Giữa thời tiết nóng nực, tảng đá này lại lạnh đến mức kỳ lạ khiến người nông dân không khỏi rùng mình. Ông không ngờ rằng mình thực sự đã phát hiện ra báu vật của địa phương.
Vào mùa hè năm 1991, người dân ở huyện Yixian, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc lên núi đốn củi như thường lệ. Lão Lý cũng như mọi người, mang theo bữa trưa đã chuẩn bị từ nhà rồi bắt đầu lên núi.
Thấy thời tiết càng ngày càng nóng, Lão Lý vừa mệt vừa đói nên quyết định dừng lại bên đường. Ông nhìn quanh, tìm lấy cho mình chỗ râm mát để nghỉ ngơi, tiện tính xem nên đi tiếp hướng nào để đốn củi vào buổi chiều. Ngay khi vừa ngồi xuống, ông thấy một cảm giác ớn lạnh từ dưới mông truyền đến. Lão Lý giật mình, lưng toát mồ hôi lạnh.
"Mùa hè sao nơi này lại lạnh như vậy?", Lão Lý thầm bực trong lòng.
Ông đưa tay xuống sờ phía dưới thì thấy rất nhẵn nhụi. Cúi đầu nhìn, hóa ra ông đang ngồi trên một tảng đá màu mực. Nhưng tại sao tảng đá này lại toát ra cảm giác lạnh như vậy, màu sắc cũng lạ thường nữa?
Lão Lý vội vàng đứng dậy nhìn quanh, nhưng không tìm thấy gì ngoại trừ tảng đá này. Ngày hôm đó trời nắng chói chang, tảng đá cho dù ở trong bóng râm cũng không thể lạnh đến mức thế. Lão Lý lại nằm xuống, cẩn thận sờ và ngạc nhiên phát hiện, tảng đá không chỉ có lạnh mà có bề mặt rất mịn và giống màu mực tím, kết cấu không hề giống với những tảng đá khác. Ngờ rằng có thể mình đã phát hiện ra báu vật phong thủy, Lão Lý không còn hoảng sợ nữa mà thoải mái nghỉ ngơi trên tảng đá thêm một lúc trước khi bắt đầu công việc đốn củi buổi chiều.
Buổi chiều, một người quen trong làng đang đốn củi nhận thấy Lão Lý rất vui vẻ như đang có chuyện tốt. Ông trêu Lão Lý rằng có phải nhặt được kho báu không mà vui vẻ như vậy. Lão Lý vốn là người thật thà nên kể ngay cho hàng xóm nghe chuyện xảy ra vào buổi trưa. Nghe ông nói xong, mọi người đều tò mò muốn tới xem.
Khi xuống núi, mọi người theo sự chỉ dẫn của Lão Lý đến tảng đá lớn này và ngồi lên để cảm nhận. Tất cả họ đều choáng váng trước sự kỳ lạ của tảng đá này, nó lớn đến mức 10 người nằm cạnh nhau cũng vẫn đủ. Có người nói rằng, đó chỉ là chiếc giường băng đen nghìn năm tuổi được nhắc đến trong tiểu thuyết võ hiệp mà thôi!
Chẳng bao lâu, tảng đá lớn này đã trở thành huyền thoại của địa phương, thậm chí có người nơi khác còn đến đây để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tảng đá. Chính quyền địa phương nắm được tình hình nên đã nhờ các chuyên gia thẩm định nguồn gốc và giá trị của tảng đá.
Sau khi giám định, chuyên gia cho biết viên đá có màu mực tím và mát lạnh này là một tảng đá alexandrite, một chất liệu tốt để làm mực. Điều đáng nói là tảng đá alexandrite lớn như vậy có thể nói là hiếm thấy trên thế giới. Theo ước tính của chuyên gia, tảng đá này phải nặng ít nhất hơn 100 tấn.
Một tảng đá quý và to như vậy lại ở trên núi thì nên xử lý thế nào? Chính quyền địa phương cũng rất băn khoăn vì không thể để báu vật ở đây phơi nắng mưa, chỉ có thể cố gắng hết sức để vận chuyển xuống núi. Sau 3 tháng với rất nhiều khó khăn trong khâu đào và vận chuyển, họ mới đưa được tảng đá alexandrite khổng lồ này từ trên núi xuống.
Câu hỏi tiếp theo được đặt ra là làm thế nào để có thể phát huy tối đa giá trị của tảng đá này? Sau khi tham khảo nhiều ý kiến, chính quyền địa phương có kế hoạch biến hòn đá lớn này thành một tác phẩm nghệ thuật. Điều này không chỉ giúp tăng thu nhập cho người dân địa phương mà còn là cách bảo vệ tốt nhất cho tảng đá.
Nhưng đối với một tảng đá lớn như vậy, không có thợ thủ công địa phương nào có đủ kinh nghiệm để tiến hành chạm khắc. Sau đó, một nghệ nhân có tiếng đã dẫn hơn 30 thợ lành nghề có mặt để hoàn thành nhiệm vụ này.
Phải mất tới 6 năm cùng nỗ lực không ngừng nghỉ, họ mới có thể hoàn thành kiệt tác này. Tấm đá mực khổng lồ mang tên “Tenglong Trung Quốc” được khắc 56 con rồng khổng lồ tượng trưng cho 56 dân tộc. Các chi tiết về móng và vảy rồng được thực hiện rất sức tinh xảo. Ngoài ra, còn có 9 con rùa thần được điêu khắc sống động. Tác phẩm nghệ thuật độc đáo này đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà sưu tập lớn.
Một đại gia ở Sơn Đông được cho là đã chi số tiền khổng lồ để sưu tầm tác phẩm và chịu trách nhiệm bảo tồn. Tảng đá này đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới, đồng thời phá kỷ lục Guinness về tảng đá mực lớn nhất và đẹp nhất. Theo đánh giá của các tổ chức và chuyên gia, giá trị của tác phẩm này là khoảng 200 triệu nhân dân tệ (670 tỷ đồng).