Mặc dù biết các xuất ăn ở khu công nghiệp không được an toàn, nhưng những công nhân vẫn chấp nhận suất ăn đó vì giá rẻ, chỉ từ 10.000 đến 12.000 đồng/ suất ăn.
Thời gian gần đây, vấn đề ngộ độc thực phẩm tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đang là vấn đề nhức nhối đối với các cơ quan chức năng. Theo đó, đa số các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở các KCN đều do các bếp ăn tập thể không tuân thủ đúng các điều kiện về an toàn, vệ sinh thực phẩm.
Theo khảo sát thực tế, hiện này có đến 20% bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp (KCN) vi phạm quy định về ATTP, khiến cho tình trạng ngộ độc thực phẩm ở những cơ sở này ngày càng gia tăng.
Đánh giá về vấn đề này, TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trường Cục ATTP (Bộ Y tế) cho biết, số vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể của KCN, khu chế xuất những năm gần đây có chiều hướng giảm nhẹ song số người mắc lại tăng, diễn biến rất phức tạp khi ghi nhận rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm lớn làm hàng trăm người mắc. Trung bình mỗi năm cả nước có trên 1.000 người phải nhập viện vì ngộ độc tại các bếp ăn này.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trực tiếp kiểm tra bếp ăn tập thể tại công ty Sam Sung (Thái Nguyên).
Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, TS Phong nhận định, một trong những nguyên nhân khiến ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể ở KCN vẫn nhức nhối là do xu thế sử dụng các bữa ăn này gia tăng, trong khi một bộ phận lớn các cơ sở có nhu cầu sử dụng thực phẩm cung cấp cho công nhân giá rẻ, chỉ từ 10.000-12.000 đồng/ suất ăn.
Đáng chú ý, bản thân người công nhân cũng chấp nhận suất ăn giá rẻ như vậy dù biết khó đảm bảo an toàn. Ngoài ra, các cơ sở cung cấp suất ăn ngày càng nhiều, nhiều cơ sở quy mô nhỏ, điều kiện cơ sở rất thủ công, khó kiểm soát yêu cầu về ATTP.
Một lý do chủ quan khác khiến thực trạng ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể KCN/KCX còn nhức nhối chính là do trách nhiệm đảm bảo ATTP của chính quyền địa phương các cấp, Ban Quản lý các KCN/KCX, chủ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ ăn uống chưa cao, chưa thường xuyên.
“Không ít chính quyền địa phương không nắm rõ hoạt động bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn trên địa bàn. Phần lớn chủ doanh nghiệp còn khoán công tác đảm bảo ATTP cho nhà thầu cung cấp suất ăn cho công nhân.
Đặc biệt, nhiều tỉnh hiện nay còn quy định việc kiểm tra, thanh tra (trong đó có y tế) đối với doanh nghiệp nằm trong KCN/KCX phải được thông báo trước 7-10 ngày cho Ban quản lý và phải được sự chấp thuận của chủ doanh nghiệp, dẫn đến việc thanh kiểm tra một số bếp ăn tập thể rất khó thực hiện, nhất là kiểm tra đột xuất…”, ông Phong thông tin.
Trước những thực trạng đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP các địa phương, Ban Quản lý các KCN/KCX phải tăng cường chỉ đạo công tác đảm bảo ATTP tại các bếp ăn tập thể, coi sức khỏe người lao động là tài sản quan trọng nhất của doanh nghiệp, giám sát và kịp thời xử lý 100% các vụ ngộ độc thực phẩm nếu xảy ra. Thứ trưởng nhấn mạnh, ngoài hoạt động thanh kiểm tra của cơ quan chức năng, việc tự kiểm tra nội bộ của Ban quản lý các KCN/KCX, các doanh nghiệp cũng rất quan trọng.