Trong lúc bệnh tâm thần phân liệt tái phát không làm chủ được hành vi của mình, người phụ nữ từng hết mực yêu chồng thương con đã lạnh lùng vung dao tước đoạt sinh mạng của hai đứa con trai thơ dại.
Ông hiểu, bệnh tật mới chính là thủ phạm gây nên bi kịch khủng khiếp của gia đình mình và vợ ông cũng là nạn nhân. Chính vì thế, hơn 20 năm từ sau thảm án, ông vẫn tận tình chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ cho vợ; hơn 20 năm đó, ông cũng chưa một ngày dám ngủ sâu giấc để canh cho những đứa con còn lại, đề phòng người vợ lên cơn điên loạn gây ra tội lỗi lần nữa.
Căn bệnh thần kinh biến người mẹ thành “quỷ dữ”
Người phụ nữ vô tình biến thành quỷ dữ ấy là Vũ Thị Thẻo (xóm 8, Giao Tân, Giao Thủy, Nam Định). Bà có dáng người nhỏ bé hiền lành, trong tận sâu đôi mắt phảng phất nét u buồn. Lâu lắm rồi, bà mới tỉnh như vậy. Chúng tôi hỏi lại chuyện xưa, ông Phạm Văn Trảm (60 tuổi) chồng bà có phần e ngại thì bà Thẻo lại nói: “Tôi thương và nhớ các con lắm ông à, nói ra được cũng nhẹ đi phần nào”. Không gian trở nên ngột ngạt khó thở, những ký ước đau buồn của ngày xưa như cuốn phim quay chậm trong nước mắt. Năm 1973, bà Thẻo cùng với ông Trảm nên nghĩa vợ chồng. Cuộc sống khi đất nước còn chiến tranh còn nhiều khó khăn và thiếu thốn nhưng hai người luôn yêu thương nhau. Trong lúc đôi vợ chồng son đang “mặn nồng hương lửa” thì bà Thẻo bỗng dưng phát bệnh tâm thần phân liệt. Hai vợ chồng chạy chữa thuốc thang đủ đường nhưng bệnh tình của bà cũng không thuyên giảm. Ông Trảm kể: “Bệnh vợ tôi lạ lắm. Thường hai năm một lần, căn bệnh lại tái phát chừng vài tháng. Khoảng thời gian này, bà ấy như người điên, lúc nào cũng ngơ ngơ, ngẩn ngẩn. Nhưng qua vài tháng, thì thần trí lại tỉnh táo như thường. Khi bà ấy phát bệnh, bà ấy xa lánh mọi người, miệng cứ làm nhảm đòi giết hết chồng con, người thân trong nhà. Có khi, bà ấy lại đòi tự tử”.
Bà Thẻo tâm sự về bi kịch đời mình trong nước mắt.
