Người con gái đầu tiên biết đi xe đạp ở kinh thành Huế xưa, là tiểu thư con quan, bị đuổi học khỏi trường nữ sinh Đồng Khánh

THÀNH GIANG - Ngày 03/11/2022 09:30 AM (GMT+7)

Nguyễn Thị Thiếu Anh là người phụ nữ nổi tiếng khắp kinh thành Huế vào cuối những năm 1930. Bà là cô gái đầu tiên biết đi xe đạp và bị đuổi học vì không chấp nhận việc cô giáo người Pháp coi thường dân tộc mình.

Trường nữ sinh Đồng Khánh (Thừa Thiên - Huế) xưa vốn nổi tiếng là nơi quy tụ nhiều gương mặt nữ nhân xinh đẹp, tài sắc vẹn toàn. Trong đó phải kể đến Nguyễn Thị Thiếu Anh, cô gái đầu tiên biết đi xe đạp ở xứ Huế thời đó và là tiểu thư con quan hiếm hoi bị đuổi học vì dám cãi cô giáo. Những câu chuyện về cuộc đời của bà Nguyễn Thị Thiếu Anh đến nay vẫn còn được nhắc lại về người phụ nữ yêu nước, tài giỏi, mạnh mẽ và khẳng khái.

Nhan sắc thời trẻ của bà Nguyễn Thị Thiếu Anh - cô gái từng làm những điều không tưởng ở chốn kinh thành Huế

Nhan sắc thời trẻ của bà Nguyễn Thị Thiếu Anh - cô gái từng làm những điều không tưởng ở chốn kinh thành Huế

Người con gái đầu tiên biết đi xe đạp ở kinh thành Huế lúc bấy giờ

Nguyễn Thị Thiếu Anh sinh năm 1921 tại Anh Sơn (tỉnh Nghệ An), quê quán ở xã Sơn Hòa (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Bà là con gái cụ Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm, từng giữ chức Phủ doãn (chức danh trong hệ thống chế độ phong kiến, tương đương Tổng đốc, chỉ áp dụng tại Kinh đô) tại Thừa Thiên - Kinh đô Huế. Là tiểu thư cành vàng lá ngọc, bà Thiếu Anh được cho đi học từ sớm.

Năm 15 tuổi, bà Thiếu Anh là nữ sinh của trường Đồng Khánh đạt giải nhất toàn quốc môn Văn với số điểm tuyệt đối 20/20, được nhà vua đích thân trao giải thưởng gồm một xấp vải đẹp, một chiếc đàn Banjolin và một cuốn từ điển gia chánh.

Bà Thiếu Anh nổi tiếng không chỉ nhờ tài văn chương mà còn bởi những điều vượt qua khuôn mẫu với con gái thời đó. Bà được biết đến là cô gái đầu tiên trong kinh thành Huế biết đi xe đạp. Nguyên nhân của việc này cũng xuất phát từ khả năng học giỏi Văn, cô nữ sinh lúc đó đã tự nguyện tham gia vào tờ báo “Xuân” của “Học sinh Văn đoàn” ở Huế, chịu trách nhiệm biên tập và quản trị phát hành một tờ báo nên phải đi xe đạp để tiện di chuyển, rút ngắn thời gian. Nhà văn, nhà báo, bác sĩ Nguyễn Khắc Việt, anh trai ruột là người đã khuyến khích và động viên bà Thiếu Anh đi xe đạp.

Cách đây hơn 80 năm, việc nữ giới biết đi xe đạp là chuyện cực hiếm, chính vì vậy, trường hợp của bà Thiếu Anh vô cùng đặc biệt. Hình ảnh người con gái mặc áo dài trắng, đội nón lá, đạp xe từ Gia Hội về Đông Ba làm xôn xao cả kinh thành. Không chỉ là cô gái đầu tiên biết đi xe đạp, bà Thiếu Anh còn nổi tiếng vì dám đạp xe khắp kinh thành Huế, điều mà lúc đó chỉ có nam giới mới làm được.

