Trong ngày vía thần tài, người ta thường sắm lễ dâng cúng để mong cầu một năm mới nhiều tài lộc, buôn may bán đắt.
Vía Thần Tài vốn là một ngày lễ có nguồn gốc từ Trung Quốc. Theo một số tài liệu, ngày Thần Tài bắt đầu có ở Việt Nam từ khoảng những năm đầu thế kỷ XX.
Quan niệm dân gian, Thần Tài là người cai quản và ban tài lộc cho mọi người. Cũng bởi vì thế mà người ta chọn ngày vía Thần Tài như một dịp để tạ ơn và gửi gắm ước mong năm mới đổi vận, tiền tài sung túc, gia đình ấm no.
Ngày Thần Tài 2023 là ngày nào?
Trước đây, chỉ những người làm ăn buôn bán mới coi trọng ngày vía Thần Tài. Ngày nay, hầu hết mọi người đều làm lễ cúng để mong cầu tiền tài nở rộ trong năm mới.
Ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm được chọn là ngày vía Thần Tài. Năm 2023 lễ này sẽ rơi vào thứ Ba ngày 31/1 dương lịch.
Nên cúng gì ngày vía Thần Tài?
Vào ngày này, các gia đình thường biện mâm lễ cùng hương hoa để dâng cúng. Tùy vào điều kiện của mỗi nhà mà cách sắm lễ vật sẽ khác nhau. Tuy nhiên, đa số đều có:
- Bộ tam sên
Bộ tam sên cúng Thần Tài thường gồm có thịt lợn luộc, 3 quả trứng gà, 3 con tôm luộc.
- Trái cây
Mâm ngũ quả là lễ vật không thể thiếu khi cúng vía Thần Tài. Bạn nên mua đủ 5 loại quả với màu sắc tương ứng ngũ hành mang ý nghĩa mong cầu năm mới phúc lộc, an khang.
Một số loại quả bạn có thể chọn như:
+ Thanh long
+ Bưởi
+ Dưa hấu
+ Mãng cầu
+ Xoài
+ Táo đỏ
- Hoa tươi
Lọ hoa tươi đặt bên cạnh mâm lễ là cách gia chủ bày tỏ tấm lòng, sự thành kính và biết ơn. Hoa để thắp hương nên chọn hoa cúc vàng, hoa hồng, hoa sen hoặc hoa đào, hoa mai…
- Vàng mã
+ Sắm đủ cả tiền giấy và vàng mã.
+ Không nên mua quá nhiều đồ mã dẫn tới hoang phí.
- Thuốc lá
+ Đặt thuốc lá lên đĩa sạch rồi bày trên bàn thờ thần tài.
+ Khi châm thuốc lá, đặt điếu thuốc trên gạt tàn vừa đảm bảo sạch sẽ lại linh nghiệm hơn.
- Gạo, nước, muối
+ Chuẩn bị 3 hũ sạch đựng gạo, nước và muối.
+ Đặt các hũ này ở vị trí chính giữa của 2 bức tượng.
Theo quan niệm phong thủy, 3 hũ muối, gạo, nước sẽ tượng trưng cho mong cầu cuộc sống no đủ, ấm êm.
- Vàng
Vào ngày vía Thần Tài dù bận rộn cỡ nào mọi người cũng sẽ cố gắng mua vàng để cầu may.
+ Đặt vàng lên trên bàn thờ Thần Tài để làm lễ cúng xin lộc.
+ Sau khi kết thúc lễ cúng, gia chủ sẽ xin hạ lễ vàng và luôn để trong két hoặc mang theo bên người với mong muốn gặp nhiều điều may trong làm ăn, buôn bán.
Ở mỗi một vùng miền, địa phương sẽ có tục cúng ngày vía Thần Tài khác nhau. Đơn cử như người miền Nam, ngoài bộ tam sên, tiền vàng, hương hoa… họ sẽ chuẩn bị thêm 1 con cá lóc nướng.
Dân gian quan niệm, cá lóc là loài có khả năng sinh tồn rất tốt vì thế nó biểu trưng cho những nỗ lực và thành công. Bên cạnh đó, trong phong thủy cá là loài vật thu hút may mắn và tài lộc.
Lưu ý khi cúng vía Thần Tài tránh phạm điều kỵ
Không chỉ sắm lễ tươm tất, khi làm lễ cúng ngày vía Thần Tài bạn cần lưu ý một số điểm sau để tránh phạm phải điều đại kỵ.
- Đặt chén nước
Trên mâm lễ cúng Thần Tài sẽ có 5 chén nước.
+ Bạn cần rửa sạch chén rồi thay nước mới vào.
+ Các chén nước nên được sắp xếp theo hình chữ thập là tốt nhất. Bởi theo quan niệm, đây là hình tượng trưng cho ngũ hành cũng như ngũ phương phát triển.
+ Nước không rót quá đầy hoặc quá vơi. Mức nước lý tưởng nhất là cách miệng chén khoảng 1cm.
- Không bày hoa giả
+ Nên bày hoa tươi có nụ, lộc và hoa có mùi thơm.
+ Tuyệt đối không bày hoa giả vì nó làm giảm đi sự trang nhã và không thể hiện được sự thành tâm, hiếu kính.
- Kiêng dâng quả giả
Tương tự như hoa, người ta kiêng không bày quả nhựa lên trên bàn thờ. Ngoài ra, các loại quả có gai nhọn hoặc mùi nặng như sầu riêng, mít cũng không được khuyến khích.
- Mua vàng
Vàng là lễ vật được dâng cúng nhiều trong ngày Thần Tài, tuy nhiên theo các chuyên gia phong thủy thì không nhất thiết phải có vàng trên mâm cúng. Tùy thuộc vào điều kiện thực tế của mỗi gia đình mà quyết định có mua vàng hay không.
* Thông tin trong bài chỉ mang tính chiêm nghiệm, tham khảo