Nghề lạ ở Việt Nam: Nuôi loài cá quý hiếm từng nằm trong sách đỏ, cho ăn đồ rẻ tiền, bán làm đặc sản lãi 200 triệu/năm

H.A - Ngày 17/10/2023 14:33 PM (GMT+7)

Ưu điểm của loài cá này là sức đề kháng với bệnh tốt, chi phí đầu vào thấp, nuôi đơn giản nhưng mang lại nguồn thu hàng năm cho người nông dân.

Cá bỗng được coi là đặc sản quý hiếm bởi có giá trị dinh dưỡng cao và là 1 trong 5 loại cá tiến vua xưa (cá lăng, cá anh vũ, cá dầm xanh, cá chiên và cá bỗng). Trước kia, cá bỗng thường chỉ được đồng bào dân tộc Tày ở Hà Giang chế biến vào mỗi dịp có khách quý, hay những ngày lễ, Tết.

Cá bỗng Hà Giang có màu xám thẫm, lưng màu đen hoặc xám xanh, nhạt dần về phía bụng, thịt chắc và dai hơn nhiều loại cá khác. Món cá này được bà con chế biến thành 5 món, kể cả vây cá cũng được rang giòn ăn rất ngon và lạ miệng. 

Theo những người lớn tuổi trong thôn kể, cá bỗng vốn là loài cá tự nhiên, sống ở các con sông lớn thuộc vùng núi phía Bắc, như tại sông Lô, sông Gâm. Tuy nhiên nhiều năm nay, các hộ đồng bào Tày bắt đầu đưa loại cá này vào ao, nuôi theo phương pháp truyền thống của người Tày. "Nuôi khoảng 10 năm cá bỗng mới bắt đầu sinh đẻ nhưng tỷ lệ sống thấp, chỉ khoảng từ 30-40%", anh Hưng  (41 tuổi, Hà Giang) chia sẻ.

Cá bỗng là loài cá tiến vua từng nằm trong sách đỏ thuộc diện cần hạn chế khai thác

Cá bỗng là loài cá tiến vua từng nằm trong sách đỏ thuộc diện cần hạn chế khai thác

Dù vậy cá bỗng khá phù hợp với điều kiện tự nhiên và môi trường của Hà Giang. Bà con tại đây nuôi quảng canh, tận dụng nguồn thức ăn có sẵn tại địa phương, cho ăn thức ăn xanh, chủ yếu là rau, lá sắn, thân chuối băm nhỏ, có thể tận dụng bèo. "Để nuôi được cá bỗng, bên cạnh nguồn nước sạch, cần phải có nguồn nước suối chảy liên tục", anh Hưng chia sẻ.

Hiện trong ao gia đình anh Hưng luôn duy trì khoảng hơn 100 con cá có tuổi 2 - 5 năm. Theo anh, cá phải đạt đủ thời gian nuôi tối thiểu 2 năm và đạt trọng lượng trên 2kg mới có thể bán. Giá thị trường hiện nay dao động khoảng 250.000 - 300.000 đồng/kg. Thu nhập bình quân của anh Hưng mỗi năm (lợi nhuận) khoảng 200 triệu đồng từ việc nuôi cá bỗng.

Hiện toàn huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang đã có khoảng 100 hộ gia đình phát triển mô hình nuôi cá bỗng thương phẩm theo hướng hàng hóa, mỗi năm các hộ có thu nhập từ 90 triệu đồng đến 300 triệu đồng tùy vào số lượng cá đạt chuẩn được bán ra thị trường. Được biết, tháng 5/2021 vừa qua, tỉnh Hà Giang đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00105 cho sản phẩm cá bỗng Hà Giang. 

Nhờ mô hình nuôi cá bỗng, nhiều hộ dân đổi đời

Nhờ mô hình nuôi cá bỗng, nhiều hộ dân đổi đời

Ngoài Hà Giang, mô hình nuôi cá bỗng được phát triển trong những năm gần đây ở một số tỉnh miền núi như Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa, nơi có nguồn nước mát, sạch. Ông Hà Văn Khường (Quan Hóa, Thanh Hóa) cho biết: “Cứ nuôi lâu, nuôi nhiều là khắc có kinh nghiệm thôi”.

Với địa hình sẵn có nguồn nước, gia đình ông Khường đầu tư nuôi nhiều loại cá khác nhau, nhưng sau một thời gian ông nhận thấy các loại cá này chậm phát triển, giá thành không cao, không có sức cạnh tranh, lại hay xảy ra dịch bệnh gây thất bại. Năm 1996, ông được bố vợ cho 30 con cá bổng bắt ở sông Mã về nuôi. Qua thời gian, ông thấy cá bỗng thoạt nhìn giống cá trắm với thân mình thon dài nhưng lưng của chúng có màu xanh rêu, môi và vây màu đỏ. Cá bỗng là loài ăn tạp, thức ăn sẵn có chủ yếu là cỏ, ngô, sắn. Theo ông Khường cá bỗng rất dễ nuôi, hơn nữa lại có trọng lượng lên tới hơn 10 kg, thịt thơm, ngon, dễ thích nghi với nguồn nước tự nhiên.

Mô hình nuôi cá bỗng chi phí đầu vào thấp, kỹ thuật chăm sóc đơn giản

Mô hình nuôi cá bỗng chi phí đầu vào thấp, kỹ thuật chăm sóc đơn giản

Ông Khường cho biết cá bỗng đạt trọng lượng từ 3-5 kg cá bắt đầu sinh sản,1 năm cá sinh sản 2 lần từ tháng 2 đến tháng 9. Mỗi năm gia đình ông xuất bán 8 vạn con cá giống. Cùng với bán cá giống và cá thịt, bình quân mỗi năm gia đình ông thu nhập được từ 300 đến 350 triệu đồng/năm. 

Ưu điểm lớn nhất của nuôi thương phẩm cá bỗng là sức đề kháng với bệnh tốt, chi phí đầu vào thấp, kỹ thuật chăm sóc đơn giản, nuôi được với mật độ cao, có đầu ra tương đối ổn định.  Với tín hiệu khả quan từ việc nuôi giống cá bỗng, ông Khường đang tích cực mở rộng diện tích ao đầm của gia đình, để nhân rộng mô hình nuôi cá bỗng. Theo ông cho biết, nếu tìm được đầu ra tốt, tận dụng tốt nguồn thức ăn sẵn có thì nuôi cá bỗng sẽ là hướng đi giúp đồng bào vùng cao này thoát nghèo nhanh chóng.

Nghề lạ ở Việt Nam: Trồng loại cây cho ra chùm quả đỏ sai trĩu dưới gốc, đến mùa thu hoạch kiếm hàng trăm triệu
Một điều đặc biệt là thảo quả là cây thân thảo, hoa và quả mọc từ gốc chứ không mọc trên cành hay ngọn như những cây ăn quả khác. Đến mùa, từng chùm...

Nghề lạ

Theo H.A
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Nghề lạ