Đó là ngày Hải An mới tiếp nhận điều trị bệnh u não quái ác, con vẫn đi học. Hôm ấy, con trở về nhà, trên tay cầm chiếc lá. Con nói: “Mẹ ơi! Đây là chiếc lá cuối cùng. Con sẽ giấu chiếc lá này đi để muốn mẹ tìm cho con... Lúc đấy tôi không hiểu gì…”.
“Chưa bao giờ hối hận khi thực hiện di nguyện của con gái”
Chị Nguyễn Trần Thuỳ Dương – mẹ của bé Hải An (7 tuổi, ở Hà Nội), em bé hiến giác mạc sau khi qua đời – đã mở đầu câu chuyện về giây phút quyết định đồng ý hiến giác mạc của con, trong chương trình Tọa đàm trực tuyến được Báo Gia đình & Xã hội, phối hợp Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia thực hiện sáng 31/8, với chủ đề: “Vai trò của gia đình trong công tác vận động hiến tặng mô/tạng”.
Luôn khẳng định mình chỉ thực hiện di nguyện của cô con gái đáng yêu, bé bỏng từ khi bé còn sống, và chưa bao giờ hối hận về quyết định đó, chị Thuỳ Dương chia sẻ: An là cháu gái đầu tiên của dòng họ. Mọi người thân đều yêu quý cháu, yêu đến mức chỉ một tổn thương nhỏ cũng khiến cả nhà lo lắng. Khi cháu lại mất đi, nỗi đau quá lớn, đến tột cùng.
Chị Dương nói khi chị gọi điện cho Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia bày tỏ ý muốn hiến toàn bộ nội tạng của con gái, chị đã gặp nhiều sự phản đối từ phía người thân quen.
“Điều đầu tiên tôi nói với mọi người, đó là việc hiến tạng, hiến giác mạc là di nguyện, ước muốn khi còn sống của bé An. Ai từng gặp Hải An, đều biết cháu là người giàu lòng nhân ái, tình cảm, con cũng từng theo mẹ đi gặp gỡ, tiếp xúc nhiều mảnh đời cần sự sẻ chia".
Chị Thuỳ Dương nghẹn ngào chia sẻ câu chuyện của bé Hải An. Ảnh: Chí Cường
Khi bé Hải An mất, chị nói rõ di nguyện của con, mọi người đều phản đối: “Trẻ con thì biết gì!”. Thậm chí có những người quen cũng nói rằng: “Sao làm mẹ mà độc ác thế! Con chết còn không nguyên vẹn”. Chị đã kể cho mọi người câu chuyện nhỏ của bé An.
"Khi Hải An mới tiếp nhận điều trị bệnh u não quái ác bằng phương pháp châm cứu, con vẫn đi học. Hôm ấy, con trở về nhà, cầm trên tay chiếc lá, con nói: “Mẹ ơi! Đây là chiếc lá cuối cùng. Mẹ ơi, con sẽ giấu chiếc lá này đi để muốn mẹ tìm cho con…
Lúc đấy tôi không hiểu gì đâu! Sau này, khi đến trường của con, gặp cô giáo và nhận từ tay cô một bức ảnh. Trong bức ảnh đó, Hải An cầm chiếc lá màu xanh, là chiếc lá cuối cùng. Hải An mong rằng mỗi lần mẹ nhìn thấy chiếc lá, là mẹ nhìn thấy con. Con muốn mẹ tiếp tục nghe tim con đập, nhìn vào mắt con để mẹ tiếp tục sống, tồn tại, để chứng kiến những điều tốt đẹp mà con mang lại cho thế giới này.
“Câu chuyện đó tôi kể với mọi người, và ai cũng hiểu, hiến tạng là di nguyện của An. Tôi nhớ bà ngoại cháu nói, đây là điều tốt đẹp nên gia đình muốn làm. Điều tốt đẹp mà Hải An để lại đối với tôi, đó là nguồn động lực to lớn để tôi sống tiếp” – chị Dương nói.
Một đứa trẻ còn muốn hiến tạng, tại sao người lớn lại không?
Chị Dương cũng chia sẻ, sau khi Hải An qua đời, chị cũng như bao bà mẹ khác, chìm trong nỗi đau. Vài bà mẹ nghe thông tin về Hải An, gọi điện cho chị, mong chị kể câu chuyện của con mình để gia đình họ nhìn vào câu chuyện của Hải An, cho họ nguồn động lực nhìn nhận vấn đề hiến tạng một cách rõ nét nhất.
“Và cũng để các bà mẹ có thêm động lực cho quyết định đó, thuyết phục gia đình, giúp họ có thể gặp con mình một lần nữa, thông qua hình hài người khác, dù con đã ra đi” – chị Dương nói.
Không chỉ các bà mẹ, sau câu chuyện của bé An, nhiều em bé mắc bệnh trọng đã gọi điện cho chị Dương để được lắng nghe sự chia sẻ từ người mẹ trẻ này.
“Có những hôm, có những bé gọi cho mình: Cô ơi, cô giờ có đau không? Con sợ rằng một ngày nào đó, con cũng ra đi như Hải An, liệu mẹ con có đau như cô không? Lúc đấy tôi không biết nói gì, tuổi đấy phải là gia đình quyết định. Di nguyện của An thì tôi đã thực hiện. Với những cháu khác thì sao? Cả hai mẹ con họ khóc, tôi cũng nhoà lệ theo” – chị Dương kể chuyện.
Người mẹ trẻ chỉ mới ngoài 30 ấy cũng nói về câu chuyện em bé suy tim khi mới 16 tuổi mong mỏi được ghép tim để nối dài sự sống. Khi chị chia sẻ câu chuyện này lên facebook cá nhân, có một em bé mắc bệnh u phổi gọi điện cho chị, và nói rằng:
“Cháu nghe loáng thoáng là cháu không còn sống được bao lâu nữa. Nhưng liệu rằng bạn bị suy tim có chờ được cháu, để nhận món quà là trái tim cháu tặng bạn ấy không. Thật sự cháu muốn nói với bố mẹ tâm nguyện của cháu, nhưng cháu sợ cháu nói ra thì bố mẹ không chịu được”.
Một đứa trẻ còn nghĩ được, mong muốn được như vậy, tại sao người lớn chúng ta thì không? Các bé nhiều mong mỏi lắm, muốn được hiến tạng lắm nhưng vừa yêu bố mẹ, sợ bố mẹ đau đớn, vừa sợ bố mẹ không thực hiện, gia đình ngăn cản…
“Nhưng tôi thực sự nghĩ, nếu con đã có ý nguyện đó, bố mẹ sẽ kìm nỗi đau lại, vượt qua khó khăn để giúp con làm điều tốt đẹp, để có cơ hội nghe tiếng trái tim con lần nữa đập trong lồng ngực người khác” – chị nói.