Bà Thiếu Anh là cô gái đầu tiên dám đi xe đạp khắp kinh thành Huế thời bấy giờ

Bà Thiếu Anh là cô gái đầu tiên dám đi xe đạp khắp kinh thành Huế thời bấy giờ

Tiểu thư khuê các bị đuổi học khỏi trường Đồng Khánh do cãi lại giáo viên vì lòng tự tôn dân tộc

Theo giai thoại được kể lại, khi đang học lớp 2e année (tương đương lớp 7 bậc Trung học cơ sở hiện tại) ở trường Đồng Khánh, trong giờ thi học kỳ tiếng Pháp, chỉ vì làm bài quá xuất sắc hơn những bài kiểm tra thông thường, bà Thiếu Anh bị cô giáo người Pháp nghi ngờ quay cóp gian lận. 

Không chỉ vậy cô giáo còn dùng lời lẽ không hay rằng: “Dân An Nam các cô đều là quân ăn cắp”. Câu nói này đã động chạm đến lòng tự tôn dân tộc của bà Thiếu Anh khiến bà đứng dậy, khẳng khái nói lại: “Trên thế giới này, dân tộc nào cũng có người lương thiện, có kẻ ăn cắp. Tôi cũng công nhận người Pháp như các bà qua đây không ai ăn cắp, vì các vị đã bóc lột chúng tôi tận xương tủy, đã giàu có tột cùng rồi. Đối với chúng tôi thì tất cả những người Pháp sang xâm chiếm tàn bạo đất nước Việt Nam đều là quân ăn cướp”.

Những lời đanh thép của bà Thiếu Anh khiến cô giáo người Pháp giận dữ, những học sinh còn lại ngỡ ngàng. Câu chuyện này sau đó nhanh chóng lan tỏa khắp trường Đồng Khánh và kinh thành Huế. Nhiều người không dám tin một tiểu thư con quan lại dám nói những lời mạnh mẽ và thẳng thắn như thế với người Pháp.

Hiệu trưởng trường Đồng Khánh khi đó khuyên cô nữ sinh Thiếu Anh nên xin lỗi để êm ấm mọi chuyện nhưng bà nhất quyết không đồng thuận cúi đầu, thà bị đuổi học hơn là thấy đất nước, dân tộc bị hạ thấp, miệt thị như vậy.

Bà Thiếu Anh sau đó bị đuổi học khỏi trường Đồng Khánh, cấm thi 3 năm vì có tư tưởng phản nghịch. Đây được xem như là “bản án chung thân” với cô học trò tài giỏi. Việc một nữ sinh trường Đồng Khánh, lại là tiểu thư con quan đầu tỉnh bị đuổi học là sự kiện gây chấn động. Kể từ đó bà Thiếu Anh không được đến trường, sau năm 1945, khi thực dân Pháp mất quyền cai trị ở Đông Dương mọi chuyện mới trở nên nhẹ nhàng hơn. Mãi đến năm 1954 khi trở lại Hà Nội lúc gần 35 tuổi, bà Thiếu Anh mới đi học trở lại ở lớp dược tá và theo nghề thầy thuốc cho đến khi về hưu.

Hình ảnh của bà Thiếu Anh năm 80 tuổi

Hình ảnh của bà Thiếu Anh năm 80 tuổi

Tấm lòng yêu nước của bà Thiếu Anh còn thể hiện thông qua công việc biên tập tờ báo “Xuân” với nội dung tiến bộ, động viên tinh thần dân tộc, gửi gắm tình thương đến người nghèo, cổ động dùng đồ quốc nội và khuyến khích bình dân học vụ.

Mạnh mẽ, quyết liệt trong đấu tranh yêu nước nhưng nhẹ nhàng mềm mỏng trong chuyện tình yêu, gia đình

Bà Thiếu Anh được gia đình hứa hôn từ khi mới 7 tuổi cùng với vị hôn phu hơn 2 tuổi là Bác sĩ Đặng Văn Ấn. Thậm chí trong buổi gặp đầu tiên, hai đứa trẻ còn tranh giành nhau chiếc xe đạp. Đến năm Thiếu Anh 16 tuổi chính thức được phía đàng trai vào Huế hỏi cưới. Mất mẹ từ nhỏ, bà Thiếu Anh chỉ có bố yêu thương nên đồng ý cuộc hôn nhân do phụ huynh sắp đặt. Tuy nhiên ra yêu cầu đến năm 20 tuổi mới tính chuyện vợ chồng.

