Với những đứa trẻ ở dưới bãi sông Hồng, Ngày Quốc tế Thiếu nhi là một điều xa xỉ, họ chỉ cần hàng ngày có cơm ăn và đủ đầy cha mẹ là quá đủ.
Vào Ngày Quốc tế Thiếu nhi, các bạn nhỏ được bố mẹ đưa đến các điểm vui chơi, đi du lịch ở nơi xa như cách để “xả hơi” sau một năm học đầy nỗ lực và cố gắng. Còn với những đứa trẻ ở xóm Phao (Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội), ngày 1/6 cũng là thời điểm được nghỉ hè và các em phải theo chân người lớn đi kiếm tiền.
Những đứa trẻ lớn thì đi xới cỏ thuê cùng bà, cùng mẹ. Đứa nhỏ hơn thì đi nhặt đồng nát. Còn những em bé chưa thể lao động được thì ngồi yên trong những căn nhà phao tạm bợ ở dưới sông Hồng chờ người lớn đi làm về. Điểm vui chơi duy nhất của chúng là những bãi tắm ở ven sông Hồng, khi được hòa mình vào dòng nước chúng mới trở về là những đứa trẻ thật sự.
Qua lời giới thiệu của trưởng xóm Phao, chúng tôi tìm đến gia đình bà Nguyễn Thị Oanh (60 tuổi) đang sống dưới nhà phao ọp ẹp ở ven sông Hồng. Bà Oanh kể, nhà phao này được một người cháu làm giúp, nhà trước cũ quá bị mắc cạn không thể nào dùng được. Ngay chiếc xe máy cà tàng bà đi rửa bát thuê hàng ngày cũng đang mượn của người hàng xóm. Điều này đã được trưởng xóm Phao và những người xung quanh xác nhận.
Nơi ở của bà Oanh và cháu ngoại tên Hiếu đang sinh sống ở dưới sông Hồng.
Sở dĩ người dân sẵn sàng giúp đỡ bà Oanh là vì bà quá khó khăn, từng phải đi mổ cột sống, nhưng ở viện vài ngày là phải về ngay vì ở nhà có đứa cháu ngoại tên Nguyễn Tiến Hiếu (8 tuổi) hàng ngày đang ngóng trông bà. Hiếu bị mẹ bỏ rơi khi mới được vài tháng tuổi, đến giờ cháu không còn nhớ mặt mẹ như thế nào.
Bà Oanh kể, bà có hai người con gái, con gái lớn lấy chồng ở Quảng Ninh, con gái thứ hai là mẹ của Hiếu bỏ đi từ ngày đứa con mới được vài tháng tuổi. Kể từ ngày bỏ con ra đi, con gái thứ hai của bà Oanh có về nhà một lần, nhưng vẫn là bản tính ham chơi, lười làm như xưa nên bà cũng đành bó tay và chấp nhận là “mẹ” của đứa cháu ngoại.
Bà kể rằng, con gái bà có bầu từ năm 14 tuổi. Ở cái xóm Phao toàn người ngụ cư, họ còn gọi đây là “xóm liều” thì bố đứa trẻ là ai chỉ có mẹ nó mới biết. Thế nhưng, đến nay bố đứa trẻ là ai đó vẫn là một dấu hỏi (?). Sang tuổi 15, con gái bà Oanh chuyển dạ sinh cháu Hiếu, khi đó bà tự đỡ đẻ cho con gái ở dưới nhà phao ẩm thấp và chật chội. Ấy vậy mà may mắn cả hai mẹ con chẳng làm sao. “Ở cái xóm này dường như đứa trẻ nào cũng được sinh ra tại chỗ, người thân chính là người đỡ đẻ luôn cho các cháu”, bà Oanh tâm sự.
Hàng ngày bà Oanh phải đi nhặt ve chai, rửa bát thuê kiếm tiền nuôi cháu ăn học.
Những tưởng trót một lần lầm lỡ, con gái bà Oanh sẽ cùng mẹ ở vậy nuôi đứa con nên người, vậy mà vài tháng sau sinh người mẹ 15 tuổi đã bỏ con lại ra đi. Đến nay con đã lên 8 tuổi, chưa một lần được gọi hai tiếng: “Mẹ ơi!”. Còn với bà Oanh, dù bệnh tật nhưng bà vẫn cố, cố để nuôi cháu thêm 10-15 năm nữa, cho cháu trưởng thành rồi khi đó cháu sẽ tự kiếm sống nuôi thân. “Thiếu mẹ nhưng cháu học sáng dạ lắm, mỗi điều chưa có giấy khai sinh do mẹ cháu bỏ đi từ khi còn nhỏ. Giờ mong muốn của tôi là làm được giấy tờ cho cháu, mong cháu ngoan, chịu khó học hành để không phụ công bà”, bà Oanh kể.
Có hoàn cảnh giống như bà Oanh, bà Đào Thị Phương Nga (66 tuổi) cũng đang phải cố gắng từng ngày để chăm sóc 2 cháu nhỏ đang tuổi ăn, tuổi lớn. Bà Nga chia sẻ, bà có tất cả 3 người con, hai người con đầu đã lập gia đình và hiện cùng sống ở xóm Phao sông Hồng. Bà đang ở cùng người con trai út, thế nhưng con bà dính vào tệ nạn xã hội, vì thế bà phải nuôi và dạy 2 đứa cháu nội.
Nơi ở của bà và hai đứa trẻ bà đang chăm sóc từ khi người mẹ bế đứa con thứ 3 bỏ đi.
Bà Nga kể, đứa con út của bà có tất cả 3 người con, đứa con út mới sinh được hơn 1 tháng thì mẹ bế đi biệt xứ, gia đình tìm khắp nơi không thấy. Gần đây, bỗng nhận được cuộc điện thoại, con dâu của bà nói rằng: “Mẹ nuôi cháu giúp con, con cũng ở gần đây thôi nhưng con không về nữa đâu. Mẹ đừng đi tìm con”.
Nghe những lời nói đó, bà Nga đau như thắt từng khúc ruột, thân bà già cả chẳng sao, còn hai đứa con thì thiếu đi hơi ấm của cha và tình thương của mẹ. “Hôm trước nghe các bác nói ngày Quốc tế thiếu nhi sẽ được phát quà, hai cháu tôi mừng lắm, hôm nào cũng nhắc, mà không biết họ có đến phát không. Thấy cháu vậy tôi càng thương xót hơn, nhưng tôi lực bất tòng tâm, lo bữa ăn hàng ngày cũng chưa xong, biết lấy tiền đâu để mua quà cho các cháu”, bà Nga nói.
Để có được tiền ăn học cho các cháu, hàng ngày bà Nga phải đi nhặt đồng nát, dọn nhà thuê. Bà chỉ mong “giời” cho sức khỏe để lo cho các cháu ngày nào hay ngày đó, còn chẳng dám nghĩ về tương lai….