Báo The Yomiuri Shimbun, một tờ báo uy tín hàng đầu Nhật Bản đã đưa tin chấn động, Công ty JTC (Nhật Bản) đã phải chi bất hợp pháp 100 triệu Yên cho các cán bộ và một số đối tượng khác ở nước thứ ba (gồm Indonesia, Uzebekistan và Việt Nam) từ năm 2008 – 2012 để được tham gia thực hiện các dự án ODA.
Chi tiền để nhận hợp đồng dự án ODA?
Theo đó, ông Tamio Kakinuma – Chủ tịch tập đoàn Tập đoàn Tư vấn GTVT Nhật Bản JTC thừa nhận, tập đoàn này đưa hối lộ khoảng 100 triệu Yen (978.300 USD) cho lãnh đạo ngành đường sắt các nước Việt Nam, Uzbekistan và Indonesia, nhằm giành được các hợp đồng tư vấn thiết kế cho những dự án đường sắt sử dụng vốn ODA của Nhật Bản ở các nước này.
Ông Kakinuma, 65 tuổi, đã nhận sai phạm sau khi đội điều tra đặc biệt của Văn phòng Công tố Tokyo chất vấn hôm 18-3. Cục Thuế khu vực Tokyo phát hiện, hãng tư vấn đường sắt JTC chi trả trái phép khoảng 40 lần với tổng số tiền 130 triệu Yen (gần 26,7 tỷ đồng) từ tháng 2-2008 đến 2-2014, để nhận được hợp đồng cho 5 dự án ODA.
Cụ thể, JTC lại quả 80 triệu Yen (khoảng 16,4 tỷ đồng) cho một dự án ODA trị giá 4,2 tỷ Yen (khoảng 862,8 tỷ đồng) ở Việt Nam, 30 triệu Yen cho 3 dự án 2,9 tỷ Yen ở Indonesia, và 20 triệu Yen cho một dự án khoảng 700 triệu Yen ở Uzbekistan.
JTC được cho là đã đút lót 5 người, trong đó có một lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, một lãnh đạo thuộc ban giám đốc ngành đường sắt của Bộ GTVT Indonesia và một lãnh đạo phụ trách dự án tại Tập đoàn đường sắt Temir Yollari của Uzbekistan. Song danh tính những người này không được tiết lộ.
Lãnh đạo ngành đường sắt dính nghi án nhận lại quả 80 triệu Yen
Tại Việt Nam, trong nhiều năm qua, JTC có mặt ở hầu hết các dự án liên quan đến đường sắt như các dự án an toàn giao thông đường sắt Bắc - Nam, xử lý cầu yếu, dự án đường sắt đô thị và cả dự án nghiên cứu xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Chủ đầu tư các dự án này đều là Tổng công ty đường sắt Việt Nam.
Tất cả cán bộ liên quan đều phải giải trình
Chiều 23-3, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã có buổi làm việc bất thường với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các bên liên quan. Theo đó, dự án mà JTC có dính nghi án hối lộ quan chức ngành đường sắt là Dự án đường sắt đô thị số 1 Yên Viên- Ngọc Hồi.
Tại cuộc họp, ông Đinh La Thăng đã yêu cầu phải xử lý khẩn trương, quyết liệt, minh bạch, đồng thời giao Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông trong ngày hôm nay 24/3, làm việc với JICA tại Việt Nam và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam. “Chúng ta làm nghiêm túc, minh bạch sẽ thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, đối tác giữa hai nước bấy lâu. Việc xác minh, làm rõ thông tin đó, cũng chính là để thực hiện chỉ đạo của Đảng, Chính phủ trong việc chống tiêu cực, tham nhũng của ngành. Để người dân thấy quan điểm của Bộ GTVT là kiên quyết chống tham những, tiêu cực trong ngành GTVT”, ông Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng yêu cầu rà soát lại Dự án đường sắt đô thị nội đô có dính đến nghi vấn nhận hối lộ, toàn bộ cán bộ của Dự án phải giải trình, kể cả những người đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác. Từ Vụ trưởng, Vụ phó liên quan đến các cán bộ phải tạm ngừng mọi công việc hàng ngày để làm báo cáo giải trình.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng yêu cầu rà soát lại hết các Dự án của ngành giao thông có liên quan đến Tập đoàn JTC ở Việt Nam, tạm ngừng giải ngân và rà soát các thủ tục giải ngân số tiền còn lại, dừng đàm phán giai đoạn 2A (đoạn Giáp Bát đến Ngọc Hồi) của Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1). Các Thứ trưởng Bộ GTVT trong thời gian sớm nhất phải rà soát, kiểm tra lại các Dự án có vốn đầu tư ODA, từ nguồn vốn ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á…
Ngày 23-3, Bộ GTVT đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc trên. Đồng thời cũng đã báo cáo Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao để cung cấp thông tin và phối hợp xử lý khi có những thông tin tiếp theo.
Nghi án hối lộ thuộc dự án đường sắt đô thị số 1
Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (hay còn gọi là Đường sắt trên cao Hà Nội, đoạn Ngọc Hồi – Yên Viên) được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại văn bản số 195/CP-CN ngày 12-2-2004. Dự án được chia làm các giai đoạn đầu tư xây dựng để phù hợp với nhu cầu khai thác sử dụng, thu xếp nguồn vốn vay ODA Nhật Bản.
Hiện tại, đã ký hiệp định vay JICA lần 1 với giá trị 4,683 tỷ Yên cho công tác thiết kế kỹ thuật và hỗ trợ đấu thầu. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tổ chức đấu thầu tuyển chọn tư vấn từ tháng 4-2008, JTC là đơn vị trúng thầu. Giá trúng thầu là gần 3 tỷ Yen và hơn 320,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó đã có sự điều chỉnh và tổng giá trị hợp đồng tư vấn sau điều chỉnh là 3,6 tỷ Yên và hơn 236 tỷ đồng, thời gian thực hiện kéo dài thêm 11 tháng đến ngày 31-10-2012. Hợp đồng tư vấn đã giải ngân khoảng 80% phần tiền Yên và 69% phần tiền Việt.
Đến nay, Dự án đã tiếp nhận 2 khoản vay JICA với tổng giá trị 21,271 tỷ Yên, các giai đoạn của Dự án đã bắt đầu triển khai từ năm 2008. Đến nay dịch vụ tư vấn đã cơ bản hoàn thành công tác thiết kế kỹ thuật giai đoạn 1 và đang lựa chọn và thương thảo hợp đồng tư vấn giai đoạn 2A, công tác đấu thầu xây lắp chưa được triển khai.