Ngay từ 23 tháng Chạp, chị Vư đã tự tay dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, kiếm đầy củi chất trong nhà.
Nửa năm qua, cuộc hôn nhân của cặp đôi "đũa lệch" Thị Vư (SN 1970) và Mí Sình (SN 1997) ở Hà Giang đã thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận. Mọi "nhất cử nhất động" của họ, từ bữa cơm gia đình cho đến mối quan hệ giữa cha dượng - con riêng của vợ - con rể đều nhận được lời tán thưởng từ nhiều người. Họ cư xử với nhau không hề xa cách, giống như người thân ruột thịt, luôn giúp đỡ nhau làm nương rẫy, chăn nuôi lợn gà...
Gần đây, không ít người tò mò về cái Tết Nguyên đán Quý Mão của vợ chồng chị Vư và Mí Sình, dù đã lấy nhau được 3 năm. Bởi năm vừa qua là quãng thời gian đặc biệt nhất khi chuyện tình và cuộc hôn nhân của họ "nổi tiếng", được nhiều người chú ý đến.
"Năm qua vợ chồng mình được nhiều thứ lắm, ví dụ như được xuất hiện trên mạng liên tục, được mạnh thường quân hỗ trợ tiền làm kinh tế - gửi tặng nhu yếu phẩm... Nhờ đó cuộc sống của hai vợ chồng cải thiện đáng kể, đặc biệt có tiền mua lợn giống, gà... nuôi bán lấy tiền tiêu Tết", người đàn bà goá 52 tuổi thành thật.
Chị Vư hạnh phúc khi nhận chiếc khăn ấm từ mạnh thường quân.
Chị vừa dứt lời, chúng tôi liền hỏi năm nay ăn Tết Nguyên đán có to hay không? Chị Vư cười rạng rỡ: "To lắm". Quả thực so với nhiều năm trước, có lẽ đây là cái Tết sung túc, đủ đầy nhất của gia đình chị. Chị không phải lo tiền mua thịt về gói bánh chưng, lo mua bánh kẹo và cả manh áo mới. Đặc biệt chị có thể có tiền mừng tuổi các cháu ngoại khi chúng ghé tới chúc Tết.
"Mình là người Mông, có Tết truyền thống riêng của dân tộc. Thường chúng mình ở Hà Giang ăn Tết vào tháng Chạp, sớm hơn đồng bào cả nước một tháng. Cứ tầm 25, 26 tháng Chạp hàng năm, chúng mình bắt đầu dừng lại công việc, nghỉ ngơi, chuẩn bị đón Tết.
Song gần đây, gia đình mình và bà con trong bản đã ăn Tết cùng lịch với Tết Nguyên đán bởi hoàn cảnh, đời sống xã hội đã rất khác, không còn phù hợp để thực hành đầy đủ Tết Mông nữa. Vì vậy mình cũng theo nếp của văn hoá Tết Nguyên đán như gói bánh chưng, thờ cúng ông bà tổ tiên, làm cỗ thiết đãi con cháu", chị Vư tâm sự.
Chị Vư và cháu của Mí Sình lần đầu tiên nhìn thấy, được thưởng thức bánh đậu xanh.
Ngay từ 23 tháng Chạp, chị Vư đã tự tay dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, kiếm đầy củi chất trong nhà. Chị bảo người Mông quan niệm ngày Tết luôn phải giữ được ngọn lửa vì thế củi rất quan trọng, chỉ cần lửa cháy liên tục trong 3 ngày đầu năm chứng tỏ gia đình sẽ làm ăn thuận lợi trong suốt năm đó.
Ngoài ra, người phụ nữ 52 tuổi cũng tranh thủ đi chợ bán những miếng vải đay đã dệt từ trong năm, sắm sửa bánh kẹo, mứt Tết để gia đình có không khí xuân về từ sớm. "Tết này, vợ chồng mình nhận được rất nhiều quà của mạnh thường quân. Họ gửi cho mình và hàng xóm gạo, muối, đường, bột ngọt, dầu ăn - toàn thứ thiết yếu mà xưa giờ bà con trong bản làm gì có tiền mà mua dùng đâu. Qua đây mình cũng muốn gửi lời cảm ơn đến họ đã có tấm lòng tương thân tương ái dành cho người đồng bào khó khăn ở vùng núi này. Mình hi vọng sang năm mới, mọi gia đình ở đây có đủ gạo đủ ngô để ăn, lũ trẻ được đi học", chị Vư nói.
Nhắc đến chuyện Mí Sình đi làm ở Hà Nội bao giờ về, chị Vư cười sung sướng. Chị cho biết qua 23 tháng Chạp là công trình dừng, công nhân được nghỉ Tết. Vì thế chồng chị về nhà từ 25, cùng chị sửa soạn nhà cửa chuẩn bị đón xuân.
Chị Vư chăm đàn gà - tài sản lớn của hai vợ chồng trong dịp Tết Nguyên đán.
"Năm nay mình giàu hơn, vì có tiền lương và thưởng của Mì Sình đem về, cả quà bánh Tết nữa. Tổng số tiền lên đến 4 triệu đồng - số tiền lớn nhất từ trước đến nay mà mình có. Tiền này mình để dành để ra Giêng mua lợn giống, dành một chút để mừng tuổi cho cháu ngoại nữa. Trước giờ các cháu đến chúc Tết, mình nghèo nên làm gì có tiền mà lì xì nên năm nay "chơi lớn" một lần.
Hơn cả Tết này nhà mình cũng vui hơn khi chồng của Thị Mỉ (tức con gái thứ 3 của chị Vư với chồng trước) xuất ngũ trở về nhà. Nó và Mí Sình có thể ngồi trò chuyện, uống rượu với nhau", người đàn bà goá cho hay
Chia sẻ dự định trong năm mới, chị Vư bảo chẳng mong gì giàu sang, chỉ cần gia đình có sức khoẻ và cuộc hôn nhân của mình mãi bền vững. Mí Sình xuống Hà Nội làm không gặp tai nạn như năm cũ, luôn chung thuỷ với vợ.