Đầu ra dồi dào, loại cây cảnh này đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều người nông dân, trồng 4 tháng là có thể thu hoạch đều đều.
Cây “đô la” hay còn có tên khác là cây khuynh diệp lá bạc, tên khoa học là Pulverulenta baby blue thuộc họ bạch đàn (Eucalyptus), có nguồn gốc từ Tasmania, Australia. Cây có mùi hương dịu nhẹ, tán lá tròn có màu sáng bạc khi còn non, khi trưởng thành lá cây chuyển sang màu xanh lục như phủ một lớp bụi phấn và sương sớm rất đẹp mắt.
Vài năm trở lại đây sau khi du nhập vào Việt Nam, loại cây này trở thành một trong những phụ kiện trang trí, dùng để cắm, trang trí hoa tươi vì lá cây đẹp, bền, có hương thơm. Một số cơ sở sản xuất tinh dầu trong và ngoài nước cũng thu mua loại cây này để chiết xuất tinh dầu thơm.
Chính vì vậy mà đi dọc các đồi núi dọc đường đi vào khu suối Nước Trong, xã Tà Nung, thành phố Đà Lạt, không khó để bắt gặp những vườn cây đô la lạ mắt. Đi từ xa đã ngửi thấy hương tinh dầu nồng nàn trong nắng sớm và thời tiết se lạnh của thành phố sương mù. Từ khi cây đô la được người dân tại khu vực này biết đến là loại cây có nguồn đầu ra ổn định, nhiều bà con đã không ngần ngại chuyển hướng sang trồng loại cây này xen canh giữa vườn chè, vườn hoa, các loại rau củ và cây ăn trái khác.
Vườn trồng cây đô la anh Trần Hải Phước.
Như trang trại của anh nông dân 9X Trần Hải Phước, rộng hơn 2 ha nằm trên một ngọn đồi thoải của xã Tà Nung. Chủ vườn hào hứng giới thiệu: “Vườn đô la này em trồng từ hơn 2 năm trước với diện tích ít, giờ mở rộng thêm để đủ lá cung cấp cho thị trường. Hiện ngoài cắt lá từ vườn nhà, em còn thu mua lá của bà con trong xã, mua của cả bà con bên xã Mê Linh, Lâm Hà để đảm bảo cung cấp đủ cho khách hàng”.
Năm 2019, anh Hải Phước rời TP.HCM sau khi tốt nghiệp đại học Nông Lâm. Cầm trên tay tấm bằng kỹ sư nông nghiệp, chàng trai trẻ quyết định về quê khởi nghiệp. Lúc đó, trên MXH rầm rộ trào lưu cắm hoa với lá đô la vừa mới du nhập vào Việt Nam. Tuy nhiên do chưa ai trồng được nên vẫn phải nhập khẩu lá cây đô la từ Úc, giá rất cao.
Cận cảnh cây đô la
Tìm hiểu ra mới biết cây đô la thường được nhân từ hạt, sau khi cao chừng 30-40 cm thì đưa ra vườn, có cọc cắm để cây không ngã đổ. Chăm tốt, nước tưới đầy đủ thì chỉ 4 tháng là cây đô la cao ngang đầu người, có thể cho thu hoạch. Chàng kỹ sư nông nghiệp quyết định đặt mua cây giống về trồng thử trên 1 sào đất vườn của gia đình, thấy cây khá dễ trồng lại phù hợp khí hậu Lâm Đồng nên thành phẩm cho ra lá to hơn, màu sáng đẹp và ít bị giập hay hư hại như loại nhập khẩu. Khi cây cao 3-4m, anh Phước cắt bán lứa đầu tiên cho hiệu quả kinh tế cao. Nhận thấy hiệu quả, anh tiếp tục mở rộng diện tích.
“Đất này em vốn trồng cà phê, trồng bơ nhưng do đất khá dốc, cây cà phê cũng không hiệu quả lắm nên em chuyển dần sang trồng các loài cây lấy lá như đô la và đang thử nghiệm một số cây khác như tùng lá kiếm”, anh Phước chia sẻ.
Giờ đây cả vườn cây đô la của anh Phước đã cho thu hoạch hàng tuần, có nguồn thu nhập thường xuyên phục vụ đời sống kinh tế gia đình. Chỉ với 2 ha đất trồng đô la, chàng nông dân trẻ thu về hơn 1 tỷ đồng/năm, cao hơn các loại cây trồng công nghiệp lâu năm khác nhưng đầu tư chi phí ban đầu không cao.
Từ khi nhân giống thành công cây đô la, anh Hải Phước cũng bắt đầu chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều nông dân người khác trong vùng. Anh Huỳnh Văn Thìn (37 tuổi) là một trong số những người mạnh dạn chuyển đổi 1,5 ha vườn tiêu sang trồng cây đô la.
Anh Thìn trồng vườn đô la trên mảnh đất trang trại của gia đình.
“Mình luôn ấp ủ tìm ra loại cây đặc biệt trồng sao để tránh được thảm cảnh "được mùa, mất giá" và mang lại lợi nhuận cao. Trải qua hơn 5 tháng, cây đô la đã phát triển tốt và cho thu hoạch, đáp ứng được các yêu cầu trên của tôi”, anh Thìn chia sẻ.
“Vì giá thành rẻ và vận chuyển gần nên nhiều vựa hoa, cửa hàng đã đặt hàng thường xuyên từ vườn. Giá bán cành cây đô la hiện tại từ 80.000-120.000 đồng/kg tùy size, tùy chất lượng, nếu trồng 1 sào cũng có thể cho thu hoạch 4-5 triệu đồng mỗi tháng. Các dịp lễ, Tết cần nguồn cung hoa tươi nhiều, tôi có thể thu cả vài triệu đồng/ngày là điều bình thường”, anh Thìn nói thêm.
Nhiều nông dân đã và đang thành công với mô hình trồng cây đô la.
Tuy nhiên, theo anh Thìn, khi thu hoạch cây đô la phải chú ý chất lượng cành, cành phải già mới cắt sẽ cắm được lâu, màu đẹp, mùi thơm. Nếu cắt cành non, cắm nước sẽ bị gục, chất lượng kém. Với các khách hàng khó tính, anh Thìn phải phân loại rất kỹ, cành đơn được ưa chuộng hơn, giá cao hơn cành có nhánh.
Một số nơi lại thích cây đô la lá nhỏ, lá lớn khác nhau tùy thuộc vào phong cách cắm hoa và mục đích trang trí. Chính vì vậy, sau khi cắt cành cây đô la còn thêm một công đoạn là phân loại hàng trước khi đóng gói xuất đi.
Trước nguồn đầu ra dồi dào, anh Phước, anh Thìn và bà con trong xã đang mở rộng mô hình để trồng xen canh. Đồng thời, ngoài thu mua các vườn đô la khác trong vùng, anh Phước cũng đang mày mò để chế tinh dầu cây đô la, qua đó giúp tăng thu nhập cho bà con trong vùng.