Đến hổ dữ cũng không ăn thịt con, nhưng bệnh tật đã biến bà Thẻo thành một người mẹ có những hành động mất hết nhân tính. Bi kịch xẩy ra vào tối 11/4/1987. Ông Trảm khi ấy đang là Đội phó Đội đê điều của xã nên thường vắng nhà vào ban đêm. Đêm hôm đó, nhà chỉ có bà Thẻo với ba đứa con thơ dại. Bà Thẻo không thế nhớ được hôm ấy chuyện gì đã xảy ra, chỉ thấy quanh mình đầy máu. Khi sự việc xảy ra, bà hoảng loạn gào thét: “Tôi giết chết con tôi mất rồi”. Khi thấy tiếng thét hãi hùng ấy, hàng xóm láng giềng mới chạy vội sang nhà bà để xem sự tình thì phát hiện sự việc kinh hoàng. Hai đứa con trai của bà Thẻo là Phạm Văn Thường (12 tuổi), Phạm Văn Thiện (6 tuổi) bị mẹ dùng dao bầu chém chết ngay trong mâm cơm. Sau hành động điên loạn, người mẹ liền chạy ra phía bờ sông để trẫm mình, may có người đuổi theo vớt bà lên bờ. Sau vụ thảm án, bà Thẻo được đưa đến Bệnh viện thần kinh Trung ương điều trị. Không bỏ rơi vợ, người đàn ông có tấm lòng bao dung ấy mở rộng vòng tay đón bà về với gia đình. “Ngày tôi ra khỏi bệnh viện tâm thần, mẹ tôi lên đón bảo: “Con giết con giết cháu người ta, người ta không chấp nhận tha thứ cho con đâu, thôi con về nhà mẹ”, thì bất chợt cô con gái cả của tôi nước mắt ngắn dài chạy lại túm áo nói: “Mẹ về nhà mình đi, bố bảo mẹ về. Bố ốm không đi đón mẹ được, kêu con đi””, bà Thẻo túm áo lau vội những giọt nước mắt kể. Ông Trảm nói tiếp: “Vợ chồng với nhau bao năm nên nghĩa. Tại bệnh tật nên bà ấy mới như vậy, chứ lý trý bà ấy đâu như thế. Hai cháu mất là con của hai vợ chồng, mất con ai mà chẳng đau, chẳng xót”.
Tình yêu thương biến thành “thần dược”
Lòng vị tha, bao dung của ông Trảm chính là thuốc đặc trị căn bệnh tai quái của vợ. Ảnh TG
Hai vợ chồng ông bà động viên nhau cố quên đi những chuyện đau buồn trong quá khứ để xây lại tổ ấm. Nhưng cuộc sống đâu phải lúc nào cũng suôn sẻ như thế. Trước khi bà xuất viện, các bác sĩ cũng cảnh báo bệnh của bà không thể chữa khỏi được. Bà về được một thời gian thì bệnh lại tái phát. Lần này, triệu chứng vẫn như các lần trước. Vẫn muốn giết chết hết người thân trong nhà và liên tục đòi tự tử. Ông Trảm phải nghỉ việc cơ quan ở nhà vừa trông con, vừa canh vợ, ông sợ vợ lại lên cơn rồi làm điều kinh hoàng thêm một lần nữa. Cảnh giác cao là vậy nhưng chẳng bao lâu sau khi ở bệnh viện về, bà Thỏe lại có dấu hiệu tái phát bệnh. “Lúc phát bệnh, do nhà còn ít người nên bà ấy cứ đi quanh quẩn theo tôi. Tôi làm việc gì cũng phải để mắt đến. Trưa hôm đó, tôi đang nấu cơm, bà ấy cứ thập thò ngoài cửa. Khi tôi vừa cúi xuống ghế nồi cơm thì bà ấy cầm cái thớt nghiến phang thẳng vào gáy. Tôi gục xuống, còn bà ấy lại ra kêu gào ầm ĩ: “Tôi giết chồng tôi rồi””, ông Trảm kể lại.