Bắt đầu tìm hiểu nhau và tình cảm nảy nở, bà Thiếu Anh dần trở thành thiếu nữ Huế nhẹ nhàng, thanh lịch, duyên dáng trong chuyện yêu đương. Từ chàng trai xa lạ, bà Thiếu Anh cảm thấy nhớ nhung khi thấy ông Đặng Văn Ấn không đến nhà, bâng khuâng buồn bã hơn mọi khi. 

Khác với những cô gái Huế e ấp, ngại ngùng, bà Thiếu Anh thẳng thắn thể hiện tình cảm của mình với đối phương. Từ khoảng thời gian yêu đến lúc chính thức trở thành vợ chồng, bà Thiếu Anh và ông Đặng Văn Ấn đã viết cho nhau hàng trăm lá thư, nối dài những tâm tư tình cảm giữa hai miền Trung - Bắc.

Sau khi hôn lễ được tổ chức, vài năm sau đó do những biến chuyển của chính trường, bà Thiếu Anh về quê chồng ở Diễn Châu (tỉnh Nghệ An) phụng dưỡng mẹ chồng, nuôi dạy 3 người con trong hoàn cảnh khó khăn thời kháng chiến, khiến niềm đam mê văn chương ngày nào dần trôi vào quên lãng.

Hình ảnh hiếm trong đám cưới của bà Thiếu Anh và ông Đặng Văn Ấn vào năm 1941 (cô dâu Thiếu Anh và chú rể Đặng Văn Ấn đứng lần lượt vị trí thứ 7, 9 từ trái sang)

Hình ảnh hiếm trong đám cưới của bà Thiếu Anh và ông Đặng Văn Ấn vào năm 1941 (cô dâu Thiếu Anh và chú rể Đặng Văn Ấn đứng lần lượt vị trí thứ 7, 9 từ trái sang)

Đến tuổi về hưu, bà Thiếu Anh mở một quán nước nhỏ nơi góc phố Trần Bình Trọng. Nhiều bạn bè cùng học trường Đồng Khánh năm xưa và nhiều văn nghệ sĩ quen biết cũ đến ủng hộ, trong những cuộc trò chuyện khơi lại tình yêu với văn học, khiến bà cụ hằng ngày vừa bán hàng vừa làm thơ. Năm 68 tuổi, tập thơ đầu tay “Gửi Huế” của bà Thiếu Anh được xuất bản.

6 năm sau đó khi 74 tuổi, tập “Tình yêu thuở ấy” phát hành với 14 mẩu chuyện về chính cuộc đời của bà. Trong 10 năm cuối đời, bà thường đau ốm, nhiều lần ngã gãy xương tay chân nhưng vẫn giữ được tình yêu với văn chương và cho ra đời thêm những cuốn sách như: Hoài niệm, Tình đời tình thơ, Mãi mãi bên nhau, Góp nhặt cuối đời, Ơn sâu nghĩa trọng tình thâm…

Từ năm 1989, bà Thiếu Anh tận tụy chăm sóc cho bác sĩ Đặng Văn Ấn phải nằm liệt giường do tai biến mạch máu não. Đến năm 1993, bác sĩ Đặng Văn Ấn qua đời. Sau 15 năm kể từ khi “thiếu anh”, vào một ngày đầu xuân năm 2008 bà Thiếu Anh cũng từ giã cuộc đời ở tuổi 87.

Mỹ nhân Hà thành nổi tiếng một thời: Tiểu thư nhà giàu, thông minh hơn người và cách nuôi dạy con đáng ngưỡng mộ
Đến tuổi trăng tròn, tiểu thư Hà thành càng ngày càng ra dáng một thiếu nữ xinh đẹp khi có gương mặt trái xoan, đôi mắt to tròn đen láy, làn da trắng ngần.

Những nhan sắc một thời

THÀNH GIANG
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những nhan sắc một thời