Sau khi thông tin TP.HCM sẽ có phố hàng rong, những người buôn bán trên địa bàn Quận 1 vui vì có chỗ để mưu sinh nhưng cũng lo lắng vì thời gian được ngồi bán quá ít, sẽ không kiếm đủ tiền lo cho gia đình.
Theo đó, bước đầu lãnh đạo TP.HCM đã đồng ý cho thí điểm ở 2 địa điểm gồm đường Nguyễn Văn Chiêm và công viên Bách Tùng Diệp (đều thuộc quận 1). Sau đợt thí điểm, nếu kết quả tốt TP HCM sẽ cho triển khai thêm.
Bà Nguyễn Thị Tám (68 tuổi) bán nước trên đường Nguyễn Văn Chiêm bày tỏ ý kiến: “Nghe vậy thì cũng vui cũng mừng, nhờ chính quyền địa phương giải quyết cho chị em nghèo khổ buôn bán. Tôi bán ở đây từ mấy chục năm nay rồi”.
Bà Tám và gánh nước trên đường Nguyễn Văn Chiêm
Vỉa hè trên đường Nguyễn Văn Chiêm khá thông thoáng
Cũng như đa số những người bán hàng rong khác, hoàn cảnh của bà Tám cũng hết sức khó khăn. Bà kể: “Gia đình tôi có 5 mẹ con sinh sống. Vì vợ chồng đứa con gái li dị nhau 2 chục năm nay nên tôi ở vậy nuôi 2 đứa cháu”.
Bà Tám cho biết, trên con đường Nguyễn Văn Chiêm mấy chục năm nay chỉ có một mình bà ngồi bán nước. Cứ 6 giờ sáng là bà ra bán, đến 5 giờ chiều thì về nhà ở phường Bến Nghé (quận 1).
Nói về mong muốn của mình sau khi chính quyền địa phương tổ chức phố bán hàng rong trên đường Nguyễn Văn Chiêm, bà nói: “Tôi chỉ mong được bán cả ngày. Chứ thời gian ngắn quá cũng khó. Địa phương sắp xếp chỗ nào thì tôi cũng ngồi bán chỗ đó thôi”.
Toàn cảnh đường Nguyễn Văn Chiêm
Trên đường Phạm Ngọc Thạch, chị Đỗ Thị Dung cho biết, chị bán nước ở đây gần 2 chục năm rồi, khi nghe tin chính quyền tổ chức phố hàng rong chị không biết nên hay buồn. Chị Dung nói: “Giờ cũng không biết sao nữa, nghe có thông tin này cũng hồi hộp lắm. Nhà tôi ở quận 12, nếu nhà nước cho người dân quận 1 bán ở chỗ này mà đóng thuế thì mong họ vẫn cho tôi giữ lại chỗ này để bán”.
Theo ghi nhận của phóng viên, đường Nguyễn Văn Chiêm có chiều dài chưa đến 1 cây số nối từ đường Phạm Ngọc Thạch, đến đường Hai Bà Trưng. Hai bên vỉa hè của con đường khá thông thoáng.
Chị Dung và gánh nước của mình trên đường Phạm Ngọc Thạch
Công viên Bách Tùng Diệp nằm ngay cạnh ngã tư Lý Tự Trọng giao với Nam Kỳ Khởi Nghĩa có vỉa hè cũng khá thông thoáng. Chiều 21/3, theo ghi nhận của phóng viên, người bán hàng rong gần như rất hiếm ở đây. Chỉ có một người đàn ông với gánh hàng đựng vài quả dừa tươi đi lại mời khách nước ngoài.
Lối đi thông thoáng cạnh công viên Bách Tùng Diệp
Trong khi đó, một vài người dân ngồi bán nước ở đường Pasteur, phía đối diện với công viên Bách Tùng Diệp khi được hỏi thì tỏ ra không vui vẻ gì, cũng không muốn chia sẻ gì.
Một người phụ nữ gượng gạo nói: “Dẹp cái chỗ mình buôn bán thì buồn thôi. Nhưng trên nói sao thì nghe vậy, sắp đâu ngồi đó, phải chấp hành thôi. Chúng tôi qua bên sợ không bán được, khách đang chạy lề bên này thì làm sao mà qua bên đó mua được. Nhà tôi ở đây, bán ở đây 2 chục năm rồi. Bán ở đây còn tiện đưa rước con, qua bên đó không biết sao”.
Bà Yến (62 tuổi) bán rong ở đầu đường Phạm Ngọc Thạch, phía đối diện nhà thờ Đức Bà cho biết, bà quê ở Thừa Thiên Huế, đứng bán ở góc này hơn 30 năm rồi. Khi được hỏi về “Phố hàng rong” sắp được triển khai, bà nói “Tôi buồn chứ không vui”, rồi không nói gì thêm nữa.
Bà Yến và ghánh hàng rong của mình
Một người bán rong trên đường Pasteur, cạnh công viên Bách Tùng Diệp