chế N2O với nhiều loại khí khác để tăng cường cảm giác hưng phấn và dẫn đến sự thay đổi về nội tiết”, BS Thu cảnh báo.