Nghề lạ ở Việt Nam: Loài đặc sản bé như nắm tay, cho ăn ngô khoai sắn mỗi ngày, tưởng nuôi chơi ai ngờ kiếm 1 triệu/ngày

H.A - Ngày 14/11/2022 06:30 AM (GMT+7)

Những chú chim nhỏ xíu như “nắm tay", cả ngày chỉ ăn và đẻ trứng đã mang lại lợi nhuận “khủng” cho người nông dân.

Chim cút vốn không phải là loại động vật xa lạ ở Việt Nam, đặc biệt là khi nhắc đến các món ăn từ thịt chim cút, trứng chim cút… Cũng chính vì vậy, mô hình nuôi chim cút được xem là mô hình kinh tế mới đầy triển vọng tại nhiều địa phương. Nhiều nông dân đã và đang theo nghề nuôi chim cút hiện đều đã có thu nhập ổn định, nhờ nghề cung cấp các thương phẩm chim cút ra thị trường mà họ có lợi nhuận “khủng”. Thậm chí nhiều nông dân còn thoát nghèo, làm giàu từ mô hình chăn nuôi này.

Chim cút đẻ trứng rất nhiều.

Chim cút đẻ trứng rất nhiều.

Như đôi vợ chồng trẻ anh Đoàn Khánh Linh, và chị Nguyễn Kiều Lam, 25 tuổi, ấp Trại Lưới A, xã Đất Mới, huyện Năm Căn (tỉnh Cà Mau) là một ví dụ. Năm 2019, hai anh chị thực nghiệm mô hình nuôi chim cút. Từ 50 con chim cút giống ban đầu, đến nay, số lượng đã lên đến hàng ngàn con chim cút bố mẹ… Hiện tại cơ sở của anh chị đang cung cấp cút chim cút giống, chim cút thịt, trứng cút cho thị trường trong và ngoài huyện Năm Căn, thu lợi mỗi tháng hàng chục triệu đồng.

Theo chia sẻ của anh Linh, nuôi chim cút ít tốn công chăm sóc, chỉ cho ăn 3 lần/ngày, nước uống đã có hệ thống lắp đặt tự động. Thức ăn nuôi chim cũng khá đơn giản, từ gạo ngô khoai sắn, rau củ quả… Tuy nhiên phải lưu ý nguồn thức ăn và nước uống cho chim cần chú ý lựa chọn nguồn nước sạch, không ô nhiễm các hóa chất nếu không muốn chim bị nhiễm bệnh, còi cọc, rụng lông xơ xác hoặc sinh sản kém.

Mô hình nuôi chim cút của anh Linh, chị Lam ở Năm Căn (Cà Mau) khá đơn giản. Từ chuồng trại đến hệ thống điện, nước, máng ăn được bố trí bàn bản, đặc biệt anh Đoàn Khánh Linh đã tự nghiên cứu, xây dựng mô hình chuồng trại, tự mua thiết bị và chế tạo thành công máy ấp trứng, với công suất 10.000 trứng/lần ấp. 

Nghề lạ ở Việt Nam: Loài đặc sản bé như nắm tay, cho ăn ngô khoai sắn mỗi ngày, tưởng nuôi chơi ai ngờ kiếm 1 triệu/ngày - 2

“Nếu không muốn ảnh hưởng đến thần kinh của chim thì cần chọn vị trí yên tĩnh, ít tiếng ồn lớn để nuôi chim cút. Điều này phòng trường hợp khi có tiếng động mạnh hay có người lạ vào chuồng có thể khiến chim hoảng hốt mà bay dựng lên trên có thể bị thương, hoặc gây kích động cả đàn chim gây vỡ tổ…”, anh Linh lưu ý. 

Ngoài ra, anh Linh cho biết chim cút khá mẫn cảm với thời tiết và đặc biệt là nhiệt độ. Nếu nuôi chim cút non thì nhiệt độ cần có của chúng là từ 24-35 độ C. Nếu nhiệt độ quá thấp hay quá cao có thể sẽ khiến chim non chết vì không thích nghi được với khí hậu. Trong trang trại nuôi chim cút, nên duy trì nhiệt độ từ 18-25 độ C. Với loại chim cút nếu để nhiệt độ thấp hơn 18 độ C sẽ làm giảm năng suất đẻ trứng của chim vì chim phải điều tiết thân nhiệt để chống lạnh. 

Cũng áp dụng tương tự mô hình nuôi chim cút của anh Đoàn Khánh Linh, cách đó không xa có anh Huỳnh Văn Tiến (Năm Căn, Cà Mau) đã khởi nghiệp thành công với mô hình này. “Cách đây khoảng 3 năm em mua vài chục chim cút cho trăn con ăn, số còn lại nuôi chơi, nhưng thấy nó đẻ nhiều quá nên ham bắt đầu nuôi”, anh Tiến chia sẻ về cơ duyên với nghề nuôi chim cút. 