Sau đợt phát bệnh đó, một thời gian sau bà Thẻo lại tỉnh táo. Nỗi đau tạm nguôi ngoai, ông bà có lại với nhau thêm hai người con, một trai một gái. Nhưng khi bà vừa sinh đứa con út thì bệnh tâm thần phân liệt lại tái phát. Những lúc ấy bà không phải là một người mẹ, người vợ như bình thường nữa. Nhắc lại những ngày tháng vợ phát bệnh, ông Trảm không khỏi rùng mình rợn gáy. Ông không nhớ hết được bao nhiêu lần vợ mình định đầu độc cả gia đình. “Bà ấy mua thuốc ngủ về để tự tử nhưng tôi đều phát hiện được nên chưa xảy ra chuyện gì. Rồi bà ấy mua 20 gói thuốc bả chuột về nấu cháo cho mấy bố con tôi ăn. Vì “bắt mạch” được bệnh nên nhưng ngày bà ấy thần trí không tỉnh táo, tôi đều cảnh giác, kịp thời phát hiện. Một lần duy nhất tôi say rượu không tỉnh táo nên không biết. Khi bà ấy bưng bát cháo đưa cho tôi, tôi cầm run tay thì đánh rơi bát cháo xuống đất. Con chó già chạy ra ăn thì chết luôn”, ông Trảm kể. Nhưng những lần ấy chưa ám ảnh ông bằng ký ức về những lần vợ tay lăm lăm con dao, thỉnh thoảng lại kề vào cổ ông hay các con. Lúc đó, ông quát lên: “Bà làm gì vậy”, thì bà Thẻo lại cười khẩy khó hiểu rồi trả lời gọn lỏn: “Thử xem thế nào thôi mà”. Lo sợ bi kịch lại tái diễn, ông Trảm luôn tự dặn mình phải che chở, bảo vệ cho các con. Vậy là đêm đêm, ông ngồi đầu giường trông cho các con ngủ. Nhiều khi vừa ngủ gật gục mình xuống, ông lại giật mình hốt hoảng vùng dậy, thấy các con vẫn ngủ ngon nằm đó mới thở phào. Có những khi chỉ có một mình đối diện với bóng tối, nghĩ tủi thân, ông lại ứa nước mắt. Cứ như thế ròng rã, đêm nào ông cũng canh giấc cho các con từ lúc mới lọt lòng cho đến khi trưởng thành.
Tuy phải “đối phó” với bà Thẻo trong một thời gian dài như vậy nhưng trong thâm tâm ông Trảm chưa một lần trách mà chỉ thấy thương vợ hơn, bởi ông biết bà cũng chỉ là nạn nhân của căn bệnh quái ác. Ông chia sẻ: “Không ít người khi thấy bà ấy như vậy thì khuyên tôi ly dị hay cho bà ấy đi trại tâm thần. Nhưng chỉ những lúc bà ấy phát bệnh mới vậy thôi chứ khi tỉnh táo lại chăm sóc chồng con chu đáo, chăm chỉ lao động làm ăn như bao người khác. Bệnh của bà ấy chữa không khỏi nhưng nếu tinh thần được thoải mái sẽ ít phát bệnh hơn. Có tôi, bà ấy còn vậy, nếu tôi bỏ rơi thì không biết bà ấy sẽ ra sao nữa”. Điều khiến ông Trảm hạnh phúc nhất sau những cố gắng không mệt mỏi của mình là nhìn thấy con cái không hắt hủi, sợ hãi mà luôn gần gũi, quấn quýt, động viên mẹ ngay cả những lúc vợ ông bị bệnh tật hành hạ. Nhờ tình thương yêu ấy, ba năm nay, bệnh tình bà Thẻo không còn tái phát. Bản thân người chồng, nhờ thế cũng có được những đêm ngon giấc, không phải thức trắng canh cho cả vợ lẫn con.
Nỗi ân hận khôn nguôi Sau án mạng thảm khốc, bà Thẻo được đưa đến điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương nhưng bệnh tình vẫn không khá hơn, thần trí lúc nào cũng trong tình trạng lúc mê, lúc tỉnh. Năm lần bảy lượt, bà định tự tử nhưng đều được các bác sĩ bệnh viện phát hiện kịp thời. “Tôi không phải là một con người nữa, còn hơn cả quỷ dữ. Khi tỉnh lại biết chính tay mình đã giết chết các con, tôi ân hận day dứt không muốn sống nữa. Nhưng rồi tôi lại nghĩ, chết thì đơn giản với tôi quá. Tôi có tội và nợ với chồng với con thì tôi phải trả. Cái bệnh trời đày không may đến với tôi thì tôi phải chịu. Chứ tôi thương các con tôi lắm”, bà Thẻo vẫn chưa nguôi nỗi ân hận về tội lỗi mình gây ra trong cơn điên loạn. |