Khởi nghiệp từ một cặp ba ba giống, đến nay ông Quyết đã có một trang trại rộng hơn 5 ha. Cùng với ông Quyết, nhiều nông dân thoát nghèo nhờ nuôi con vật lạ này.
Ba ba là một loài động vật nằm trong lớp bò sát nhìn có vẻ khá giống với loài rùa. Tuy là động vật hoang dã nhưng ba ba khá dễ nuôi, từ lâu đời đã được nuôi thuần hóa tại ao vườn nhà để lấy thịt, chế biến thành nhiều món ăn nổi tiếng. Các món ăn ngon từ ba ba được xem là “đặc sản” có thể kể đến như: Ba ba rang muối, ba ba om chuối đậu, ba ba nướng lá lốt, ba ba nấu lẩu… Thịt ba ba có giá trị dinh dưỡng cao, nên cung cấp nhiều loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể nên rất được thực khách ưa chuộng.
Nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế từ nuôi ba ba gai, năm 2005, ông Nguyễn Hoàng Quyết (Gia Lai) đã tận dụng 400m2 mặt nước ao của gia đình đầu tư nuôi ba ba thử nghiệm. Sau khi nuôi một cặp ba ba và sinh sản tốt, ông Quyết đi vay mượn để mua giống hơn 200 con ba ba “kín mặt ao”.
Học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, ông nông dân “phố núi” từ từ hoàn thiện kỹ thuật nuôi ba ba mang lại hiệu quả cao. Ban đầu ông Quyết gặp rất nhiều khó khăn do ba ba bị bệnh, chậm lớn, biếng ăn, thiếu oxy trong môi trường sống…, từ từ cải thiện ông chuyển sang cho ba ba ăn trên cạn, đồng thời kết hợp thả cá mè, rô phi, ốc để tận dụng sự tương trợ giữa các loài với nhau, vừa đảm bảo nguồn thức ăn, vừa cải thiện nguồn nước.
Nhiều nông dân khởi nghiệp từ ba ba đã gặt hái được thành công.
Từ 200 con ba ba ban đầu, ông Quyết đã xuất chuồng lứa đầu tiên hơn 600 con ba ba thịt và 7.000 con giống, thu lãi trên 1 tỷ đồng/lứa. “Thừa thắng xông lên”, ông mở rộng diện tích và phát triển trang trại lên đến 5000 m2, nhằm cung cấp ba ba thương phẩm cũng như con giống tới nhiều địa phương trong, ngoài tỉnh.
Do là mặt hàng hiếm nên ba ba rất được giá, 500.000 đồng/kg và rất ít khi biến động, trung bình một con ba ba thương phẩm đạt 3-4 kg thì đạt tiêu chuẩn xuất chuồng. Ông Quyết còn cung cấp ba ba giống với giá 150.000 đồng/con, ai muốn học hỏi kinh nghiệm nuôi loài động vật này ông đều chia sẻ kinh nghiệm không hề giấu diếm.
Mô hình chuồng trại nuôi ba ba.
“Nuôi ba ba không phức tạp, dễ nuôi chỉ cần chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, chú ý cho ăn đúng, đủ chất và vệ sinh môi trường nước sạch, tránh gây ô nhiễm, như vậy sẽ đạt hiệu quả cao”, ông nông dân cho hay.
Cũng khởi nghiệp từ mô hình nuôi ba ba mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh Bùi Văn Khả, ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang) lại áp dụng quy trình khá khác biệt chỉ cung cấp ba ba giống, không cung cấp ba ba thương phẩm.
Trang trại của anh Khả có 6 ao nuôi ba ba tổng diện tích 1.500 mét vuông, hiện đang nuôi thả 8.000 con ba ba giống. Anh bố trí mật độ trung bình trong một ô nuôi là 3 con cái sinh sản và một con đực. Khoảng thời gian thu hoạch ba ba giống là vào tháng 6, tháng 7 trong năm. Mỗi con ba ba cái 1 lứa đẻ từ 20 – 30 quả trứng, tỷ lệ ấp nở đạt từ 80-90%. Ước tính giá bình quân thì mỗi con ba ba sau 18 tháng nuôi bán được 190.000 đồng/con giống. Sau khi trừ chi phí, mô hình nuôi ba ba cho anh thu lãi trên 600 triệu đồng.
Nuôi ba ba đơn giản, mang lại thu nhập cao.
“Nuôi ba ba giống cần chú trọng ở chỗ, khi chúng đến giai đoạn đẻ phải tách riêng con đực và con cái theo tỷ lệ 1 đực và 5 cái hoặc 1 đực và 4 cái. Bởi vì, nếu số lượng con đực nhiều thì nó sẽ xảy ra hiện tượng con đực cắn chết con cái”, anh Khả chia sẻ. Ngoài ra, trước khi thả nuôi phải phơi ao, rắc vôi bột để diệt sạch mầm bệnh. Nguồn nước ao nuôi ba ba phải thay thường xuyên để tránh ô nhiễm, rắc vôi bột và muối để hạn chế phèn, diệt khuẩn, sát trùng, hạn chế mầm bệnh.
Từ chỗ cung cấp con giống cho nhiều nông dân trong khu vực, anh Khả đã tạo công ăn việc làm, thậm chí là hướng “làm giàu” cho nhiều nông dân. Một trong số đó phải kể đến anh Mai Quốc Huy (Hậu Giang), người từng mua của anh Khả hơn 100 cặp ba ba giống vào năm 2010. Anh nông dân này chia sẻ, bản thân đã tham quan nhiều mô hình nuôi ba ba thành công ở miền Tây, đồng thời tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về đặc điểm sinh thái và giá trị kinh tế của con ba ba và thấy đây là một mô hình chăn nuôi “khả thi” và rất dễ làm giàu.
Sau hơn 2 năm chăm sóc, do có kỹ thuật chăn nuôi tốt nên đàn ba ba nhà anh Huy lớn nhanh, xuất bán cũng cho anh một khoản thu kha khá. Anh mở rộng quy mô nuôi, tiếp tục đầu tư, đào thêm ao, dần hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật khu nuôi.
Hiện tại chàng nông dân Hậu Giang đã có trang trại với hệ thống 30 ao nuôi liên hoàn được thiết kế bài bản, khoa học với các khu vực riêng cho ba ba sinh sản, khu ấp trứng, khu nuôi dưỡng ba ba mới nở, khu ương ba ba giống. Ngoài ra, anh Huy còn đầu tư nhiều trang, thiết bị khác phục vụ nuôi ba ba quy mô trang trại như máy nghiền trộn thức ăn, phòng lạnh cấp đông thức ăn, xe đẩy.
“Mặc dù chăm sóc ba ba khá dễ song người nuôi cần phải thường xuyên kiểm tra lượng thức ăn để tránh tình trạng thức ăn dư thừa làm ô nhiễm môi trường ao nuôi, từ đó ba ba dễ bị các bệnh nấm thủy mi, viêm loét do vi khuẩn, sưng cổ. Nếu phát hiện con nào có triệu chứng bệnh cần phải tách đàn và xử lý môi trường ao nuôi bằng các chế phẩm sinh học, vôi bột”, anh Huy chia sẻ.