Ban đầu, anh Tiến tự mày mò tìm hiểu kỹ thuật nuôi sơ khai, trong quá trình nuôi, anh nghiên cứu học hỏi từ báo, đài và đi tham quan thực tế, đến nay mô hình đã phát triển rõ rệt. Biết anh Linh có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, anh Tiến mới tự liên hệ đi tham quan mô hình của anh Linh để học hỏi thêm. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, đàn chim cút của anh Tiến “ăn rồi đẻ", mang lại lợi nhuận khủng cho anh nông dân.

Hiện tại trang trại của anh Tiến có 7.000 con cút đang đẻ, mỗi ngày đạt từ 6.000 đến 6.500 trứng, tiêu thụ ra thị trường, đồng thời, gia đình anh Tiến còn cung cấp 100 con cút thịt theo đơn đặt hàng mỗi ngày và nhiều thực khách đặt hàng mua lẻ tiêu dùng. Hiện tại, giá anh Tiến xuất bán ra thị trường giao động từ 450 đến 650 ngàn đồng/trứng cút tươi, 800 đến 1200 đồng/trứng cút lộn và từ 19.000 ngàn đến 25.000 đồng/con cút thịt làm sẵn, trừ chi phí thu nhập trên 1 triệu đồng/ngày.

Ở miền Trung, anh Nguyễn Thành Trung (sinh 1992, trú xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cũng là một trong số những người rất thành công với nghề nuôi chim cút. Trước đây anh Trung làm nghề tài xế, có thời điểm anh lái xe đường dài, thời điểm anh lái xe ben, xe tải… Công việc quá vất vả khiến anh không có thời gian lo cho gia đình, trăn trở rất lớn đã khiến anh nông dân gốc Đà Nẵng quyết định về quê lập nghiệp.

Biết bạn mình đang nuôi chim cút lấy trứng cho thu nhập cao, anh Trung xin học hỏi và quyết định khởi nghiệp với mô hình nuôi chim cút. Năm 2018, anh bắt tay vào nuôi chim cút với suy nghĩ: “Trứng cút và thịt cút là loại thực phẩm bổ dưỡng, trong khi đó, với nhu cầu thị hiếu ngày càng cao và được nhiều người ưa chuộng, tôi chắc chắn mô hình nuôi cút sẽ hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao”.

Anh Trung chăm sóc bầy chim cút non mới nở.

Anh Trung chăm sóc bầy chim cút non mới nở.

Quả thật như vậy, kể từ đó cho đến nay để đáp ứng nhu cầu thị trường, anh Trung đã mở rộng mô hình nuôi chim cút lên khoảng 30.000 con. Lứa trứng cút hay chim cút lấy thịt đến đợt xuất là thương lái đến tận nơi để mua hàng, sau đó xuất đi khắp các tỉnh miền Bắc, Trung, Nam. Anh Trung cho biết bản thân chưa bao giờ phải lo đầu ra, mặt khác, mô hình nuôi cũng ít vốn đầu tư, chỉ cần số tiền nhàn rỗi để mua thức ăn tích trữ, nhưng khi cút đẻ thì có thu nhập ngay từ việc bán trứng, rồi đến cút giống và cút thịt.

Với tổng diện tích chuồng trại trên 1600m2, hiện nay anh Trung đang nuôi khoảng 30.000 con chim cút đang đẻ và 6.000 con cút tơ. Theo anh, khi chim cút bắt đầu đẻ đại trà, số trứng thu về tăng gấp 3, lúc đấy nhuận lợi cũng tăng lên khoảng 400 - 450 triệu đồng/năm. Dự định sắp tới, anh mở rộng trang trại nuôi chim cút của mình để tăng nguồn cung xuất ra thị trường, đồng thời tạo công ăn việc làm cho hơn 10 lao động trong khu vực với mức lương mỗi người từ 5.000.000 - 8.000.000 đồng/người/tháng.

Chuồng nuôi chim cút khá đơn giản.

Chuồng nuôi chim cút khá đơn giản.

Tiếng lành đồn xa, mô hình nuôi chim cút của anh Trung mỗi ngày đều đón nhiều đoàn khách, chủ yếu là các nông dân ở gần xa đến tham quan và học hỏi kinh nghiệm. Anh Trung cũng không hề giấu giếm mà sẵn sàng chỉ hết các “bí quyết" trong nghề của mình. Với những ai mới bắt đầu học nuôi, anh còn hỗ trợ chim giống, hướng dẫn lắp đặt hệ thống máy sưởi, thậm chí cung cấp cả nguồn đầu ra cho mọi người. Chính vì vậy, trong khu vực ai cũng yêu mến người nông dân gốc miền Trung giản dị, tốt bụng và nhiệt tình này.

Nghề lạ ở Việt Nam: Nuôi loài đặc sản trông ghê rợn nhưng rất đắt hàng, ăn lãi gấp 10 lần chỉ chưa đầy 1 tháng
Nghề nuôi tằm lá sắn lấy thịt mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân tại tỉnh Phú Thọ. Loài này trông đáng sợ nhưng là đặc sản thơm ngon, hàng có bao nhiêu cũng hết.

Nghề lạ

H.A
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Nghề lạ